Thế giới hỗn loạn sau bảng điểm

25/05/2017 - 06:30

PNO - Một đêm, lang thang facebook vô tình thế nào tôi lại đọc những bình luận của cháu và các bạn cháu dưới dòng trạng thái. Tôi nóng mặt. Tôi lân la sang facebook của các bạn của cháu, nội dung “còm” cũng kiểu vậy.

Kỳ họp phụ huynh cuối năm vừa kết thúc, nhiều cha mẹ đang sôi sùng sục vì điểm số của con không như ý, một số phụ huynh khác mỉm cười mãn nguyện. Nhưng ít ai để ý rằng, có một thế giới phía sau bảng điểm cũng ảnh hưởng sống còn tới nhân cách và sự trưởng thành của trẻ.

The gioi hon loan sau bang diem
Ảnh minh họa

Cháu trai tôi học lớp 7. Facebook cháu có 3.800 bạn. Tôi vào xem qua nội dung hàng ngày cháu đăng lên tài khoản, thấy cũng không có gì đặc biệt, chỉ là hôm nay thi môn gì, cuối tuần đá bóng ở đâu. Cháu tôi là học sinh giỏi, học lớp chọn trường điểm.

Một đêm, lang thang facebook vô tình thế nào tôi lại đọc những bình luận của cháu và các bạn cháu dưới dòng trạng thái. Tôi nóng mặt. Tôi lân la sang facebook của các bạn của cháu, nội dung “còm” cũng kiểu vậy.

The gioi hon loan sau bang diem
Vài dòng chat của học sinh lớp 7, thế giới học trò sau bảng điểm khiến nhiều cha mẹ bàng hoàng

“Đi ch... em ơi”/ “Ch... ai?”/ “Ch... em”/ “Ở đâu”…

Mạng xã hội có từ tục tĩu nào thì cháu tôi biết dùng từ đó. Tôi chủ động chat với cháu. Dưới đây là nội dung những cặp câu hỏi và trả lời của hai cô cháu. Tôi đã chỉnh sửa lại những từ lóng và từ viết tắt của cháu cho người đọc dễ hiểu. Bởi vì, nếu một người không mấy khi dùng mạng xã hội, không tiếp xúc với thế giới học đường thì sẽ không thể hiểu được các cháu đang nói đang viết gì.

- Con có biết “ch...” nghĩa là gì không?/ Con biết.
- Vậy sao con và các bạn dùng từ đó?/ Quen rồi.

- Con bắt chước từ đó từ ai?/ Bạn con, các anh chị.

- Con có thấy đó là những từ không nên dùng không?/ Con thấy bình thường. Tại cô không quen. 

- Con có bạn gái chưa?/ Sơ sơ.
- Sơ sơ là sao?/ Là cũng có vài đứa cho vui vậy.

- Mẹ con biết chuyện bạn gái này không?/ Mẹ không biết.

- Hôm trước cô nghe bác giúp việc nói khi mẹ đi công tác con đem bạn gái về nhà chơi, hai đứa ở trong phòng riêng suốt buổi?/ Vâng, bọn con xem phim, nhưng con và nó chia tay rồi.

- Chỉ xem phim thì sao phải khóa cửa bên trong?/ Không muốn ai làm phiền. Hai đứa bọn con ngồi chung một ghế khi xem phim.

- Những cuốn sách cô gửi con đọc hết chưa?/ Cuốn nào ạ? Con có thấy cô gửi cuốn nào đâu.

Tôi sao chép hai câu chat cuối cho chị dâu xem. Chị phân trần là những cuốn sách đó rất hay nhưng cháu đi học cả ngày, cả tuần, không biết đọc vào lúc nào, chị cất dành đấy tới hè cho cháu đọc.

Tôi nói với chị, hè năm ngoái cháu đi trại hè ở Úc, năm nay lại chuẩn bị đi trại hè ở Mỹ, cháu sẽ đọc sách vào lúc nào? Chị không hiểu ý trách móc của tôi, gật đầu: “Đấy đấy, cô cũng thấy rồi đó, bọn ấy giờ chương trình kín mít”.

Tôi lại sao chép một đoạn comment của hai đứa bạn cùng lớp cháu cho chị xem (tôi chưa dám đưa chị xem đoạn con trai chị comment). “H mà còn chưa ngủ ah/ ck đag chờ vk lên mới ngủ đc/ lam j/ ch.../”. 

Lại phải giải thích cho bà chị “ch...” nghĩa là gì. Để chị không sốc về tình trạng con trai, tôi tranh thủ rào đón bằng những ví dụ về đứa này đứa kia ở trường nọ trường kia mới lớp 6, lớp 7 mà đã ăn nói sỗ sàng thế nào. “Sao bọn trẻ giờ ghê vậy?”, chị ngạc nhiên. “Bởi vì chúng có những ông bố bà mẹ như chị đó”, tôi tranh thủ “lên lớp” bà chị. 

Bọn trẻ “bắt bài” được tâm lý của phụ huynh: trước mặt bố mẹ, khách khứa ăn nói lễ phép; đến trường học giỏi. Dựa trên tiêu chí đó thì mọi đứa trẻ đó đều ngoan, đáng tin tưởng. Bố mẹ chỉ cần nhìn vào đó và thỏa mãn. Còn một thế giới phía sau bảng điểm như thế nào họ đâu có biết.  

Giờ chị thấy đó, ngay giữa mạng xã hội, bao nhiêu người đọc được mà chúng nó bạo dạn như vậy thì ở chốn riêng tư thế nào? Mà nói chị biết nhé, may mà cuộc sống của chúng nó còn có thể vui đùa, đàm đúm, giao du, thậm chí còn ch... nếu không có khi phát điên vì sức ép học hành bố mẹ gây ra.

Vẻ mặt chị dâu tôi từ sửng sốt chuyển sang hoang mang. Tôi lại phải làm một diễn văn: “Cách thì nhiều lắm chị ạ, quan trọng chị có chịu thay đổi mình hay không. Em tạm vạch ra vài ý chung chung nhé: giảm bớt áp lực học, cho con tập thể thao, làm việc nhà, ra ngoài trời vận động nhiều, đọc những tác phẩm văn học thiếu nhi cổ điển, tìm cho con những mục tiêu lành mạnh để theo đuổi...”. 

Thúy Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI