Ta đã làm chi đời con?

04/09/2016 - 06:06

PNO - Trẻ em cần được dạy dỗ, kể cả dạy cách thức yêu thương. Và để con biết vượt qua xúc cảm bản năng mà yêu thương mà chấp nhận sự khác biệt là cần những người thắp lửa có cái Tâm và Tài thật sự.

Chiều, không khí Sài Gòn đặc quánh khói bụi và nóng nực. Sau khi đón con ở cổng trường, loay hoay chen chúc giữa đám xe cộ, tôi cũng kịp thả ra tiếng “chào con”, nghe vương vít sau lưng mình ánh nhìn có chút ngỡ ngàng của những gương mặt mệt mỏi bên cạnh. Tôi thoáng thấy vẻ phụng phịu trên đôi má còn tròn căng bắt đầu lấm tấm mấy hạt mụn tuổi dậy thì. Cậu ấy ngọ ngoậy sau yên xe: “Mẹ, con xui quá. Con bị đi dự lễ khai giảng!”. Tự nhiên tôi có cảm giác như lúc ba mẹ con chơi trò bịt mũi miệng, thấy mình hụt dưỡng khí! Chấp chới trong hợp âm bất mãn của cậu con: nào là nắng, nào là nóng, nào đợi lâu, nào phát biểu nhiều, nào không hiểu gì. Tôi chống chế nhẹ hẫng: “Khai giảng mở đầu năm học mới vui mà con”. Cậu chàng đáp ngay: “Học rồi mới khai giảng, có gì vui đâu mẹ”.

Tôi cho xe chạy mà miên man nhớ về ngày khai giảng của mình hồi 30 năm trước. Tất thảy vạn sự trên đời thật ra không thể so sánh với nhau. Có thể chúng ta của ngày hôm qua là một thế hệ khác với những mong ước, những hành động khác. Thế nhưng, có những thứ vẫn đúng cho dù thế hệ nào, thời gian qua bao lâu. Tôi không hiểu và không thể làm sao cho con mình hiểu việc đi học đã 15 ngày, bạn cũng quen rồi, thầy cô cũng gặp, thậm chí có cả bài kiểm tra 15 phút rồi thì khai giảng làm chi? Con càng lớn, tôi càng có cảm giác bất lực, không biết sợi dây yếu ớt về những điều tốt đẹp mà tôi đang cố giữ sẽ níu con được bao lâu?

Ta da lam chi doi con?
Ảnh Phùng Huy

Tám năm cho đứa con lớn và bốn năm của đứa con nhỏ, đã biết bao lần tôi cố tin và cố làm cho con tin rằng những câu nói tàn nhẫn, những cái tát vào vai, lưng hay việc tắt quạt vào giờ ngủ trưa, bắt vừa quỳ gối vừa ăn trong trường học của người lớn là yêu thương và muốn tốt cho con trẻ! Để rồi chỉ biết ôm con, không dám khóc khi con hỏi: “Sao mẹ yêu con nhưng mẹ không làm vậy?”.

 Có điều gì đó đang diễn ra khắp nơi trong thế giới người lớn, mà mỗi lần nghĩ đến, một cảm giác bất lực cứ thế bám riết tôi. Phải chăng đó là nỗi sợ: sợ thất bại, sợ thừa nhận cái sai, sợ người ta thấy mình tham sân si... Sợ những điều tất yếu. Quả thật vô lý. Nó vô lý như ta muốn 24 giờ chỉ có ban ngày, không có ban đêm vậy! Ta vô lý đòi hỏi và áp đặt. Ta không chịu thừa nhận những đứa trẻ chỉ có thể say mê với thể thao hay âm nhạc không học được toán giỏi là bình thường. Ta không chịu thừa nhận trẻ có đứa viết chữ thật đẹp, có đứa chỉ viết dễ coi nên bốn - năm tuổi chúng đã phải còng lưng chen chúc trên những chiếc ghế nhựa trong lớp rèn chữ. Phải chăng ta nghĩ rằng hạnh phúc là khi khoác lên mình chiếc áo kỹ sư bác sĩ hay nhà biệt thự, siêu xe để mỗi lần ra đường là phủ đầy cơ thể bằng sự trầm trồ?

Phải chăng cái lối sống bề ngoài hời hợt đã là cái cây đại thụ mà gốc rễ đã cắm quá sâu trong tư duy của ta? Muốn trồng một cây khác, lẽ nào chỉ chặt cái ngọn? Tôi không hiểu khi trẻ viết những câu văn: “Em không thích em trai em. Nó ngủ là đạp vô mặt em. Mẹ nói phải yêu em. Nhưng em thấy nó thật là phiền” thì tại sao lại “có vấn đề về suy nghĩ”. Tôi không hiểu khi trẻ lớp 7 không nhớ không hiểu những câu trong “Bình Ngô đại cáo” sao lại “ngu như bò”. Một áng văn chính luận bằng chữ Hán thuộc hàng “thượng thừa” như Bình Ngô đại cáo không phải muốn nhớ là nhớ, muốn hiểu là hiểu với những anh bạn nhỏ sáng sáng còn ôm hộp sữa. Không biết bao giờ người lớn chúng ta có thể đứng nói chuyện với trẻ con mà chịu cúi xuống thấp ngang bằng trẻ để hiểu rằng con nít ngước lên người lớn mỏi cổ biết nhường nào?

Trẻ em cần được dạy dỗ, kể cả dạy cách thức yêu thương. Xúc cảm không hài lòng khi cá nhân không thỏa mãn là bình thường, không hề “có vấn đề” và để con biết vượt qua xúc cảm bản năng mà yêu thương mà chấp nhận sự khác biệt là cần những người thắp lửa có cái Tâm và Tài thật sự.

Sớm mai thức dậy, đọc báo thấp thoáng thông tin thay sách giáo khoa, hóng hớt hành lang, tôi mừng cho tinh thần học hỏi cải cách nhưng vẫn không vứt được mớ lùng nhùng lo lắng. Tôi lo lắng cho kiểu tư duy sính ngoại đánh trống bỏ dùi, làm đâu sửa đó của “các thể loại cải cách”! Sửa sai trên trí lực của trẻ em và tương lai của một dân tộc là không thể tha thứ! Tôi nhớ gần nửa thế kỷ tiếng kêu thống thiết của tác giả vở kịch Hồn Trương Ba da hàng thịt: có những cái sai tuyệt đối không sửa được? Lẽ nào chưa đủ để chúng ta cần một sự dài hơi? Lẽ nào chưa đủ để cần thức tỉnh những lương tri con người? Tôi nhớ anh bạn ngơ ngác hỏi: “Năm rồi con anh học năm buổi sáng và học thêm ba buổi chiều! Năm nay cấm học thêm mà sáng năm buổi, chiều năm buổi là sao? “Rất nhiều lần tôi cố tình đến đón con sớm, ngồi một chỗ kín đáo nơi góc sân để chỉ nhìn những gương mặt hồng hào, những ánh mắt trong veo của các con. Những khuôn mặt tin yêu lành lặn đến thắt lòng. Không còn là sai để sửa nữa, mà khai thác lợi lộc từ những mái đầu xanh như bầy chim câu ríu rít kia là tội ác, thứ tội ác bất dung!

Tiếng trống khai trường hôm nay đã điểm, vẫn âm vang uy nghi và háo hức... Tiếng trống ấy với rất nhiều người nó thiêng liêng như tiếng chuông thánh đường. Học đường, nơi ấy hãy cho trẻ con một nơi trú ẩn an toàn tuyệt đối để kén hóa tằm, để những người cha người mẹ rứt ruột sinh con không thảng thốt: “Chúng ta đã làm gì con chúng ta hả bạn”?

Triệu Vẽ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI