'Tái cơ cấu' việc nhà dễ hay khó?

06/10/2018 - 14:00

PNO - Chuyện gì cũng đến tay em, từ chợ búa nấu ăn, lau dọn nhà cửa, đi thăm người bệnh, đi đám cưới, đám giỗ, xin cho con đi học, đến nỗi tới chuyện trong nhà có ổ chuột em cũng phải tự đi mua keo về bẫy…

Kính gửi chị Hạnh Dung,

Em 39 tuổi, có gia đình và hai con nhỏ đang học. Từ hồi lấy chồng, em toàn chúi đầu chúi mũi vào lo gia đình, từ đi làm, nhận việc làm thêm, đến sinh con, nuôi con, lo lắng hai bên nội ngoại, không có chút thời gian nào cho bản thân. Nay thời gian đã cạn dần, trước ngưỡng tuổi 40 em thấy mình dại quá: giờ trông em già hơn chồng, mặc dù anh ấy hơn em hai tuổi.

Chuyện gì trong nhà cũng đến tay em, từ chợ búa nấu ăn, lau dọn nhà cửa, đi thăm người bệnh, đi đám cưới, đám giỗ họ hàng, xin cho con đi học, đến nỗi tới chuyện trong nhà bếp có ổ chuột em cũng phải tự đi mua keo về bẫy… 

'Tai co cau' viec nha de hay kho?
Ảnh minh họa

Em muốn thay đổi chị ạ! Em muốn dành thời gian sống cho mình. Người ta vẫn nói ai không yêu bản thân trời tru đất diệt, em thấy cũng đúng. Em không muốn mình sáng cắm cúi chạy tới chỗ làm, chiều vất vả chạy về lo việc nhà như vậy nữa. Gần đây em cũng thay đổi rồi, phân công chồng con lo bớt. Nhưng vì chồng con đã quen nếp, nên biểu con nấu cơm thì con đi chơi quên mất không nấu, biểu chồng đón con thì chồng cũng quên không đón. Vợ chồng con cái nói qua nói lại lục đục với nhau. Thay đổi đâu có dễ, rốt cuộc mình cũng phải mó tay vô mới êm xuôi. Coi như em thất bại rồi. Chẳng lẽ, cứ vậy suốt đời sao chị… 

Minh Vy (TP.HCM)

Em Minh Vy thân mến, 

Mọi thay đổi ở đời đều khó vậy đó em, không phải chỉ riêng gia đình em đâu. Nhưng thất bại là mẹ thành công. Mình sẽ không buông xuôi, nhưng phải có lộ trình, từ từ, và quan trọng, trong giai đoạn đầu mình phải chấp nhận một số thứ có thể sẽ lộn xộn không như mong muốn. Đâu phải mình chỉ muốn thay đổi cho khác đi thôi đâu, phải không em? Muốn thay đổi phải mang lại kết quả tốt hơn, cho mình và cho cả gia đình. Mục tiêu đó sẽ cho mình động lực để cố gắng. Em có thuận lợi lớn là nắm mọi việc trong nhà, hiểu hết tính cách từng thành viên gia đình, việc thay đổi chẳng qua là sắp xếp lại cho hợp lý thôi.

Em có thể phải chuẩn bị kỹ hơn cho lần thay đổi này. Ví dụ phân công con nấu cơm, thì lên lịch rõ ràng, trước giờ đó, điện thoại cho con nhắc. Thực phẩm cần chuẩn bị sẵn, nấu nướng đơn giản phù hợp với người trẻ, nấu xong dọn ra ăn phải… khen con, đừng chê món này mặn món kia khét, làm sao để con em không sợ nấu ăn, thấy nấu ăn cũng đơn giản và có thể làm phụ mẹ. Dần dần tập cho con thói quen nấu ăn thay mẹ khi mẹ bận. 

'Tai co cau' viec nha de hay kho?
Ảnh minh họa

Việc đón con cũng vậy, phải nhắc vì các ông bố hay quên, từ đón con, dần dần để chồng em phụ trách luôn việc đóng học phí, họp phụ huynh, rồi chồng em mới biết chuyện cho con học thêm thế nào, ở đâu, nên hay không nên… Đây không phải là chuyện thay đổi gì lớn, chỉ là “tái cơ cấu” việc nhà. 

Khi mọi chuyện đã vào nếp, em có thể sử dụng thời gian của mình một cách chủ động hơn. Cũng phải nhớ là, có khi thay đổi này thành công, nhưng thay đổi kia lại thất bại. Cần kiên trì tìm những việc phù hợp với từng người trong nhà, để mọi người thích và tiện sắp xếp thời gian, vì không chỉ mình em, ai trong nhà cũng cần chủ động thời gian cho mình. Khi thay đổi mà chưa như ý muốn, thì kiên nhẫn tìm cách khác, đừng đổ lỗi cho nhau, đừng than thân trách phận, tạo không khí nặng nề trong nhà, rồi mọi người sẽ dị ứng với kiểu “tái phân công” này và bất hợp tác. Nhất là tránh những tuyên bố đao to búa lớn, không ích lợi gì cho mình. 

Chúc em giữ được gia đình ấm áp, sống vui và hạnh phúc hơn sau khi thay đổi. 

Hạnh Dung

Thư cho Hạnh Dung, quý vị gởi về:

hanhdung@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI