Mạng xã hội và các phương tiện thông tin, giải trí, kết bạn, giao lưu… ngày càng phong phú, tiện ích và không kém phần thú vị, đã cuốn hút giới trẻ giành nhiều thời gian để lao vào, đến nỗi bỏ bê học hành, ăn ngủ. Đáng tiếc, có nhiều em đã… rơi tự do, rồi không cách nào quay trở lại thành con ngoan, trò giỏi như xưa.
|
Hướng dẫn trẻ sử dụng internet hợp lý là điều phụ huynh cần thực hiện thường xuyên - Ảnh: Phùng Huy |
Tiệm net là nhà
Đang là học sinh giỏi của lớp 11 chọn ở H.Hóc Môn, TP. HCM, Khiêm nghiện game từ lúc nào gia đình không hay. Một tháng sau khi nhà trường mời lên gặp, mẹ Khiêm mới biết tin động trời: Khiêm đã bỏ học quá thời gian cho phép nên bị cấm thi học kỳ. Chị Xuân khóc hết nước mắt, năn nỉ cô chủ nhiệm giúp đỡ để Khiêm trở lại trường. Vì Khiêm học giỏi, nên cô chủ nhiệm đồng ý phối hợp cùng gia đình để Khiêm học bù lại và thi lại.
Nghĩ con biết lỗi, chị Xuân mời thầy về nhà dạy riêng, rồi đưa rước Khiêm đi học mỗi ngày. Vậy mà, mới sang ngày thứ ba thì Khiêm… biến mất. Đi tìm Khiêm khắp các tiệm internet nhưng không thấy, vợ chồng chị Xuân định đăng báo tìm con, thì Khiêm phờ phạc quay về sau một tháng. Đồng hồ, điện thoại không còn, xe đã cầm cho tiệm net để trừ nợ chơi game và ăn uống tại đó.
Chặn nội dung không phù hợp
Ông Nguyễn Hoài Nam - Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết, nguyên tắc để giảm thiểu rủi ro cho trẻ trên môi trường mạng là phải biết sớm trẻ dùng net để làm gì. Có thể trẻ chỉ giao tiếp (nhắn tin, gọi điện, dùng email…), hoặc để chia sẻ dữ liệu (hình ảnh, video, vị trí…), tạo nội dung số như blog, YouTube, sử dụng mạng xã hội, mua đồ online hoặc cũng có thể chỉ cắm đầu vào game…
Ông Nam hướng dẫn, tại gia đình, phụ huynh có thể cài một số công cụ trên máy vi tính, laptop… để lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em như cài công cụ quản lý máy tính Qustodio: https://www.qustodio.com/en/; công cụ nắm bắt hoạt động của trẻ trên mạng KidLogger: http://kidlogger.net hoặc trình duyệt web an toàn cho trẻ Zoodles: http://www.zoodles.com.
|
Vợ chồng chị Xuân khuyên nhủ Khiêm bỏ chơi game, năm sau sẽ tiếp tục việc học. Được một tuần đầu, Khiêm tỏ ra ngoan ngoãn, chỉ ăn, ngủ và đọc sách. Bỗng một ngày, Khiêm lại biến mất cùng chiếc iPad mới tinh của chị Xuân. Anh chị lại chạy khắp nơi tìm con, lần này tìm được Khiêm chỉ sau một tuần và dĩ nhiên chiếc iPad cũng không còn.
Chị Xuân tâm sự: “Đang là học sinh giỏi, đứa con ngoan hiền, vậy mà chỉ vì nghiện game cháu phải dở dang việc học”. Mấy năm mê game, khi Khiêm tỉnh ra thì bạn bè đã vào năm nhất đại học. Chị Xuân đành mua chiếc xe cho Khiêm chạy Grab…
Vợ chồng anh Tiến, chị Hòa (ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng gặp hoàn cảnh tương tự, nhưng là với cô con gái “rượu” mới vào lớp Mười. Vy vốn hiền ngoan, học lực khá. Nhưng từ khi nghiện game thì thứ hạng tụt dần và ghì đầu vào máy tính mọi lúc có thể. Chị Hòa la thì Vy ra điều kiện “cho chơi game mới đi học tiếp, không thì bỏ học luôn”.
Anh Tiến khuyên vợ nên mềm dẻo uốn nắn con từ từ, bằng cách lập thời khóa biểu sinh hoạt. Vy được phép chơi game sau giờ làm bài mỗi tối. Nhưng rồi Vy lén bỏ học, vô tiệm net ngồi suốt buổi cho thỏa thích. Chị Hòa kể: “Mỗi ngày đưa rước tận cổng trường. Ai ngờ, mình vừa khuất bóng thì con cũng trở ra ngoài để tới tiệm net. Chiều tới đón thì con đứng chờ sẵn, nên mình đâu có ngờ…”.
Khi hay tin Vy không tới lớp cả tuần, anh chị tá hỏa. Anh Tiến đến trường gặp cô chủ nhiệm nhờ phụ đạo cho Vy được học tiếp. Chị Hòa gặp riêng lớp trưởng của Vy, rồi mua thẻ sim điện thoại để nhờ nhắn tin xem Vy có đến lớp không. Hôm nào nhận tin nhắn Vy không đến lớp hay cúp tiết là chị hoặc anh phải xin phép cơ quan chạy đi tìm con. Cũng may, lần nào cũng… tìm thấy Vy ở tiệm net gần trường học. Nỗi khổ của hai vợ chồng xem ra chưa có hồi kết, khi Vy còn chưa xong lớp Mười mà đã trượt dài. Chị Hòa rưng rưng nước mắt nói: “Tôi chỉ còn biết cầu nguyện ơn trên”.
Cha mẹ thường thiếu bình tĩnh
Do Luân, con trai anh Hào, chị Loan (Q.11, TP.HCM) rất ngoan và chăm học nên gia đình yên tâm khi Luân vào năm lớp 12. Vậy mà chỉ một tuần nghỉ tết, cho con chơi tự do để thư giãn, Luân đã nghiện lên mạng để xem phim… người lớn. Thấy con ở nhà sau giờ học, vợ chồng hết sức yên tâm. Sáng đưa con đi học, Luân cứ ngủ gục trên vai, anh Hào còn dặn chị Loan mỗi tối canh giờ kêu con đi ngủ sớm, không được thức khuya. Ai dè, khi anh chị khóa cửa phòng cũng là lúc Luân bật dậy vào net xem phim tới sáng.
Đến một ngày, chị Loan thức dậy lúc nửa đêm, tình cờ ghé phòng con trai, thấy con đang dán mắt xem phim… mà chị rụng rời tay chân. Không dám lên tiếng liền, chị chạy về phòng kêu chồng dậy để qua nói chuyện với con. Không ngờ, đứa con vốn rất hiền lành lại trở nên hỗn xược khi anh Hào bắt quả tang, còn chưa kịp lên tiếng rầy la. “Tại sao dám vô phòng con, dám xâm phạm quyền riêng tư của con?”. Hôm sau, Luân khóa trái cửa phòng và ra lệnh “cấm ba mẹ làm phiền”. Hai vợ chồng nghẹn lời. Luân còn dọa tự tử nếu cha mẹ xâm phạm quyền riêng tư.
Ông Đặng Hoa Nam cho biết, thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh kém kiến thức lẫn kỹ năng sử dụng mạng. Chính vì thế, khi phát hiện con nghiện game, xem web đen trên mạng… đã cực kỳ khủng hoảng. Từ đó, kéo theo cách ứng xử của phụ huynh: cấm đoán, ngăn chặn, chửi bới, đánh đập…
“Tất cả những kiểu ứng xử mất bình tĩnh này đều sai lầm, thậm chí vi phạm Luật Trẻ em, đặc biệt quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ. Điều quan trọng là phụ huynh cần có kiến thức để vững vàng, đối phó các tình huống xảy ra với trẻ”, ông Đặng Hoa Nam khuyến cáo.
Trúc Anh
Tháng hành động vì trẻ em 2018
Vì sự an toàn cho trẻ trong thế giới mạng
Ngày 27/5, tại tỉnh Phú Thọ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chính thức phát động Tháng hành động vì trẻ em 2018 với chủ đề: “Vì cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong thế giới công nghệ số”.
Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, công bố tại Ngày internet Việt Nam cho thấy, nước ta có khoảng 64 triệu người dùng internet, đứng thứ 6 châu Á và thứ 12 trên thế giới. Trong đó, có khoảng 32,8 triệu người chơi game với hơn 68% game thủ dưới 20 tuổi… Thực tế này cũng là một trong những lý do Cục Trẻ em chọn chủ đề nói trên trong Tháng hành động vì trẻ em (27/5/2018-30/6/2018)
|
Cha mẹ cần theo sát chứ không phải theo dõi trẻ
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy - Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán và Phát triển tinh thần Khơi Nguồn - cho rằng, bên cạnh việc giáo dục kỹ năng cho các bé: biết cách tự điều phối thời gian sinh hoạt, chọn lọc thông tin khi sử dụng mạng; cân bằng thời gian học, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí lành mạnh thì điều cần nhất vẫn là cha mẹ phải dành nhiều thời gian hơn cho trẻ.
Phải theo sát trẻ (chứ không phải theo dõi) để biết trẻ đang làm gì, chơi gì. Biết không để rầy la, mà có hướng tháo gỡ hợp lý: trẻ đã chơi game đến mức nghiện hay chỉ giải trí 15-20 phút/ngày. Trò chơi đó có nguy hiểm, có cảnh bạo lực, sex… không để kịp thời ngăn chặn. Khi thấy trẻ có dấu hiệu đờ đẫn, mệt mỏi, chán nản, uể oải, cha mẹ lập tức tìm hiểu, đừng để trẻ lạm dụng mạng xã hội, gamjame…
|