Tìm nhau sau chiến tranh: Chúng tôi đi theo dấu yêu thương

30/04/2018 - 06:23

PNO - Không thể kể hết những lý do, hoàn cảnh khiến những “khúc ruột” đó phải đứt đoạn. Dù qua bao nhiêu thời gian, người ta vẫn không ngừng hướng về nhau, không ngừng tìm kiếm nhau.

Đã hơn 40 năm sau chiến tranh, cũng là năm thứ 10 của chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly nhưng đến nay, hồ sơ những cuộc tìm kiếm người thân thất lạc trong chiến tranh vẫn lên đến con số hàng ngàn. Không thể kể hết những lý do, hoàn cảnh khiến những “khúc ruột” đó phải đứt đoạn. Dù qua bao nhiêu thời gian, người ta vẫn không ngừng hướng về nhau, không ngừng tìm kiếm nhau.

Giữa câu chuyện của tôi với nữ nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên về những nỗi đau của con người do chiến tranh, tôi nhận ra ánh nhìn thẫm lại trong đôi mắt rất trẻ và đẹp của chị khi kể về những gì mà Uyên cùng đồng nghiệp đã, đang và vô cùng muốn làm, để đưa những người thân về lại với nhau, hàn gắn phần nào những vết thương do chiến tranh gây ra. 

Nỗi đau chia lìa chẳng bao giờ phôi phai

* Phóng viên: Dù sự ra đời của Như chưa hề có cuộc chia ly có mục đích bao quát là giúp những người thân do nhiều lý do bị thất lạc nhau, nhưng hình như đa phần các cuộc tìm kiếm của chương trình đều gắn với những cuộc chia ly vì chiến tranh thì phải?

Tim nhau sau chien tranh: Chung toi di theo dau yeu thuong
Những khoảnh khắc đoàn tụ khiến cả người trong cuộc lẫn ê-kíp chương trình Như chia hề có cuộc chia ly không thể nào quên - Ảnh: Nhân vật cung cấp

- Nhà báo Thu Uyên: Quả là với hơn 117 số đã được phát sóng, mỗi số khoảng 3, 4 cuộc đoàn tụ thì số nào cũng có những cuộc chia ly vì chiến tranh, liên quan đến chiến tranh. Những người thân thất lạc vì chiến tranh có đến hàng trăm hoàn cảnh khác nhau: trẻ em bị thương được đưa vào viện rồi lạc gia đình; vợ con lính chuyển từ trại gia binh này sang trại gia binh khác; khi chạy loạn, khi cha mẹ gửi con vào các cô nhi viện…

Nhiều nhất có lẽ là những cuộc ly tán khi người dân chạy bom đạn vào tháng 3 cho đến giữa tháng 4/1975. Thiếu thông tin, nghe tuyên truyền về những cuộc tắm máu, nên các gia đình binh lính Việt Nam cộng hòa (VNCH) dắt díu nhau chạy. Các gia đình đông con bị lạc mất nhau trong cuộc chạy loạn đó rất nhiều. Hiện tại, chúng tôi còn đến hàng trăm hồ sơ.

Trước ngày 30/4 năm nay, chúng tôi hy vọng sẽ đi đến kết thúc có hậu cho một trường hợp lạc người thân trên đường 7, con đường hãi hùng vào những ngày tháng đó. Nếu được vậy thì quả thực là một hạnh phúc. Thế nhưng, cũng có những cuộc dẫu tìm ra nhưng vẫn khiến người trong cuộc và chúng tôi ngậm ngùi. Đó là khi chúng tôi phát hiện manh mối nhưng những người con thất lạc đã mất hay bố mẹ họ đã mất. Có đến hàng trăm trường hợp đau lòng như vậy. 

Có người mẹ gần 90 tuổi đến giờ vẫn đi tìm hai người con mà bà bị lạc mất trên đường 7. Chúng tôi đã tìm ra dấu tích người con gái của bà nhưng chị đã mất, chỉ tìm được chồng, con chị cùng ngôi mộ của chị. Dấu vết của người em trai chị thì quá mơ hồ. Nếu không tìm ra anh, có lẽ chúng tôi đóng hồ sơ lại, bởi không muốn người mẹ quá đau lòng vì mất hết hy vọng.

Tim nhau sau chien tranh: Chung toi di theo dau yeu thuong

* 40 năm sau cuộc chiến mà chương trình vẫn còn nhận đến hàng ngàn hồ sơ nhờ tìm kiếm, chứng tỏ thời gian không thể làm nguôi ngoai nỗi đau của những người ruột thịt bị chia lìa. Những gì các anh chị làm được quả là điều kỳ diệu

- Với những ai đã tìm đến với chương trình, tôi nhận ra rằng, khi mất một người thân, người ta không thể trở lại cuộc sống bình thường được nữa. Mất một người thân cùng dòng máu, bất kể trong trường hợp nào, trong trái tim người còn lại luôn có một lỗ hổng sâu hoắm. Những câu hỏi luôn trở đi trở lại trong họ là người kia sống thế nào, có an toàn, mạnh khỏe không, có bị đối xử tệ bạc, có bất hạnh khổ đau không? 

Chính vì thế, khi có nhiều người ngạc nhiên và khâm phục hay biết ơn những việc chúng tôi làm được, tôi trả lời rằng, tất cả những trường hợp người thân tìm thấy nhau đều là kết quả những điều kỳ diệu của tình yêu thương. Bởi dù năm tháng qua nhưng họ không bao giờ quên nhau, luôn hướng về nhau, mong gặp lại nhau. Bằng cách này hay cách khác, họ đã để lại những dấu vết để chúng tôi có thể lần theo và tìm ra họ. 

* Có lẽ ký ức chiến tranh trong những gia đình thất lạc người thân giữa cuộc chạy loạn đó hết sức kinh khủng?

- Khi lần theo dấu vết của những người bị thất lạc trên đường 7 hay đến các địa danh như Chu Lai, cảng Tiên Sa, bến Bạch Đằng, Đập Đá, Cam Ranh… hình dung của chúng tôi về những ngày tháng đó vô cùng kinh khủng. Những câu chuyện chỉ được nghe kể lại cũng đủ gây ấn tượng kinh hoàng. Trên đường 7 là hỗn loạn, là đạn pháo, trên các sà lan là giẫm đạp, cướp, giết, đói khát…

Tim nhau sau chien tranh: Chung toi di theo dau yeu thuong

Thế nhưng, có một điều đặc biệt là chính những người trong cuộc lại không hề oán than, trách móc hay đổ lỗi. Họ là người đã trải qua nên hiểu đó là hậu quả tất yếu của chiến tranh. Những nỗi đau của chiến tranh ập xuống không phân biệt bên này hay bên kia. Có rất nhiều gia đình từng là cơ sở cách mạng nhưng khi tất cả đều chạy, họ cũng chạy và cũng lạc mất con cháu mình.

Công việc của trái tim

* Không chỉ là những câu chuyện cha mẹ đi tìm con cái hay ngược lại mà hình như Như chưa hề có cuộc chia ly còn giúp kết nối nhiều câu chuyện kỳ lạ của cuộc chiến tranh?

- Đúng vậy, có rất nhiều câu chuyện kỳ lạ mà chúng tôi còn nhớ mãi. Đó là sau cuộc chiến, có những con người ở hai chiến tuyến lại là ân nhân của nhau và muốn tìm ra nhau. Đó là câu chuyện của hai người lính bộ đội và VNCH khi đối diện nhau, vào giây phút sinh tử, một trong hai người bị thương và họ đã không bắn vào nhau.

Có một người lính VNCH luôn báo động cho cơ sở cách mạng, bộ đội để họ có thể trốn thoát, rút đi khi có nguy hiểm, chỉ vì ông cảm thấy chiến tranh chỉ là nhất thời. Nay những người từng được ông giúp trở về tìm ông. Hay như chuyện của một anh bộ đội đã nhặt được đứa trẻ là con của một nữ quân nhân VNCH khi lên máy bay đã bỏ lại con mình.

Ông nuôi nấng đứa trẻ cho đến bây giờ và mong em tìm được nguồn cội nên tìm đến chương trình, nhờ tìm mẹ cho đứa con mà ông thương như máu thịt. Chương trình cũng nhận được yêu cầu của những người lính Mỹ, lính Hàn nhờ tìm lại đứa con là kết quả những cuộc tình ngắn ngủi trong chiến tranh…

* Mười năm làm chương trình, với hàng ngàn hồ sơ đẫm đau thương, mất mát như thế, trái tim đa cảm của các anh chị có bao giờ mệt mỏi vì quá đầy cảm xúc?

- Quả thực là vào những ngày đầu tiên bắt tay vào công việc này, nếu biết trước những gì mình sẽ trải qua, có lẽ chưa chắc chúng tôi đã dám tự tin như thế. Ngày đó chúng tôi nghĩ, một tháng tìm ra một trường hợp đã là tuyệt vời. Thế rồi suốt 10 năm qua, tháng nào chúng tôi cũng tìm ra được cả chục trường hợp. Mỗi trường hợp đều có những chi tiết bi thảm theo cách của nó. Nhưng ngay những lúc cảm thấy kiệt quệ cũng là lúc chúng tôi thấy mình tràn ngập tình yêu thương. 

Tim nhau sau chien tranh: Chung toi di theo dau yeu thuong

Tôi còn nhớ một câu chuyện từng là động lực cho chúng tôi làm việc, đó là hình ảnh một người cha đeo bìa carton trước và sau ngực mình đi ngược trở lại đường 7 để tìm đứa con trai 5 tuổi. Vì hình ảnh kinh khủng đó mà chúng tôi lặn lội suốt các buôn làng, thử máu hàng chục người con trai cũng ở trong hoàn cảnh lạc gia đình để tìm con trai cho chú.

Sau này, chúng tôi mới biết không chỉ một chú Xem đeo biển như thế trên con đường tìm con, có rất nhiều người cha, người mẹ đã làm như vậy khi lạc mất con. Và vì thế mà chúng tôi vẫn luôn nỗ lực, coi đây là công việc của trái tim mình.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.

 Song Văn (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI