Thoát được 'bà cô bên chồng' lại dính vào ông chú lầy lội

17/08/2017 - 09:54

PNO - Nga chỉ nghĩ đơn giản, em út có lên thì để nó ở riêng một phòng, nấu cơm chỉ thêm bát thêm đũa, vả lại con trai có gì mà phức tạp đâu, nhà đông người càng vui.

Khi hẹn hò với Hoàng, Nga mừng thầm trong bụng khi biết nhà Hoàng không có em gái. Dù không sống chung nhưng không có “bà cô” vẫn thoải mái hơn nhiều – đó là kinh nghiệm được các chị đồng nghiệp lớn tuổi truyền lại. Có chị kể, mỗi lần về quê chồng lại bị đứa em gái “thó” mất một thứ đồ dùng nên giờ có về cũng không dám chưng diện.

Thoat duoc 'ba co ben chong' lai dinh vao ong chu lay loi
Chị dâu em chồng thường kỵ nhau. Ảnh minh họa

Chứ nó thấy túi xách, đồ mỹ phẩm, đôi giày nào mới là y chang rằng sẽ có điệp khúc: “ôi, cái túi/ đôi giày/ thỏi son... của chị đẹp quá, cho em mượn nhá” mà mượn ở đây là vô thời hạn hoặc đến khi trả thì chẳng dùng được nữa. Bởi thế, không có vẫn tốt hơn, mấy đứa em trai chồng chắc vô tư, không nhiều chuyện như mấy cô em. Nhưng Nga đã nhầm hoàn toàn khi về làm dâu nhà Hoàng.

Ngay sau ngày cưới, trong buổi họp gia đình, ba mẹ chồng đã giao cho vợ chồng Nga một trách nhiệm: “một năm nữa là thằng út tốt nghiệp cấp ba, nó sẽ lên thành phố học, lúc ấy anh chị lo cho nó ăn học giùm chứ ba mẹ già yếu, lo cho anh Hoàng và anh Hải là hết sức rồi”.

Đổi lại với điều kiện ấy, ba mẹ Hoàng bán bớt đất cho vợ chồng Nga mua nhà trên thành phố, sau này thằng út lên cũng có chỗ ăn ở ổn định. Lúc đầu Nga nghe cũng lùng bùng lỗ tai nhưng đến đoạn cho tiền mua nhà thì nghe có vẻ hợp lý. Thôi thì, trách nhiệm anh cả ả đầu nên ba mẹ tính toán thế cũng phải.

Thoat duoc 'ba co ben chong' lai dinh vao ong chu lay loi
Cậu em chồng ở dơ kinh khủng

Nga chỉ nghĩ đơn giản, em út có lên thì để nó ở riêng một phòng, nấu cơm chỉ thêm bát thêm đũa, vả lại con trai có gì mà phức tạp đâu, nhà đông người càng vui. Tính toán thế nên khi tìm mua nhà, Nga chọn một căn chung cư ba phòng ngủ, thời điểm giao nhà cũng vừa lúc em út nhập học luôn.

Nhưng khi sống chung với em trai chồng, Nga mới vỡ lẽ ra mọi chuyện không dễ dàng như mình dự tính. Cậu em chồng ở dơ kinh khủng, lười tắm, quần áo một tuần giặt một lần, hút thuốc gạt tàn lung tung, phòng ốc lúc nào cũng nồng nạc mùi mồ hôi chua loét.

Đặc biệt, cái sở thích chỉ mặc mỗi quần chíp đi ngủ của em chồng nhiều lần khiến Nga ngượng đỏ mặt khi vô tình nhìn thấy nó cứ đi long nhong vào nhà vệ sinh vào buổi sáng sớm.  Khổ thân Nga, cả ngày đi làm, tối về lui húi dọn dẹp nhà cửa trong khi cậu em chồng nằm khểnh ở phòng khách xem ti vi như không thấy gì.

Cậu ta có một thói quen kinh dị là ngâm áo quần hai ba ngày mới giặt dù Nga nhắc, cái nào chưa giặt thì bỏ trong giỏ đựng đồ dơ cho sạch. Ăn uống rất kén chọn, cứ phải đồ tươi, tôm cá mua về phải nhảy lách tách mới ăn. Nhưng ở thành phố, mua ở siêu thị thì toàn hàng đông lạnh, chợ có phải lúc nào cũng có đồ tươi như ở quê đâu thế là cậu em gọi điện về méc ba mẹ: chị dâu cho ăn toàn đồ chết.

Ba mẹ Hoàng tưởng con dâu cư xử không phải với em, vội vàng khăn gói lên để chấn chỉnh. Nga đau đầu nhất là lời bố chồng đay đi đay lại: “chị nên nhớ, cái nhà này cũng phần đóng góp của tôi nên liệu mà chăm lo cho em chu đáo”.

Nga cố gắng nín nhịn, thậm chí bầu bì vẫn nai lưng ra dọn dẹp phòng cho em, cố chiều em chồng để khỏi mang tiếng là chị dâu ăn ở ác. Bởi có than thở với chồng, Hoàng cũng chỉ ậm ừ chứ đâu dám nặng lời với em trai.

Bốn năm đại học của em chồng cũng qua, Nga tưởng thoát được nợ. Ai ngờ, đứa em chồng đã đi làm rồi mà vẫn ngửa tay xin tiền anh chị. Thỉnh thoảng, xin Hoàng tiền đổ xăng, xin Nga tiền sinh nhật bạn. Trước đây, Nga chỉ mong đứa em ra trường cho đỡ gánh nặng nhưng cái thói quen ỷ lại đó như ăn sâu vào máu.

Hồi còn đi học, Nga bỏ tiền mua sắm quần áo cho nó đã đành, giờ đã đi làm mà áo quần cũng không chịu sắm. Đứa em cứ lì ra, Nga không sắm thì nó dùng chiêu mới. Nga mua cho chồng bộ đồ mới nào là nó “mượn” luôn vài hôm vì hai anh em cùng size.

Nga kỵ nhất là mặc chung quần áo nên nó đã mượn thì nhất quyết không cho chồng mặc lại. Đến cả giày mũ, thắt lưng, nó cũng thích dùng chung với anh. Sống cùng anh chị, đi làm có lương nhưng chưa một lần đứa em mở lời góp tiền sinh hoạt hay mua cho cháu đồng qua tấm bánh.

Nga chán nản vì không biết phải chịu đựng nó đến bao giờ thì nghe tin em chồng chuyển công tác về quê mà mừng hơn bắt được vàng. Sau gần 6 năm nuôi cục nợ trong nhà, giờ đây ít ra Nga cũng đỡ chướng tai gai mắt, coi như thực hiện xong bổn phận nuôi em chồng.

Thanh Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI