Hồng Kông: Gọng kìm và tử huyệt

12/08/2019 - 06:35

PNO - Biển Đông, tên lửa hành trình, chiến tranh thương mại ngay trước thềm bầu cử Mỹ… phải chăng là những chủ đề mà Trung Quốc muốn thế giới nhắc đến nhiều hơn là đặc khu “bé nhỏ” mang tên Hương Cảng?

Nỗi ám ảnh “phản ứng dây chuyền” ở Nam Trung Hoa

Theo Steve Tsang - Giám đốc Học viện Trung Quốc (Trường Nghiên cứu phương Đông và châu Phi, London), Hồng Kông đặt ra vấn đề nghiêm trọng cho chính phủ Trung Quốc hay nói cách khác, đó là “tử huyệt” mà Bắc Kinh không muốn ai “để mắt” tới.

Hong Kong: Gong kim va tu huyet
Minh họa của The New York Times về thương chiến Mỹ - Trung, chưa biết ai thắng, nhưng kinh tế sẽ “rớt đài”

Kể từ cuối tháng 3/2019, khi cuộc biểu tình đầu tiên diễn ra đến nay, đại lục hầu như chọn kế “cách ngạn quan hỏa” - đứng trên bờ xem lửa cháy. Họ chọn phương án “để yên cho đối phương tự rối loạn” nhưng lại phải chứng kiến quy mô, mức độ ngày càng lớn. Các cuộc phản đối được cho là không có ai lãnh đạo, từ vài ngàn đã lên đến con số kỷ lục khoảng hai triệu người dân xuống đường.

Thậm chí, ngay khi dự luật dẫn độ đã “chết”, làn sóng biểu tình vẫn dâng cao. Mối lo ngại về một “phản ứng dây chuyền” dấy lên ngay tại khu vực ngàn đời nhạy cảm và là lối ra biển của đại lục - cũng là nơi nước này đang yêu sách chiếm trọn biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.

Các cuộc biểu tình đang tiến vào thời điểm “nóng” với Chủ tịch Tập Cận Bình - người đã xóa bỏ quy chế nhiệm kỳ hồi năm ngoái để trở thành lãnh đạo suốt đời, điều làm ông nhận phải chỉ trích gay gắt cả trong và ngoài nước. Trung Quốc cũng đang phải vật lộn với nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và tác động tiêu cực từ cuộc thương chiến với Hoa Kỳ, cũng như những chống đối từ quốc tế nhằm đẩy lùi chiến lược “Vành đai và Con đường” trị giá hàng tỷ đô la đầy tham vọng trên biển Đông.

Khinh suất tạo cớ cho “bên ngoài”

Mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cáo buộc Bắc Kinh đứng sau tờ Đại công báo trong việc đăng tải thông tin và hình ảnh riêng tư của bà Julie Eadeh, tùy viên chính trị Tòa lãnh sự Mỹ ở Hồng Kông. “Tôi cho rằng, việc phổ biến thông tin cá nhân của một giới chức ngoại giao Hoa Kỳ, bao gồm cả hình ảnh, tên con cái họ… là một hành động không đúng nguyên tắc ngoại giao. Đó một hành động côn đồ” - bà Ortagus thẳng thừng nói trong cuộc họp báo ở Washington hôm 8/8.
Đáp trả, Văn phòng Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Hồng Kông đã gọi những phát ngôn của Ortagus là “vu khống trắng trợn chống lại Bắc Kinh” và cáo buộc Mỹ sử dụng “lý lẽ xã hội đen”, theo tờ South China Morning Post. Trung Quốc đã “lên án hành động phỉ báng trắng trợn nhắm vào Trung Quốc, lẫn lộn trắng đen và một lần nữa cho thấy lý lẽ của kẻ cướp và cách suy nghĩ bá quyền của Mỹ”.

Song kiếm hợp bích: thương chiến - cô lập thế

Thương chiến Mỹ - Trung tệ hơn khi Trung Quốc hạ giá đồng nhân dân tệ, ngừng nhập khẩu nông sản của Mỹ. IMF cho biết, căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ có thể khiến Trung Quốc gặp khó khăn về kinh tế và tài chính, khiến các biện pháp kích thích tài khóa mới từ chính phủ ít được bảo đảm.

Hong Kong: Gong kim va tu huyet
Hình ảnh về các cuộc biểu tình ở Hồng Kông nhiều tháng nay - Ảnh: HKFP

Theo IMF, mức thuế 10% đối với 300 tỷ USD hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc mà Tổng thống Donald Trump dự định áp đặt ngày 1/9 có thể dẫn đến việc giảm 0,3% điểm tăng trưởng. Nếu Hoa Kỳ nâng mức này lên 25% thì quả là tồi tệ. Điều này sẽ làm giảm mức tăng trưởng của Trung Quốc khoảng 0,8% trong 12 tháng sau đó. Ảnh hưởng tiêu cực cũng sẽ lan tỏa toàn cầu.

Ngoài chiến lược thương mại, các hoạt động ngoại giao gần đây của Chú Sam còn cho thấy, một gọng kìm đang được lên kế hoạch để phong tỏa Trung Quốc. Ngay đầu tháng Tám, các chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo và tân Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper diễn ra dồn dập. Người nỗ lực “trấn an”, siết chặt tay các đồng minh lâu đời như Thái Lan, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản cho đến các đảo quốc bé nhỏ ở Thái Bình Dương. Người chọn châu Á cho chuyến công du đầu tiên từ khi nhậm chức, đủ thấy tầm quan trọng của khu vực. Đáng chú ý nhất là chuyến thăm của ông Esper tới Mông Cổ - đất nước chèn giữa Nga và Trung Quốc.

Quốc Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI