Trăm năm như chớp mắt - mẹ đã đi chợ về

13/10/2017 - 14:00

PNO - Những ai đang còn có mẹ, xin hãy giữ gìn và nâng niu như một hành trang trong cõi nhân sinh này. Rồi đến một lúc nào đó, chính mình cũng sẽ là một sự nối tiếp.

1. “Mẹ dậy từ sáng tinh sương / Mưa rơi nặng hạt con thương vô cùng / Trong chăn con nghĩ mông lung / Mai sau xa cách vẫy vùng với ai / Mẹ tìm về chốn thiên thai / Quy y đức Phật trên đài hoa sen”.

Đó là những câu thơ tôi viết về mẹ từ năm còn học lớp Tám tại Đà Nẵng. Bây giờ, điều đó đã đến. Một sự thật hiển nhiên, không ai có thể cưỡng lại, phải chấp nhận và mỉm cười, xuôi tay nhắm mắt. Cuộc chia tay rời xa cõi tạm bao giờ cũng gieo trong tâm thức người ở lại nhiều nỗi ngậm ngùi và cả những giọt nước mắt.

Phải chấp nhận và không bao giờ có thể sống trong niềm vui và hy vọng: “Phía ngoài trời mưa gió kéo lê thê / Đột ngột chân mây dần dần hửng nắng / Câu thơ con lặng lẽ ước mơ: / “Mẹ về với con” cửa nhà thôi quạnh vắng / Thơ về mẹ là câu thơ im lặng / Tuổi năm mươi - con là trẻ lên mười / Năm tháng của một thời thiếu nữ / Lại quay về với mẹ sắp chín mươi”.

Tram nam nhu chop mat  - me da di cho ve
Mẹ dậy từ sáng tinh sương...

Với mẹ tôi, ngay giây phút này, tôi không nghĩ đến bất kỳ một sự bi thảm, buồn bã nào cả. Trong quan niệm quan hôn tang tế của người Việt: “Trẻ làm ma, già làm hội”. Một khi đã sống tròn 90 năm trên trần thế, sự ra đi cuối cùng ấy cũng là một ngày hội, chói lòa ánh sáng chứ sao. Tôi nghĩ đến im lặng của âm dương cách biệt, lúc người đi kẻ ở, là sự đưa tiễn sen hồng, huệ trắng, tình yêu thương, tiếng kinh cầu và nhẹ nhàng siêu thoát.

Trong đời, bất kỳ ai cũng từng chứng kiến một hay nhiều cuộc chia ly không bao giờ còn gặp lại. Thế nhưng, mất mẹ lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Đã từng có lúc nghĩ rằng, một khi mất cha/mẹ là lúc con người ta thật sự chia lìa vĩnh viễn với cội nguồn của sự hình thành, tạo dựng nên hình hài của chính họ.

Sự ràng buộc căn bản nhất, then chốt nhất đã không còn, dù rằng có anh có em, cô dì chú bác, cũng chỉ là yếu tố cần chứ chưa phải đủ. Bấy giờ, con người ta chính thức lẻ loi, đơn độc trong cõi hỗn mang của trời đất, của vũ trụ, của cõi nhân sinh.

Mãi mãi, không bao giờ họ còn được sống trong cảm giác: “Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân / mấy kẻ đi qua / mấy người dừng lại? / sao mẹ già ở cách xa đến vậy / trái tim âu lo đã giục giã đi tìm” (Đỗ Trung Quân). Ấy là sự linh cảm của tình mẫu tử mà không một sự huyền bí nào có thể sánh nổi. Đơn giản chỉ vì tình cảm mẹ dành cho con là lẽ tự nhiên. Sự tự nhiên ấy, làm sao có thể lý giải nếu điểm xuất phát không là tình máu mủ từ ruột thịt do chính người mẹ sinh ra?

2. Những năm tháng cuối đời, mẹ sống với tôi. Và thật kỳ lạ, khi chưa lập gia đình, trong mắt người mẹ, con vẫn chỉ là một đứa trẻ lớn xác. Bao giờ cũng là câu hỏi ân cần tôi đã từng nghe hơn 50 năm trước: “Con thích ăn gì mẹ nấu?”. Các bà mẹ thường lấy chuyện con ăn ngon, ngủ yên mà hài lòng, an vui.

Tram nam nhu chop mat  - me da di cho ve
 

Sống với mẹ thích quá đi chứ? Chưa chắc. Có những lúc tâm hồn tả tơi gai nhọn, tình phụ đớn đau, tương tư chết ngất, những muốn ngủ vùi cho quên ngày tháng. Nhưng rồi mỗi ngày, mẹ vẫn mâm cơm dọn sẵn, ngóng đợi con về, thì làm sao có thể: “Sầu tình cơm chẳng muốn ăn / Đã bưng lấy bát lại dằn xuống mâm”?

Sống chung với mẹ còn là niềm cảm hứng để nghĩ về tình mẫu tử. Nếu không chứng kiến những lúc mẹ nằm bệnh, làm sao nhà thơ Trần Đăng Khoa có thể viết được câu thơ cảm động: “Cả đời đi gió đi sương / Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi”?

Tôi đã trải qua giây phút ấy, để rồi bây giờ và mãi mãi không còn gặp lại nữa: “Mẹ ốm sốt mấy ngày rồi / Con ru mẹ ngủ đứng ngồi ầu ơ / Hiền lành như một trẻ thơ / Mẹ cười móm mém cũng vờ ngủ say” và “Những ngày mẹ ốm là con / Không biết những tiếng cười giòn đi đâu?”. Sẽ không bao giờ còn cơ hội để hỏi thêm lần nào nữa, dù chỉ là trong giấc chiêm bao.

Mất mẹ, chúng ta mãi mãi sẽ không bao giờ có dịp được hạnh phúc, vỡ òa nỗi sung sướng diệu kỳ như nhà thơ Kiên Giang đã nói hộ nhiều người - lúc được Ngủ bên chân mẹ: “Con ngỡ trở về thời bú mớm / Nghe bên thềm vẳng tiếng ầu ơ”.

Nhớ lắm những ngày chưa xa ấy, nhưng làm sao có thể ngược về quá khứ, quay về thời gian chăm sóc cho mẹ: “Có những ngày nắng sớm cũng quạnh hiu / Trời trở gió mẹ lại vào bệnh viện / Làm nũng, làm nư như trẻ nhỏ lên mười / Khuya giường bệnh cần có con bên cạnh / Trái gió trở trời, nóng run, rét lạnh / Mẹ ngỡ như lúc lội ruộng mưa dầm / Thời thiếu nữ qua nhanh hơn chớp mắt / Đã gần chín mươi như lá sắp lìa cành / Viết câu thơ bên giường bệnh mẹ nằm / Chữ nghĩa nhẹ tênh chênh vênh phù phiếm / Thơ ơi thơ có an ủi nhọc nhằn / Vỗ về mẹ - cơn đau đang ùa đến?”.

Trong đời mình, có lẽ một trong những điều nuối tiếc nhất là mẹ tôi không biết chữ. Thời kháng chiến chín năm, mẹ tôi chỉ mới xóa nạn mù chữ, mới biết đọc i tờ. Thế nhưng, như mọi bà mẹ đảm đang khác, mẹ tôi tính rợ cực giỏi. Chỉ một loáng nhẩm trong đầu là đâu ra đó, máy tính hiện đại cũng chào thua. Nếu không thế, làm sao từ một người buôn gánh bán bưng ở chợ Hàn, sau hồi cư năm 1954 đã là chủ tiệm vàng lừng lẫy một thời ở chợ Cồn với tên gọi “Vĩnh Châu”?

Tôi đã viết hàng chục quyển sách, nhưng mẹ tôi vẫn không biết tôi đã viết những gì. Song có một điều chắc chắn, hễ có bà bạn già nào ghé chơi nhà, bao giờ bà cũng khoe tôi “hay chữ”. Thế nào là hay chữ? Tôi không rõ lắm. Dù công việc của con ngày qua ngày chỉ nhì nhằng viết lách, chỉ là những con chữ, xác chữ phơi trên bàn phím, trong mắt người mẹ lại là điều ghê gớm lắm. Lúc con ngồi làm việc, bà chỉ dám quan sát từ phía sau, đi đứng khẽ khàng, không gây tiếng động.

Do đó, những gì tôi đã viết, đã vẽ, dù chỉ là giấy nháp, vứt bỏ; mẹ vẫn nhặt lấy, sắp xếp cẩn thận, đơn giản vì có bút tích của con. Chắc chắn mẹ tôi là độc giả trung thành nhất. Mỗi lúc đem sách mới xuất bản về nhà, dù con không nói gì, bà vẫn biết, lại thể hiện sự sung sướng ra mặt.

3. Tôi về Đà Nẵng là trở về với ngôi nhà của năm tháng tuổi thơ: “Thấy từ ký ức rạ rơm / Những ngày đi học rập rờn nắng mưa / Vòng tay ngoan ngoãn dạ thưa / Vẫn còn ba mẹ đón đưa ân cần / Nền nhà còn đó dấu chân / Tường nhà vọng tiếng tình thân của đời”. Bây giờ và lúc này đã khác. Không bao giờ còn được nằm bên chân mẹ, không bao giờ còn nhìn thấy ánh mắt đau đáu niềm thương yêu vô bờ bến, nhất là khi đứa con ấy chưa trưởng thành, vẫn lẻ loi ở cõi mưa nắng trần gian.

Tram nam nhu chop mat  - me da di cho ve
 

“Lúc ta quay về, mẹ đã đi xa / mẹ về hư không, mẹ về mây trắng / ta đã khóc bởi trong lòng trĩu nặng / muốn gọi mẹ ơi nhưng gọi đến bao giờ? / mẹ vẫn về trong mỗi lúc ta mơ / chở che cho ta trong đời thường mệt nhọc / đêm nay uống từng lời kinh Phật / ta ngước lên trời thấy từng giọt mưa rơi / giọt mưa rơi trên môi / mặn như nước mắt / ta đã nhủ lòng ta đừng khóc / sao vẫn còn đau nhói phía trái tim? / xin mẹ ngủ bình yên / trong cuộc đời ta vẫn còn có mẹ”.

Niềm vui ấy, những ai đang còn có mẹ, xin hãy giữ gìn và nâng niu như một hành trang trong cõi nhân sinh này. Rồi đến một lúc nào đó, chính mình cũng sẽ là một sự nối tiếp. “Trăm năm như chớp mắt / Mẹ đã đi chợ về”. Và sung sướng, hạnh phúc thay, đó cũng chính là lúc ta cùng mẹ, cả hai mẹ con cùng “đã đi chợ về”. Đã rời khỏi chợ - cõi chợ đời - nói như triết gia Hermann Hesse: “Dù đau đớn quằn quại, tôi vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này”, nhưng một khi trần gian đã chối bỏ thì cũng không việc gì phải sợ hãi, bởi trên hành trình hư vô ấy, mỗi chúng ta vẫn còn có mẹ. 

Lê Minh Quốc

Được tin cụ bà Lương Thị An, sinh năm 1927 tại Quảng Nam - thân mẫu nhà báo Lê Minh Quốc, hiện đang công tác tại Báo Phụ Nữ, đã từ trần lúc 5g sáng 12/10/2017 tại nhà riêng ở quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, hưởng thọ 90 tuổi; Ban biên tập và anh chị em đồng nghiệp ở Báo Phụ Nữ xin thành kính phân ưu với gia đình và xin được chia sẻ nỗi mất mát lớn lao này với nhà báo Lê Minh Quốc. 

 Báo Phụ Nữ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI