Bố mong được gặp con…

02/05/2018 - 09:15

PNO - Ở các quốc gia châu Âu, cứ năm trường hợp ly hôn thì chỉ có một trường hợp bố được xử có quyền nuôi con. Những ông bố thương con bỗng một ngày… chưng hửng vì bất ngờ không còn con bên cạnh.

Đã cùng vợ chăm sóc, dạy dỗ con từ khi đứa trẻ chào đời, họ mong muốn được đối xử công bằng khi biến cố gia đình xảy ra. 

Thomas Yannick (35 tuổi, sống ở thành phố Zenica, Bosnia) cho biết, điều gây khó khăn cho anh nhất trong quá trình hoàn tất thủ tục ly hôn là vợ cũ không muốn anh và con trai hai tuổi gặp nhau, dù chỗ ở mới của người cha này cách con chỉ 10 phút đi bộ.

Tuy nhiên, tòa xử cho anh có quyền gặp con mỗi thứ Tư hằng tuần. Nhưng Thomas chưa kịp tận hưởng niềm vui được ôm con trai trong vòng tay, cùng con bày trò chơi đã phải nhìn cậu bé rơm rớm nước mắt giữ chặt tay bố: “Xin bố đừng xa con”.

Bo mong duoc gap con…
Ảnh: Internet

Với Thomas và bao ông bố ở châu Âu, sự ngăn cách này là thiệt thòi lớn nhất sau ly hôn. Thời gian đầu sau ly hôn, vợ cũ Thomas tuân thủ phán quyết của tòa án nhưng sau đó, chị luôn đưa ra nhiều lý do để hai cha con không tiện gặp. Đến khi Thomas buộc phải nhờ sự hỗ trợ của nhân viên xã hội thì tình hình mới cải thiện.

Trường hợp khác là anh Samir, cũng là một ông bố sống ở Bosnia. Samir và vợ ly hôn, đồng thời thống nhất trước tòa anh có nghĩa vụ chu cấp cho vợ cùng nuôi con và anh có quyền thăm con. Thế nhưng ngày nọ, vợ anh đưa con trai 13 tuổi và con gái 8 tuổi bỏ đi. Họ biến mất không dấu tích và ông bố đáng thương từng ngày vẫn trông mong tin con. 

Nhiều ông bố “bị gạt” ra khỏi cuộc sống của những đứa trẻ đã tìm đến nhau. Ở Croatia, những ông bố này lập nên tổ chức Bình đẳng quyền làm cha mẹ. Anh Oliver Canic, người sáng lập tổ chức trên cho biết: “Nếu chúng tôi có việc làm ổn định sẽ bị “công kích” quá bận rộn nên không thể chăm con. Nhưng nếu chúng tôi có thời gian, công việc lúc có lúc không thì lại bị đánh giá là người không thể bảo đảm nguồn tài chính nuôi con”.

Nhà tâm lý xã hội học Bruno Simlesa cho rằng, chính định kiến trên đã cản trở việc tòa án ra quyết định phân chia quyền của phụ huynh sau ly hôn. Theo đó, mọi người có một niềm tin hiển nhiên rằng, đàn ông không thể chơi cùng con và thường xuyên dạy dỗ con bằng đòn roi. Đó là niềm tin không có cơ sở. 

Thiên Anh (theo Balkaninsight)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI