Ai còn cần đến giải Cánh diều?

14/03/2014 - 03:58

PNO - PNO - Chỉ một ngày nữa, những chủ nhân mới của giải Cánh diều sẽ lộ diện. Chưa có năm nào như năm nay, sự kiện này diễn ra trong không khí thật buồn chán.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chán từ việc danh sách hầu hết phim dự hạng mục được quan tâm nhất là Phim truyện nhựa đều có chất lượng kém, khán giả đến rạp xem phim dự thi (dù chiếu miễn phí) không đông như mong đợi (trừ những phim giải trí vừa ăn khách đầu năm nay như Tèo em, Cô dâu đại chiến 2) cho đến chuyện lễ trao giải không được truyền hình trực tiếp như mọi năm, chỉ ghi hình để phát sau.

Tính đến thời điểm này, ban giám khảo đã làm xong nhiệm vụ “nặng nề” của họ. Gọi là nặng nề không chỉ vì trách nhiệm phải cầm cân nảy mực sao cho chính xác, công tâm mà còn bởi chất lượng đa số phim quá tệ khiến chuyện xem phim trở thành cơn ác mộng. Trước khi kết quả được công bố trong đêm 15/3, các thành viên ban giám khảo Phim truyện nhựa cố gắng tránh nhận xét phim nhưng vì 12/13 phim dự thi (trừ Sau ánh hào quang) đều từng ra rạp nên chất lượng thế nào công chúng cũng đã biết. Là một giải thưởng của hội nghề nghiệp, những tiêu chí về chuyên môn tất nhiên được đặt lên hàng đầu nhưng ở mùa giải năm nay, với mặt bằng chung các phim như vậy, Cánh diều sẽ khó tìm ra được một phim hay nhất để tôn vinh, mà chỉ có thể tìm được một phim ít dở hơn những phim khác để trao giải. Một số phim như Những người viết huyền thoại, Âm mưu giày gót nhọn, Thần tượng được dự đoán có nhiều cơ hội đăng quang.

Ai con can den giai Canh dieu?
Những phim tốt như Quả tim máu “không thèm” dự giải Cánh diều 2013 vì còn mải kiếm tiền ở các phòng vé

Năm 2013 điện ảnh VN sản xuất hơn 20 phim nhưng chỉ có 13 phim tham gia Cánh diều, chủ yếu là dòng phim giải trí, thương mại. Thế nên, nếu có điều gì đó an ủi cho mùa giải năm nay, có lẽ là việc phim đoạt giải đang ngày càng tiệm cận hơn với gu thưởng thức của người xem, gần giống với chuyện phim hay nhất ở giải Oscar vài năm gần đây đã dễ xem hơn trước đấy thôi! Việc chỉ có 13 phim dự thi cũng là một điều đáng suy nghĩ bởi Hội Điện ảnh VN - đơn vị tổ chức giải Cánh diều - luôn nhấn mạnh giải này là một sự kiện mang tính tổng kết hàng năm của ngành.

Nếu như vậy thì thật khó hiểu khi tất cả các phim được sản xuất và ra rạp trong năm không được quy tụ hết ở giải để ban giám khảo chọn ra một phim xuất sắc nhất mà chỉ những phim nào được nhà sản xuất đăng ký tham gia ban giám khảo mới xét. Điều này dẫn đến tình trạng phim tốt không thèm góp mặt vì còn lo tận thu ở các rạp (quy định là các phim dự giải Cánh diều được chiếu phục vụ miễn phí trong thời điểm trước lễ trao giải), phim dở lại xuất hiện tràn lan. Những phim dở này tham gia cũng nhờ Hội... vận động, nên các đơn vị gửi phim với tinh thần “vui là chính”.

Một giải thưởng nghề nghiệp nhưng những người làm nghề còn không quan tâm thì nói gì đến công chúng. Tình trạng thi cho có này đẩy ban giám khảo năm nào cũng phải “so bó đũa chọn cột cờ”, “vơ bèo vạt tép”. Chất lượng của một giải thưởng nằm ở chất lượng của những tác phẩm tham dự, nhưng ở đây, không có bột, lấy gì để gột nên hồ.

Chứng kiến giải Cánh diều ngày càng ảm đạm, không ít ý kiến đề nghị nên dẹp luôn giải này, chỉ cần duy trì giải Bông sen của LHP quốc gia. Tuy nhiên Cánh diều vẫn là Cánh diều, Bông sen vẫn là Bông sen, dẫu phim dự thi hai giải này bị trùng lắp, giải thưởng dễ bị lặp lại. Thật ra Oscar, Bafta hay Quả cầu vàng cũng chỉ có bấy nhiêu phim dự thi, bấy nhiêu phim đoạt giải đó thôi, mỗi giải có tiêu chí khác nhau nhưng quan trọng nhất vẫn là phim dự giải phải có chất lượng (về yêu cầu cơ bản và đầu tiên này Cánh diều hay Bông sen đều chưa đạt được).

Cho nên, Cánh diều vẫn phải tồn tại và chỉ còn có mỗi Hội (chính xác hơn là chỉ những người trong ban tổ chức chứ không hẳn tất cả những người làm nghề của Hội này) là cần đến nó!

Nguyễn Ngọc

Từ khóa giải Cánh diều
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI