Về già, tôi chỉ mong được trò chuyện với con

14/07/2017 - 16:24

PNO - Đọc những bài viết về gia đình Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, tôi vừa đồng cảm với cảnh ngộ của nhạc sĩ, vừa thương các con ông, và nghĩ đến thân già của mình.

Cha mẹ lúc về già có những mong muốn riêng mà con cái chẳng thể nào thấu hiểu. Trừ những đứa con vô tâm bất hiếu thì đa phần con cái không còn thời gian để tâm xem ba mẹ thực sự mong muốn gì ở mình khi về già để mà đáp ứng.

Ve gia, toi chi mong duoc tro chuyen voi con
Người già luôn mong có con cháu bên cạnh. Ảnh minh họa

Nhiều người trong số họ nghĩ, hàng tháng, đưa cho ba mẹ ít tiền hoặc mua đồ ăn bồ dưỡng là đủ nhưng thực tế không phải vậy. Tôi có thể khẳng định như thế bởi ngay bản thân và nhiều người bạn cùng độ tuổi có những mong muốn khác nhau ở con ngoài chuyện đáp ứng về vật chất.

Tôi năm nay hơn 70 tuổi, với đồng lương hưu hiện tại thì cuộc sống không đến nỗi. Bởi nhu cầu ăn uống, may mặc ở độ tuổi này không còn nhiều. Con cái lập gia đình đều ở riêng hết, thỉnh thoảng về thăm bố mẹ với đủ thứ quà cáp.

Quả thực, tôi chẳng mong muốn chúng nó cho tôi tiền, chỉ mong các con luôn săn sóc hỏi han là đủ. Nhiều hôm trái gió trở trời, chân tay nhức mỏi, cứ mong có đứa nào ghé qua đấm bóp cho hay gọi điện hỏi thăm, ít ra lúc ấy tôi mới cơ hội để nói chuyện cùng con.

Mấy lần, anh em nó tổ chức ăn uống ở nhà bố mẹ, mấy đứa cháu cứ dán mắt vào điện thoại, con cái thì bàn chuyện làm ăn, tôi thấy mình lạc lõng. Hình như chúng nó không có nhu cầu nói chuyện với bố mẹ.

Trong nhiều chuyện, tôi muốn các con lắng nghe ý kiến góp ý của mình nhưng phần lớn đều bị gạt đi vì chúng nghĩ tôi lẩm cẩm. Dù vậy, tôi vẫn mong cuối tuần để con cái về cho vui cửa vui nhà. Đến khi đau ốm, có con cái bên cạnh chăm sóc đỡ đần đã là một cái phúc. Tôi sợ nhất cảnh, khi nằm viện, con cái “quăng” cho một cục tiền để thuê người chăm. Có lẽ, người già như tôi sợ cô đơn nhất.

Ve gia, toi chi mong duoc tro chuyen voi con
Người già rất sợ cô đơn. Ảnh minh họa

Nhưng chồng tôi lại muốn con cái phải biết lo cho cha mẹ theo cách nghĩ khác. Lo ở đây có nghĩa là phải đáp ứng những yêu cầu của ông. Ông rất muốn được con cái đưa đi du lịch nhiều hay tổ chức lễ mừng thọ lớn. Ông bảo, mình nuôi nó lớn, giờ cuộc sống khá giả chúng nó phải biết làm nở mày nở mặt cho cha mẹ.

Có như vậy thì thiên hạ mới biết con cái mình hiếu thuận đến mức nào mà mình cũng được tự hào. Chính vì quan điểm khác nhau như vậy nên vợ chồng tôi bất đồng ý kiến. Đúng là mỗi người một ý.

Bà bạn cùng câu lạc bộ dưỡng sinh của tôi chỉ có một mong ước là con cái đừng làm phiền tới bà. Bởi mấy đứa con bà không chịu khó làm ăn, cứ hở chuyện gì là về nhà “bòn rút” mẹ đến sức cùng lực kiệt. Vợ chồng xô đụng, cãi cọ là chở nhau về kêu mẹ, cháu sinh ra lại “quăng” cho bà nuôi.  Bà bảo: “Chỉ mong chúng nó lo được cho cuộc sống của mình là tôi mừng, chẳng cần quan tâm đến tôi cũng được”.

Thêm nữa, con cái bà cứ thích can thiệp vào chuyện riêng của mẹ. Chồng bà mất sớm, nhu cầu tìm bạn tâm giao là hợp lý nhưng thấy mẹ đi ra ngoài nhiều mấy đứa con thấy khó chịu. Bà không có mong muốn gì nhiều ở con cái, chỉ muốn được yên thân nhưng có lẽ, điều đó cũng khó thực hiện với những đứa con chưa chịu lớn.

Còn bà cụ bán rau trong chợ xép trước ngõ nhà tôi lại có một mong muốn rất thực tế: con lo cho đủ ngày ba bữa, một năm hai bộ quần áo để khỏi phải bon chen ở chợ trời khi tuổi đã xế chiều. Ước muốn tưởng chừng giản đơn ấy lại chưa thể có được vì con cái bà nuôi thân còn chẳng đủ chứ nói gì đến nuôi mẹ.

Có lẽ, mỗi người khi về già sẽ có những mong muốn riêng ở con cái nhưng chung quy lại vẫn muốn con cái quan tâm chăm sóc, không bỏ rơi trong cô đơn buồn tủi.

Có thể, vì chúng tôi còn tự chủ được tài chính và không phụ thuộc vào con cái còn những người không có nguồn thu nhập để đảm bảo cuộc sống thì mong muốn lớn nhất là con cái lo cho cuộc sống no đủ. Những ước muốn đó, con cái phải tinh ý nhận ra chứ bố mẹ ít khi nói ra vì họ sợ phiền đến cuộc sống của con. 

Minh Tuyết

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI