Trẻ cần những mối quan hệ khỏe mạnh

17/10/2017 - 11:31

PNO - Khi phát hiện con có sở thích, ý tưởng “không giống ai”, phụ huynh đừng vội gạt bỏ điều ấy mà hãy động viên con thử sức, khơi gợi sự dũng cảm, cách suy nghĩ độc lập trong con.

Tiến sĩ (TS) Sharon Sevier, nhà tham vấn chuyên hỗ trợ các học sinh ở Missouri (Mỹ) cho biết 40 năm qua, cô đã làm việc với nhiều trường hợp bạn trẻ mất phương hướng, bế tắc trong cuộc sống.

Ngoài ảnh hưởng tâm lý từ các vấn đề gia đình, việc học thì nguyên nhân khiến các em mất cân bằng, dễ rơi vào trầm cảm là thiếu kỹ năng xây dựng những mối quan hệ khỏe mạnh xung quanh mình. 

Tre can nhung moi quan he khoe manh
Để xây dựng những mối quan hệ khỏe mạnh, đứa trẻ cần có mối quan hệ bền vững, yêu thương với chính mình

TS Sharon Sevier đã đưa ra những bước thiết yếu để phụ huynh giúp trẻ xây dựng những mối quan hệ khỏe mạnh. 

Bố mẹ là hình mẫu của lòng tự tôn

Quá trình là một nhà trị liệu, hỗ trợ tâm lý cho nhiều đối tượng khiến TS Sharon Sevier luôn tự hỏi vì sao người ta rơi vào những mối quan hệ tồi tệ. Một trong những điểm mấu chốt cô rút ra là do một người đã cưỡng ép mình chiều lòng mọi người. Hậu quả là họ khốn khổ trong mối quan hệ của mình.

Nhà tham vấn này từng thấy nhiều nữ sinh rất thông minh, duyên dáng nhưng sợ hãi, sẵn sàng chiều lòng bạn trai. Đổi lại, các em nhận được sự thô bạo, bất cần của đối phương.

Sự tử tế ấy đã không đi cùng lòng tự tôn. Bố mẹ nên là hình mẫu để trẻ thấy tử tế nhưng thiếu lòng tự tôn là sự nhu nhược. Trẻ sẽ tự tin hình thành nên nhân cách, hiểu được tự tôn là một trong những nền tảng để xây dựng mối quan hệ lành mạnh. 

Ở một mình chẳng sao cả

Nhiều người nghĩ thà có mối quan hệ dù tệ vẫn hơn để mình đơn độc. TS Sharon Sevier nhiều lần xác định với những bạn trẻ được cô hỗ trợ tâm lý là hãy để những người xem thường các em rời khỏi cuộc đời mình.

Tre can nhung moi quan he khoe manh
 

Rõ ràng, họ đã buộc các em phải thay đổi theo cách mình không mong muốn để thỏa mãn họ. Để tự tin từ bỏ những mối quan hệ có hại, sẵn sàng vui với chính mình, đứa trẻ cần hiểu và biết cách yêu thương bản thân.

Giúp trẻ hình thành suy nghĩ này không phải một sớm một chiều. Đó là cả quá trình phụ huynh khuyến khích con yêu sự khác biệt của mình, yêu những gì mình có và tôn trọng mong muốn của con. Điều đó giúp trẻ vui khi được nhìn nhận, tôn trọng, cảm thấy việc đôi lúc phải ở một mình cũng dễ chịu.

Chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt

Mối quan hệ nào cũng cần sự tôn trọng, đây là tiêu chuẩn đầu tiên, cơ bản nhất. Để được tôn trọng, trẻ cần hình thành tư duy khỏe mạnh về sự tôn trọng, chấp nhận những điều khác biệt (không sai trái) xung quanh.

Một khi thấm nhuần điều đó, trẻ sẽ hình thành tiếng nói nội tâm mạnh mẽ, sẵn sàng đứng lên bảo vệ sự khác biệt bản thân nếu bị tấn công. Nếu trẻ không hiểu về sự đa dạng, sẽ dễ dàng công kích bất cứ ai khác mình hoặc trở nên rụt rè khi bị ai đó công kích.

Tre can nhung moi quan he khoe manh
 

Khi phát hiện con có sở thích, ý tưởng “không giống ai”, phụ huynh đừng vội gạt bỏ điều ấy mà hãy động viên con thử sức, khơi gợi sự dũng cảm, cách suy nghĩ độc lập trong con. Trẻ càng có góc nhìn đa chiều thì sẽ là đứa trẻ hạnh phúc vì khi lớn lên không khổ sở trói mình trong những giới hạn, định kiến.

Cho con lên tiếng 

Một mối quan hệ khỏe mạnh là trong đó, mỗi người thoải mái nói ra suy nghĩ, cảm xúc một cách cởi mở, chân thành mà không sợ bị phán xét. Trẻ phát triển kỹ năng này từ những lần đối thoại với bố mẹ và được lắng nghe. Những câu phủ định, áp đặt định kiến, dùng uy quyền gây áp lực sẽ giết chết mong muốn chia sẻ, bày tỏ thái độ của trẻ, đây là bước rất quan trọng để phản hồi trong một mối quan hệ.

Bày tỏ thái độ đúng lúc giúp điều chỉnh, hoàn thiện một mối quan hệ. Bạn cho con lên tiếng không có nghĩa cho con quyền quyết định, mà là cách bạn luyện tập cho trẻ cách “đàm phán”. Nếu không có kỹ năng này, trẻ lớn lên sẽ không biết bắt đầu từ đâu để nói ra những gút mắc trong lòng, những vấn đề cần giải quyết trong mối quan hệ. 

Thiên Anh (theo Parent Toolkit)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI