Hãy là người chăm bón

09/02/2017 - 16:24

PNO - Trẻ cần có cơ hội để thực tập các kỹ năng đã học, chứng kiến kết quả, thất bại và hiểm họa mà chúng có thể phạm phải khi hành động dại dột.

Cha mẹ thường đặt câu hỏi con của mình cần gì? Đứa trẻ ba tuổi thì đòi hỏi điều gì? Năm tuổi cần gì? Đến 15 tuổi thì sao? Giải pháp phổ biến là bố mẹ phải liên tục bám sát, chăm con từng chút. Nhưng theo Alison Gopnik, giáo sư tâm thần học của Đại học California, bố mẹ nên làm người chăm bón, đừng làm thợ mộc, khi giáo dục con cái.

Hay la nguoi cham bon
 

Thợ mộc và người làm vườn

Cách nuôi con trẻ bằng việc quản lý sát sao từng chi tiết, những kế hoạch nghiêm ngặt, kỹ lưỡng, không đem lại cho trẻ lợi ích nào. Liệu các quyết định nhỏ nhặt trong quá trình nuôi dưỡng có ảnh hưởng đến tính khí của trẻ khi trưởng thành? Các quyết định như có nên dỗ con hay để chúng khóc, có nên thúc ép trẻ học thêm hay chơi nhiều hơn... không để lại các kết quả chắc chắn về lâu dài.

Lý do là vì sự bất tương đồng của cách giáo dục này với cách mà não bộ trẻ phát triển. Trong quá trình trưởng thành, trẻ từ từ chuyển giao việc khám phá thế giới xung quanh sang cách áp dụng những kiến thức đã học. Dù bạn cố gắng thế nào cũng không thể hướng trẻ thành kỹ sư, bác sĩ khi bé còn nhỏ. Ngược lại, gò bó sự phát triển của trẻ khi não bộ của chúng muốn khám phá, sẽ đem lại tác dụng tiêu cực.

Vậy giải pháp nào mới hiệu quả? Biện pháp giáo dục trẻ sát sao là như làm thợ mộc, đẽo gọt trẻ thành hình thù mà ta muốn. Giáo dục nuôi dưỡng và uốn nắn từ từ là như làm vườn, không gò ép trẻ vào hướng phát triển duy nhất, mà để bé tìm hiểu càng nhiều kiến thức khác nhau càng tốt.

Thay vì buộc trẻ phải đọc một loại sách khoa học, hãy để trẻ đọc mọi thể loại sách, càng đa dạng càng tốt. Khi trẻ trưởng thành hơn, chúng cần được trợ giúp để đưa các kiến thức đã học vào ứng dụng.

Hiểu được sự phát triển trí não và tâm lý của trẻ ở từng độ tuổi, sẽ giúp cha mẹ tìm được phương cách cùng con trưởng thành.

Trẻ dưới sáu tuổi cần được chơi

Trẻ nhỏ cần được chơi đùa, đóng giả, vật lộn và tương tác với bạn bè, người thân. Những trò chơi này giúp trẻ phát triển vùng vỏ não trước trán, một yếu tố quan trọng để trẻ học các kỹ năng của người lớn. Chẳng hạn, các trò chơi vật lộn cho phép trẻ tương tác cơ thể với trẻ cùng lứa, thú vật hay bố mẹ. Trò chơi đóng giả giúp trẻ có cơ hội khám phá các trường hợp giả tưởng và học cách cảm thông.

Ngay cả những trò chơi rất lạ thường vẫn có thể có lợi cho trẻ. Những trẻ có người bạn tưởng tượng khi nhỏ sẽ có khả năng đánh giá, thấu hiểu người khác hơn. Trong quá trình phát triển này, trẻ con thí nghiệm, đặt câu hỏi và rút ra kết luận hệt như những nhà khoa học tí hon.

Ngay từ khi hai con Ci Mi và Nấm ở tuổi lên 3-4, chị Tuyết Hạnh (Công ty TNHH Hân Huy) đã chọn việc đọc sách - đóng vai để phát huy trí tưởng tượng của con. Chị chia sẻ: “Khi đặt mình vào vai cô Tấm hay Cám, Thạch Sanh hay Lý Thông, các con tôi tự đặt ra các câu hỏi cho tình huống của nhân vật và trải nghiệm các cảm xúc đi cùng. Tôi ngạc nhiên khi các bé đặt thêm những câu hỏi, những hành động mới cho thấy ngay trong các nhân vật ở vai thiện vẫn tiềm ẩn những điều ác và ngược lại. Mẹ con tôi đã cùng nhau xử lý và rút ra những điều mới mẻ”.

Thật vậy, cách chơi cũng chính là con đường trẻ thí nghiệm. Khi trẻ khám phá ra những điều lạ, trái với các “luận điểm” trong thế giới nhỏ nhoi của chúng, trẻ sẽ sử dụng các trò chơi để kiểm chứng các luận điểm này. Cha mẹ cần hỗ trợ để trẻ có cơ hội chơi đùa thoải mái và an toàn.

Bố mẹ nên giới thiệu những món đồ vật thú vị, các ý tưởng trò chơi mới, và chơi với trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ cần để trẻ tự dẫn dắt cách chơi, người lớn chỉ nên làm theo. Nếu bố mẹ chỉ dẫn trẻ quá kỹ, sẽ làm mất đi cơ hội để trẻ tự tìm tòi, học hỏi. Nhiệm vụ của bố mẹ không phải là nhào nặn tâm hồn trẻ, mà giúp trí não chúng tự do khám phá.

Trẻ trên sáu tuổi cần được dạy

Khi trẻ đến tuổi tới trường, chúng cần phải cân bằng việc khám phá một cách tự nhiên với việc luyện tập các kỹ năng giúp bé “vận hành” trong xã hội, trong khi vẫn còn đang ở trong vòng bảo bọc của người lớn. Trẻ dưới sáu tuổi không thể tập trung, và rất dễ chú ý đến những điểm thú vị xung quanh chúng - một đặc điểm phù hợp cho công việc khám phá.

Nhiều bậc phụ huynh ngạc nhiên khi trẻ đến trường mầm non thì “răm rắp” làm theo chỉ dạy của cô giáo: chào thưa lễ phép, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, đánh răng sau khi ăn… Nhưng khi ở nhà, trẻ bỏ qua các thói quen này vì cha mẹ không nhắc nhở trẻ tiếp tục lặp lại những kiến thức chúng đã học, bản thân trẻ cũng không lưu tâm đến những việc mà chúng mới được học. Và qua mỗi dịp hè, các giáo viên lại vất vả để rèn lại cho trẻ nền nếp ấy.

Nhưng khi qua độ tuổi mầm non, trí não của trẻ đã phát triển được khả năng tập trung vào mục đích nhất định, có khả năng học tập và rèn luyện. Trẻ có thể phân tích và loại bỏ các suy nghĩ không cần thiết, tập trung vào công việc hay ý tưởng duy nhất. Nhờ đó trẻ có thể học bằng phương thức lặp đi lặp lại một kiến thức mà không bị sao nhãng.

Chúng có thể quan sát, được thầy cô, người lớn dạy bảo để làm một việc gì đó, và tự làm lại. Sau đó, dưới sự chỉ bảo, đánh giá của người dạy, trẻ sẽ làm lại việc đó nhiều lần cho đến khi hoàn thiện. Đây cũng chính là lý do tại sao sáu tuổi mới là độ tuổi trẻ được gửi đến trường để học những kiến thức đòi hỏi sự rèn luyện.

Trẻ tuổi teen cần trở thành kẻ học việc

Đối với các bậc cha mẹ, tuổi teen là độ tuổi khó kiểm soát nhất. Các nhà khoa học đã phân tích cách suy nghĩ của trẻ và chia thành hai yếu tố chính: động lực và khả năng điều khiển. Phần động lực bùng nổ rất nhanh khi hormones bắt đầu chuyển hóa trẻ thành người lớn.

Trẻ sẽ rất nhạy cảm với “phần thưởng”, những gì làm cho trẻ thỏa mãn sẽ có tác động mạnh hơn rất nhiều. Hiệu ứng này dẫn đến việc trẻ trở nên hiếu động, giàu cảm xúc, cố gắng hết sức để đạt được nhiều thành tích, đạt được các tham vọng và tìm cách cảm nhận mọi cảm giác - dù tốt hay xấu. Trẻ tuổi teen rất liều lĩnh không phải vì chúng đánh giá thấp rủi ro mà là vì chúng đánh giá cao phần thưởng.

Yếu tố thứ hai trong trí não trẻ tuổi teen là khả năng điều khiển cảm xúc, động lực; khả năng lên kế hoạch, sự kiên nhẫn trước thành quả. Chính vì thế, khả năng điều khiển có thể chống lại yếu tố động lực, giúp trẻ có quyết định đúng đắn, và dẫn đến khả năng làm chủ bản thân. Để khả năng điều khiển phát triển, đòi hỏi trẻ phải trải qua một thời gian dài, dựa vào kinh nghiệm và kiến thức học được.

Anh Hồ Trung Hiếu, một người cha có hai con trai 10 và 12 tuổi, cho rằng nếu cha mẹ chỉ đưa ra thử thách, chỉ tiêu và yêu cầu trẻ thực hiện, sẽ không kích thích chúng hăng hái tham gia bằng việc có kèm thêm phần thưởng. Hè nào anh cũng cho hai con về quê nội ở Bình Định để phụ làm thợ mộc với người bác. Không đưa ra yêu cầu cụ thể rằng hai trẻ phải làm được thành phẩm gì, anh Hiếu chỉ “treo” một phần thưởng: nếu chúng dành mỗi ngày hai giờ bên xưởng mộc để học cưa, bào, đục… thì sẽ được thưởng chuyến du lịch Singapore vào dịp cuối hè. Ai bào nhẵn hơn, cưa thẳng hơn là “cuộc thi” mà hai đứa trẻ nhà anh Hiếu tự xác lập rất hào hứng.

Tuy nhiên, anh Hiếu cũng khẳng định, cha mẹ không nên chỉ lấy phần thưởng làm tiêu chí thúc đẩy trẻ mà cần cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn nếu con không lường được khả năng, sức lực của mình. Trước khi cho hai con học nghề mộc, anh đã chỉ ra những rủi ro trẻ có thể gặp phải về an toàn lao động để con cảnh giác. Nhờ vậy hai con của anh trải qua mọi cảm xúc hồi hộp, cẩn trọng lẫn hưng phấn khi hoàn thành khóa học của mình.

Trẻ cần có cơ hội để thực tập các kỹ năng đã học, chứng kiến kết quả, thất bại và hiểm họa mà chúng có thể phạm phải khi hành động dại dột. Nhưng trong thời kỳ hiện đại, bố mẹ luôn túc trực để có thể bảo bọc, làm giảm nhẹ hậu quả của sai lầm. Như thế, trẻ sẽ khó có thể học được khả năng tự làm chủ. Giải pháp hiệu quả mà giáo sư Alison Gopnik đưa ra là cho trẻ đi học việc. Bố mẹ có thể mang trẻ đến nơi mình làm việc, gửi trẻ đi học việc ở những nơi làm việc chuyên nghiệp.

Nếu trẻ có đam mê, bố mẹ nên khuyến khích, tìm nơi cho trẻ học việc đúng theo ý thích của chúng. Ngoài ra, trẻ có thể được cho đi làm thêm, tham gia các hoạt động cộng đồng hay các dự án mùa hè. Miễn sao trẻ có cơ hội tham gia trong môi trường làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp và có kỷ luật, thì mối lo về tuổi teen sẽ giảm đi rất nhiều.

Mai Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI