Con vừa cai sữa, mẹ đi nâng ngực dẫn đến biến dạng như bóng bay sắp nổ

07/08/2019 - 09:34

PNO - Sau khi nâng ngực được 2 tuần, ngực bên trái của chị TT.N.T. (30 tuổi, ở Lạng Sơn) bỗng sưng to như quả bóng bay sắp nổ. Các bác sĩ phẫu thuật hoảng hồn khi hút ra hơn hơn nửa lít dịch từ phần ngực hỏng này.

Ngày 7/8, PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) - cho biết bệnh viện này vừa tiếp nhận và điều trị cho bà mẹ bỉm sữa T.N.T. (30 tuổi, ở Lạng Sơn) bị biến chứng nặng sau phẫu thuật nâng ngực, trong đó một bên ngực có kích thước sưng to tới hơn 1000ml (ngực ở phụ nữ bình thường khoảng 250ml).

Con vua cai sua, me di nang nguc dan den bien dang nhu bong bay sap no
Phần ngực trái sưng to như quả bóng bay sắp nổ của chị T. sau khi phẫu thuật thẩm mỹ

Chị T. kể sau khi sinh 2 con, ngực chị chảy và teo lép nên ngay sau khi bé thứ 2 cai sữa được 6 tháng, chị quyết định nâng ngực dù vẫn chưa hết sữa.

Nghe lời quảng cáo “có cánh” của nhân viên ở một cơ sở thẩm mỹ, chị T. "xuống tiền" mà không tìm hiểu kỹ về cơ sở cũng như lựa chọn túi ngực an toàn.

Sau phẫu thuật, chị T. phát hiện ngực không mềm mại nhưng ngại đi khám. Cách đây 2 tuần, ngực bên trái của chị bỗng sưng to bất thường. Ban đầu ngực to lên gấp 2, gấp 3, rồi gấp 4 lần, cảm giác căng như quả bóng bay sắp nổ.

Nghe tin có người bị vỡ túi ngực khi đi máy bay, chị T.N.T. và chồng hốt hoảng đưa nhau đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để khám.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà cho biết, bệnh nhân đến viện trong tình trạng nhợt nhạt, hốt hoảng và rất lo lắng. Bên ngực trái sưng to căng tròn như quả bóng bay với thể tích gấp 3-4 lần bên đối diện, chu vi ước đến trên 50cm. Ngực phải kích thước bình thường nhưng méo mó và cứng chắc hơn.

Con vua cai sua, me di nang nguc dan den bien dang nhu bong bay sap no
Các bác sĩ cũng bất ngờ vì hút ra trên 1000ml dịch từ phần ngực hỏng

Các bác sĩ chẩn đoán sơ bộ chị T. bị tràn dịch muộn quanh bao túi ngực trên bệnh nhân có bao xơ co thắt. Sau khi tiến hành làm xét nghiệm, siêu âm, chụp cộng hưởng từ độ phân giải cao, khám gây mê hồi sức… bệnh nhân được chuyển lên bàn mổ.

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Thị Thanh Huyền - thành viên của kíp mổ cho biết, để có thể phẫu thuật, đầu tiên các bác sĩ phải cắm một chiếc kim đầu to và xy lanh loại lớn 50ml vào ngực bệnh nhân để hút dịch ra ngoài, nhằm giảm áp ngay cho khoang ngực trước.

Lượng dịch hút được đã vượt quá sức tưởng tượng của các bác sĩ với hơn 10 xy lanh đầy tràn khoảng 600ml. Cộng với 300ml túi ngực và khoảng 200ml ngực bệnh nhân có từ trước, tổng thể tích ngực của bệnh nhân trước khi phẫu thuật lên đến trên 1.000ml.

Sau khi tháo bỏ túi ngực, các bác sĩ phải tiến hành phẫu tích toàn bộ bao xơ xung quanh túi ngực một cách khó khăn vì tổ chức bao xơ ở đây rất dày, có hiện tượng tăng sinh mạch phản ứng, có những lúc máu phun qua vết mổ thành tia lên trời.

Ngoài ra tổ chức bao xơ còn xâm lấn vào sát cơ thành ngực và đập theo nhịp đập của tim ở phía dưới. Chính vì vậy, các bác sĩ tiến hành phẫu tích hết sức tỉ mỉ, vừa làm vừa cầm máu kỹ.

Con vua cai sua, me di nang nguc dan den bien dang nhu bong bay sap no
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật ca biến chứng nặng nề sau nâng ngực của bệnh nhân T.

Sau gần 6 tiếng đồng hồ phẫu thuật, các bác sĩ tháo bỏ được túi ngực và rút ra hơn 600ml dịch lẫn chất nhày vàng đục, cùng toàn bộ lớp bao xơ kể cả những phần đã xâm lấn vào thành ngực, bảo tồn tối đa phần tuyến vú còn lại cho bệnh nhân.

Ê-kíp mổ cũng cắt thu gọn phần da thừa để chuẩn bị cho việc đặt lại túi ngực sau 6 tháng đến 1 năm khi tình trạng ngực bệnh nhân ổn định.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Hà cho biết khó khăn ở ca mổ này là làm sao lấy bỏ được toàn bộ tổ chức bao xơ dày, đầy mạch máu tăng sinh, dính chắc vào thành ngực trái, nơi có tim ở phía dưới. Việc bóc tách có nguy cơ chảy máu cao, vì vậy các bác sĩ gây mê hồi sức cũng phải chuẩn bị đầy đủ các phương tiện gây mê hồi sức tích cực, truyền máu cho bệnh nhân khi cần.

Hiện, sau 5 ngày theo dõi, lượng máu chảy giảm dần, chị T. không còn sốt, đầu ngực không bị hoại tử. Bệnh nhân có thể ngồi dậy, đi lại nhẹ nhàng, tinh thần ổn định và có thể ra viện. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn tiếp tục phải chờ kết quả giải phẫu bệnh cuối cùng để xác định có các tế bào bất thường hay không để có phương án phối hợp điều trị tiếp.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI