Nhớ chuyện xưa nơi ngôi nhà dĩ vãng

03/08/2019 - 12:00

PNO - Mỗi khi một kiến trúc cổ bị khai tử, phố xá mất đi một nét đẹp, hồn đô thị thêm một lần tổn thương, bởi không dễ bù đắp cho khiếm khuyết ấy một giá trị tương xứng mang dấu ấn đương đại.

Mỗi khi qua góc ngã tư Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long, ngôi nhà cổ kiểu Pháp hơn trăm năm tuổi, kín cổng cao tường luôn làm khách đi đường chú ý bởi vẻ đẹp nguyên bản, hiếm gặp ở những ngôi nhà Tây tương tự. Rồi đùng cái, biệt thự ấy bị san phẳng sau khi đổi chủ, khiến lắm người tiếc ngẩn ngơ. 

Thứ góp phần làm nên hồn cốt phố thị, chính từ những công trình kiến trúc mà nơi đó, đủ khơi gợi cả một thời kỳ lịch sử, văn hóa, đậm dấu ấn thời cuộc. Qua thời gian cùng những thăng trầm cuộc sống, cộng cơn lốc của đô thị hóa, những không gian cổ xưa - đã phần nào xuống cấp, được thay mới bằng những kiến trúc cao tầng, lạnh lùng, vô hồn, nghèo cảm xúc ngay trên nền đất cũ, nhưng đáp ứng tốt tư duy thực dụng, hái ra tiền cho chủ đầu tư. 

Nho chuyen xua noi ngoi nha di vang
Nội thất bày theo lối cổ trong ngôi nhà Tây ở góc ngã tư Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long

Ngôi nhà cổ ngay góc Phan Đăng Lưu - Phan Xích Long là một ví dụ điển hình. Ngôi nhà được thiết kế theo kiểu Tây, hơn trăm năm tuổi, với nóc mái bánh ú, sân vườn, tường cao bao quanh. Cổng chính mở hướng đường Phan Đăng Lưu, dẫn vào nhà chính, bên hông nhà nơi đường Phan Xích Long là cổng phụ, dẫn vào dãy nhà ngang phía sau - nơi ở của quản gia cùng gia nhân. 

Tôi biết chủ nhân ngôi nhà từ những năm 2000. Anh là người theo đạo Cao Đài, có đam mê sưu tầm cổ ngoạn. Mỗi dịp cúng lễ, giỗ chạp, anh thường mời bằng hữu đến nhà dự tiệc cùng bà con thân thuộc. Điều ấn tượng với mọi người khi lần đầu đặt chân đến không gian ấy là sự ngạc nhiên, bởi không ngờ rằng Sài Gòn còn lưu lại nét đẹp từ kiến trúc, trang trí nội thất, với đầy đủ hồn cốt, phong cách, sự quý phái, phong lưu đến vậy. 

Rất nhiều đoàn phim khi thực hiện tác phẩm điện ảnh về không gian sống của người Sài Gòn xưa, nhiều lần liên hệ, xin mượn không gian làm bối cảnh, nhưng đều bị gia chủ từ chối. Tôi hiểu nguyên cớ, bởi toàn bộ vật dụng trang trí cho ngôi nhà, đều là những cổ vật nguyên bản, được gìn giữ, bảo tồn và vun đắp qua ba thế hệ. Chủ nhân chia sẻ cái lý e ngại cho người khác sử dụng không gian này bởi tránh chuyện phiền hà khi người khác lỡ tay làm hỏng, làm vỡ. 

Nho chuyen xua noi ngoi nha di vang
Một góc biệt thự cổ 237 Nơ Trang Long trước khi bị phá bỏ hoàn toàn

Trang trí nội thất của ngôi nhà ấy, từ bộ ghế cẩn theo kiểu Louis, liễn đối, tranh kính, lục bình Tàu, bộ đồ trà trước bàn thờ tổ, chiếc đĩa hỏa tử, cơi trầu nguyên bộ từ ống nhổ, cối giã trầu, hộp thuốc, bình vôi… đều là những món cổ vật giá trị ngoài thị trường. Nhưng cái thú hơn khi tìm hiểu, chính từ những câu chuyện gắn liền với nếp sống, nếp sinh hoạt của gia đình.

Ở ngày đám tiệc, gia chủ luôn khiến khách tham dự thích thú bởi dám sử dụng những bộ đồ kiểu, chén tách toàn đồ sứ xanh trắng xưa, nhập từ Trung Quốc, Nhật Bản. Rất nhiều trong số chén bát ấy, đã xuất hiện trong gia đình từ đầu thế kỷ XX và chỉ những dịp trọng đại mới được đem ra sử dụng. Với đam mê sưu tầm, chủ nhân thường lọ mọ ngoài chợ đồ cổ Lê Công Kiều mỗi sáng, để tìm những hiện vật tương tự đồ dùng trong nhà, mua về, bảo toàn và góp thêm cho bộ sưu tập đồ sộ. 

Tham quan ngôi nhà, như được khám phá một bảo tàng sống, bởi mỗi thứ trưng bày gắn với từng câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn. Tôi nhớ mãi cái tủ thờ ở gian chính điện, được cẩn ốc, chạm lộng theo phong cách Huế với kỹ thuật tài tình, chi tiết khéo léo. Hỏi ra mới biết chiếc tủ ấy được bà ngoại anh ra tận Hà Nội năm 1911 để đấu xảo thành công, rồi cho đi đường tàu thủy, mất hơn một tháng mới vào đến Sài Gòn.

Nho chuyen xua noi ngoi nha di vang
Cụ Sáu nhỏ bên hàng hiên trước ngôi nhà cổ 237 Nơ Trang Long

Anh kể thêm, năm 1945, khi Tây vào nhà vì nghi gia đình theo Việt Minh nên tiến hành lục soát, một ông lính ôm súng đi ngang chiếc tủ, thay vì dùng tay mở cửa đã tiện lấy báng súng thục bể một mặt chạm, lục soát đồ đạc cất bên trong. Khi Pháp rút đi, xót chiếc tủ bị phá hỏng, cha của anh ra khu Bà Quẹo, tìm thợ chạm Huế lành nghề, đưa về phục chế cái tủ mất hơn hai tháng mới hoàn thiện. Mỗi khi có khách đến chơi, anh thường giới thiệu vẻ đẹp của cái tủ thờ, cùng câu chuyện thú vị và tấm giấy đấu xảo ghi rõ lai lịch chiếc tủ trên đó còn lưu tên tuổi bà ngoại anh ngày xưa, như một kỷ niệm gắn bó với tuổi thơ, với gia đình. 

Bẵng một thời gian không gặp, đi lại góc đường Phan Xích Long - Phan Đăng Lưu, tôi giật mình khi thấy toàn bộ căn biệt thự bề thế trăm năm tuổi ấy bị xóa sạch như chưa từng tồn tại. Chủ nhân mới đã dựng trên nền đất vuông vức của ngôi nhà xưa là một tiệm bán điện thoại bề thế. Hỏi lại bạn bè, mới biết anh đã bán ngôi nhà qua nơi ở mới. Giờ đây mỗi lần đi ngang góc phố cũ, nét đẹp ngôi nhà xưa cùng những câu chuyện thú vị về các hiện vật trưng bày, tất cả chỉ còn lại trong ký ức và hình ảnh tư liệu mà tôi có dịp lưu lại mỗi dịp ghé chơi ngày trước. 

Một không gian kiến trúc khác ở 237 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh cũng gợi lại nhiều kỷ niệm với người yêu nét đẹp Sài Gòn xưa. Nhớ lần gặp cụ Sáu nhỏ - Lê Thanh Công, chủ cũ căn biệt thự - từ hơn 5 năm về trước, cụ cho biết sẽ phải bán đi vì không đủ khả năng bảo tồn, duy tu. Ngôi nhà có kiến trúc đẹp, lạ, đậm nét Tây, khoác lên lớp áo cổ kính thời gian, khiến người qua đường luôn phải ngoái nhìn. Câu chuyện dỡ bỏ xây mới, hay cần được bảo tồn phục chế ngôi nhà cũng từng gây xôn xao dư luận. Thực tế ngôi nhà đã bị dỡ bỏ, vẻ đẹp một thời ấy nay đã là quá khứ. 

Nho chuyen xua noi ngoi nha di vang
Nét đẹp kiến trúc của biệt thự cổ ở 237 Nơ Trang Long giờ chỉ còn là quá vãng

Biệt thự cổ không những mang dấu ấn văn hóa mà còn là nhân chứng lịch sử. Thế nhưng, theo số liệu của các cơ quan chức năng, từ những năm 1990 đến nay, đã có hơn 50% biệt thự phong cách Pháp bị tháo dỡ, không thể khôi phục. Mỗi khi một kiến trúc cổ bị khai tử, phố xá mất đi một nét đẹp, hồn đô thị thêm một lần tổn thương, bởi không dễ bù đắp cho khiếm khuyết ấy một giá trị tương xứng mang dấu ấn đương đại. Còn với người hoài cổ, lại thêm một lần tiếc nhớ khi gợi lại bóng dáng những ngôi nhà đẹp trong nếp cũ của nhịp sống Sài Gòn xưa. 

Khải An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI