“Gà cùng một mẹ”

28/11/2013 - 11:15

PNO - PN - Hai anh em nóng nảy hệt như nhau. Cả nhà quá quen chuyện hở một chút hai đứa lại cãi cọ, thậm chí còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Buổi sáng, chỉ mỗi việc ai được vào nhà vệ sinh trước khi đi học cũng đã đủ ồn ào. Thậm chí các con gây chiến cả lúc vừa thức dậy, ngay trên giường, chỉ vì đêm qua em nằm mơ đá thúc vào hông anh, hay anh dùng “bạo lực” đánh thức em để dễ dọn dẹp chăn gối.

Thời gian hai đứa ở trường là lúc cả nhà được hưởng không khí yên bình. Mọi việc lặp lại như cũ vào buổi trưa và suốt cả chiều đến tối. Ba mẹ ngọt nhạt khuyên bảo, thậm chí dùng “biện pháp mạnh”, rốt cuộc chẳng thay đổi được gì. Các con ngoan ngoãn vâng lời nhưng nghe tai này lại lọt tai kia.

Nghỉ hè, thời gian hai anh em được ở nhà nhiều hơn, các “cuộc chiến” lớn nhỏ diễn ra đều đều, với tần suất chóng mặt. Ông nội ở quê xuống chơi mấy ngày đã đòi về, bởi: “nhà cửa chật hẹp mà chúng lại như hai tên giặc, ồn ào chịu không nổi”. Ông chê ba mẹ không biết dạy dỗ con cái, nhà người ta “anh em như thể tay chân”, còn nhà này… Ông thở dài, bỏ lửng câu trách giữa chừng.

“Ga cung mot me”

Mẹ thấy ngượng với ông vì không dạy dỗ các con tốt. Dạy cách nào đây? Mẹ và ba đã thử mọi cách. Ba nói có lẽ các con dư năng lượng, không “xả” vào đâu nên cứ nhắm đến nhau mà trút. Muốn giúp con giải tỏa và có nhiều hoạt động tay chân, ba cho đi học bóng đá. Trên sân bóng, anh em nhất định không chịu đứng chung một đội. Đội bóng của anh thua đậm nên em phải nhận hết sự bực tức bùng phát từ anh. Tính em thiếu nhẫn nhịn, vậy là “chiến tranh” lại ập đến. Hậu quả của cuộc chiến này là em cuốc bộ về nhà, anh đạp xe đi chơi với bạn. Anh về đến nhà khi phố đã lên đèn. Em “báo cáo tình hình” và muốn ba phải phạt anh. Anh một mực kêu oan, đổ lỗi ngược lại em. Lại thêm một cuộc khẩu chiến ồn ào giữa hai chú ngựa non ương bướng.

Trưa nay, tự dưng em đòi học hết lớp 9 rồi chuyển sang trường trung cấp nghề. Lý do em đưa ra là sức học chỉ đạt loại khá, lên cấp III học kém và có thể không thi nổi vào đại học. Em nói nhiều, lý lẽ lại không thuyết phục, khiến ba phát cáu: “Được, muốn chuyển hướng thì cho toại nguyện. Khỏi cần hết lớp 9. Giờ nghỉ luôn. Mai cuốn gói lên nhà ông nội học nghề sửa ô tô. Tách anh em tụi bây ra cho khỏi cãi nhau nữa”. Chưa bao giờ thấy ba lớn tiếng như thế nên hai đứa nín khe, cúi mặt suốt bữa ăn.

Tối, em còn sợ ba nên rút vào phòng riêng. Anh hỏi: “Định đi tuốt lên xứ khỉ ho cò gáy luôn hả?”. Em nói lẫy: “Đi thì đi, sợ gì. Ba ghét em, thương anh hơn mà”. Anh im lặng, lát sau mon men ra phòng khách: “Ba định cho em lên ông nội học nghề thiệt hả ba?”. “Ừ, tụi bây cứ như kẻ thù, đày mỗi đứa một nơi cho khỏi nhìn mặt nhau luôn”. “Nó mới lớn, suy nghĩ lung tung, nói rồi quên ngay thôi. Người ta ở quê muốn đến thành thị học hành lập nghiệp chứ ai lại từ thành thị trở ngược về quê. Ở đó thiếu thốn mọi thứ, lại xa nhà, tội nghiệp nó ba à”.

Nghe con nói, ba mát lòng mát dạ nhưng vẫn giả vờ làm mặt lạnh. “Anh hùng nhỏ” đứng nép mình sau rèm nghe lén câu chuyện. “Anh hùng lớn” vẫn đang van nài, mặt nhăn nhó, mắt hoe đỏ. Có lẽ ba cũng như mẹ, đang mừng thầm trong lòng vì nhận ra các con rất yêu thương nhau. Khi qua tuổi dậy thì, các con sẽ bớt bồng bột, sẽ “đằm” lại và giảm xung khắc ngay thôi. Dẫu thỉnh thoảng “đá” nhau nhưng cuối cùng hai “tiểu anh hùng” vẫn là “gà cùng một mẹ”.

 Việt Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI