Đến Phan Rang nghe nắng gió rù rì

27/02/2019 - 06:56

PNO - Với tôi, Phan Rang là một góc rất bé, rất hiền, rất chậm, như khi người ta cầm trong tay một vốc nước rồi chúng dịu dàng len lỏi qua từng kẽ tay, mát rượi.

Sẽ rất uổng phí nếu bạn bỏ qua vùng đất Phan Rang khi nghĩ đến dải đất hẹp Nam Trung bộ này. Nơi người ta vẫn thường nhắc đến qua mấy lời nói vui “xứ gì mà gió như phang, nắng như rang”. Nhưng với tôi, Phan Rang là một góc rất bé, rất hiền, rất chậm như khi người ta cầm trong tay một vốc nước, chúng dịu dàng len lỏi chảy qua từng kẽ tay, mát rượi.

Den Phan Rang nghe nang gio ru ri
 

Đến xứ cát săn “mặt trời”

Tôi vẫn thường nghĩ rằng những ai luôn cố chấp đi bắt ánh bình minh của mặt trời là những kẻ phù phiếm. Vì họ bỏ qua giấc ngủ ngon lành cho một khoảnh khắc ngày nào cũng quay trở lại nghe chừng có vẻ ngớ ngẩn. Cho đến khi chính tôi cũng đâm nghiện cái cảm giác nắm giữ được khoảnh khắc những tia nắng đầu tiên soi rõ mọi thứ quanh mình.

Đó là buổi sớm đầu tiên tôi đến với vùng đất Phan Rang sau chuyến xe đêm. Xe ngừng khi vạn vật vẫn chìm trong giấc ngủ. Tôi cùng bạn đồng hành quyết định đi taxi đến đồi cát Nam Cương trước khi vào nhận phòng khách sạn. Điểm đến ấy được chọn chỉ vì trên bản đồ trông có vẻ khá gần, chúng tôi có thể loanh quanh một chút trước khi quay về thành phố khi trời đã sáng. Ngờ đâu quyết định bồng bột chóng vánh đó lại khiến tôi ghiền luôn cảm giác săn ánh mặt trời mỗi bình minh.

Đến Phan Rang, một buổi sáng, chúng tôi lên đỉnh đồi cát, nhóm bếp và pha một bình trà nóng cũng là lúc ánh mặt trời đầu tiên lóe sáng. Tia sáng đỏ hồng dần soi rõ vạn vật xung quanh: gương mặt bạn đồng hành nhìn nghiêng, những bụi xương rồng rải rác, vết chân chim in hằn trên cát và vệt gió.

Đồi cát Nam Cương không quá nổi tiếng và hoành tráng như những đồi cát hay sa mạc khác của dải đất đầy nắng và cát này nhưng vẫn có nét cuốn hút riêng. Khi chúng tôi đến đó vào lúc trời vẫn còn tờ mờ tối, tất cả những vết tích thiên nhiên in hằn trên nền cát trắng phau chẳng khác nào một bức tranh cực lớn không ai có thể sao chép.

Sáng hôm đó, chúng tôi ghé tiếp qua vườn nho Ba Mọi - một cái tên không hề xa lạ trên bản đồ du lịch Ninh Thuận và chúng tôi đã gặt hái được không ít điều thú vị (tất nhiên là không tính những chùm nho căng bóng ngọt lành). Tôi may mắn được gặp và trò chuyện cùng chú Ba chủ vườn, để biết rằng vườn nho đã đạt chuẩn VietGap từ hơn mươi năm trước và cũng là chừng đó thời gian cho nỗ lực đưa tên tuổi nho Ninh Thuận đến nhiều nơi qua con đường du lịch. 

Den Phan Rang nghe nang gio ru ri
Bạn sẽ thích thú khi được rảo bước dưới những tán nho xanh um và ngước nhìn những chùm trái chín mọng.

Đến gió cũng thủ thỉ dịu dàng

Có đến Phan Rang vào mùa gió, bạn mới biết vì sao người ta lại bảo xứ này “gió như phang”. Một buổi chiều muộn lang thang ngoài rìa thành phố, theo lời chỉ dẫn của cô chủ quán bên đường, chúng tôi tìm đến đồng cừu An Hòa để rồi ngẩn ngơ suốt buổi với khung cảnh chiều tà quá đỗi bình yên. Và gió thì dịu dàng đưa tiếng lũ cừu gọi nhau trên bờ đê, âm thanh đám trẻ đang đá bóng đằng xa. Câu chuyện của mấy cô chú chăn cừu cứ rù rì lẩn khuất đâu đó trên cánh đồng cỏ xanh um.

Den Phan Rang nghe nang gio ru ri

Sẽ rất thú vị nếu những ngày ở Phan Rang bạn có một chiếc xe máy để rẽ ngang rẽ dọc, để có thể dừng chân bất chợt ở mấy hàng quán bên đường, thưởng thức dăm cái bánh căn, uống một ly nước sâm nhà nấu và nghe mấy cô bán hàng kể vài mẩu chuyện vu vơ phố xá ruộng đồng. Những ngôi nhà nhỏ của người dân thấp thoáng giữa vườn nho, vườn táo xanh um. Có thể, vừa qua một khúc quanh nhỏ, bạn sẽ bắt gặp những đứa trẻ với nụ cười hiền lành, trong mắt chúng là cả mảnh trời trong veo.

Giữa nắng, giữa gió để nghe ran rát làn da nhưng mặn mòi trong tiếng gió là cảm giác chúng ta đang sống thật mạnh mẽ và thật đẹp. Để thấy đâu đâu trên xứ sở mình cũng là những mạch sống căng đầy. 

Nghe văn hóa Chămpa từ ngàn năm xưa cũ

Ở Phan Rang, thiên nhiên không quá lộng lẫy, khí hậu chẳng thoải mái, thế nhưng cứ hễ đến với vùng đất này một lần, bất kỳ ai cũng sẽ muốn quay lại một lần, rồi lần nữa.

Giữa xứ sở kỳ lạ đó, dường như chỉ cần lắng lại một chút, bạn đã có thể nghe được cả ngàn năm xưa cũ của nền văn hóa Chămpa trở mình thì thầm kể chuyện. Từng chiếc bình gốm của làng gốm Bàu Trúc, từng tấm vải dệt hoa văn của làng dệt Mỹ Nghiệp, từng giàn nho gốc táo đều có thể tự mình kể lên câu chuyện của chính nó, để rồi xâu chuỗi lại là cả một biên niên sử của nền văn hóa Chămpa một thời rực rỡ.

Den Phan Rang nghe nang gio ru ri

Tự tay mình làm ra một món đồ gốm đơn giản là trải nghiệm thú vị khi đến làng gốm Bàu Trúc.

Tôi đã được nghệ nhân lớn tuổi nhất ở làng gốm Bàu Trúc hướng dẫn để tự tay làm cho mình một chiếc bình bằng đất thô. Bà bảo, chỉ có đất ở làng mới cho ra được những chiếc bình với lớp vỏ mịn màng đến vậy. Đất không quá ướt cũng ra hình hài một chiếc bình dù có hơi chút méo mó chứ không tròn đẹp như sản phẩm của người trong làng. Bà còn bảo đất này không cần nung, chỉ cần phơi già nắng cũng đã có thể dùng được để đựng mấy món đồ khô.

Den Phan Rang nghe nang gio ru ri

Một nghệ nhân gốm đang cần mẫn với cái nghề đã theo mình hơn nửa thế kỷ.

Nhắc đến văn hóa Chămpa mà bỏ qua tháp Pôklong Garai thật thiếu sót. Chúng tôi đã dành gần trọn một ngày trong lịch trình chỉ để thỏa sức khám phá mọi ngóc ngách trong quần thể tháp này. Vừa bước chân qua cổng đã thấy khối tháp sừng sững hiện lên từ đằng xa đỏ au trong nắng. Phía cao hơn là những đám mây lừng lững trôi trên nền trời trong vắt. Quần thể tháp Pôklong Garai là địa điểm tổ chức lễ hội Kate của người Chăm hằng năm. Nếu có dịp, chắc chắn tôi sẽ quay lại vào lúc đó, để được hòa mình vào không khí lễ hội thú vị cùng người dân nơi đây.

Den Phan Rang nghe nang gio ru ri
Tháp Pôklong Garai không chỉ kể bạn nghe những câu chuyện lịch sử mà còn cho bạn những bức ảnh thật đẹp.

Kể cũng lạ, cái xứ gì mà nắng như thiêu như đốt. Rồi cũng chính cái nắng làm cằn cỗi đất đai đó lại nuôi dưỡng những loài cây xanh mướt cho toàn quả ngọt. Những con người nơi này cũng bám đất bám cát, sống dưới cái nắng gay gắt mà tâm hồn ai cũng ngọt lành dịu mát như lúc yên ả ngồi giữa vườn nho mát mướt xanh um ngắm từng tia nắng xiên qua kẽ lá.

Phan Rang cách TP.HCM khoảng 300km. Bạn có thể đi bằng cách đáp máy bay đến sân bay Cam Ranh, xe khách hoặc đi tàu để có một trải nghiệm thú vị.

Các điểm đến được nhắc trong bài đều nằm trong bán kính 10-15km tính từ trung tâm TP.Phan Rang nên bạn có thể chọn khách sạn, resort thuộc khu trung tâm hoặc những nơi gần bãi biển như khu vực Bình Sơn, Ninh Chữ. Sau một ngày dài khám phá nắng gió nơi đây, hẳn bạn sẽ mong muốn được đắm mình trong làn nước xanh mát lành của biển.

Một số món ăn khá đặc biệt ở Phan Rang bạn nên thử:

Bánh canh chả cá. Chả cá Phan Rang rất dai, mịn và ngọt lừ vị cá. 

Bánh căn Phan Rang có vị khác hẳn bánh căn Phan Thiết hay Nha Trang. Khi được ăn chung với nước nấu cá,  chứ không chỉ có nước mắm hoặc mắm nêm. Bạn có thể dừng ở bất kỳ hàng quán bên đường nào để thưởng thức vị ngon của món ăn này.

Thịt dê núi/thịt cừu cũng là một sự lựa chọn hay cho chuyến dạo chơi vào buổi tối.

Lê Nguyên 

Ảnh: Kaka Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI