Rồi có lúc con muốn quan tâm ba mẹ nhiều hơn cũng không được

27/04/2017 - 14:51

PNO - Rồi tôi lại thấy mất mát, đớn đau hiển hiện quanh mình và nhận ra từ giây phút này, dù tôi có muốn sống khác đi, yêu thương và quan tâm ba mẹ hơn thì cũng đã không còn kịp nữa…

Lúc ngồi ở hàng ghế chờ trước phòng hồi sức tích cực “trông chừng” ba, con chợt nghe tiếng cô y tá vừa đẩy xe đưa bệnh nhân vào thang máy, vừa nói: “Ông ơi, ông có thấy hàng cây sưa đã nở hoa vàng rộm không? Hồi ông mới vào hàng cây gầy trơ lá, giờ đã nở đầy hoa. Ông cố lên để được mau về nhà”. Rồi tiếng thang máy khép lại.

Roi co luc con muon quan tam ba me nhieu hon cung khong duoc
 

Khoảnh khắc ấy, con chỉ ước giờ này ba được chuyển sang phòng dành cho những người bệnh thông thường. Lại ước gì ba phục hồi tri giác, có thể nhận ra mẹ, nhận ra con cháu. Ước gì ba có thể nhìn thấy bầu trời đầy những đám mây hình vảy cá, thấy hàng sưa vàng rực hoa. Ước gì giờ này con được nhìn thấy ba cười, được nghe ba hỏi: “Xe đi từ Pleiku về Đà Nẵng mất mấy tiếng hả con?”.

Ước gì mỗi lần con về thăm nhà, khi ra đi là nghe ba nhắc: “Về tới nơi phải điện thoại ngay cho ba biết nghe con”… Mỗi ngày một yếu đi nhưng ba vẫn động viên mẹ, rằng sinh, lão, bệnh, tử là quy luật muôn đời; bác sĩ đã hết khả năng, gia đình cũng chăm sóc tận tình, nhưng cơ thể ba giờ như con tàu gỉ sét, không còn ra khơi được nữa. 

Nhìn chiếc máy thở cắm vào miệng để dẫn khí xuống phổi; nhìn đường ống dẫn qua mũi để bơm thức ăn vào dạ dày; nhìn gương mặt ba gần như biến dạng vì những cơn đau thường xuyên buốt ngực; nhìn tay chân ba phải buộc chặt vào giường, người ba phù nề… mẹ cứ vật vã khóc đến kiệt sức.

Mẹ nói, ai đến thăm cũng an ủi mẹ là ba đã già rồi, nhưng lòng mẹ vẫn chưa sẵn sàng đón nhận những gì đang đến. Mỗi bữa cơm mẹ vẫn nhắc, mấy tháng trước ba còn ngồi đây ăn, bữa cơm nào ba cũng nài nỉ mẹ: “Bà ơi, cho tôi bỏ bớt cơm lại được không? Nhiều cơm tôi ăn không hết”.

Mẹ thì lần nào cũng làm căng: “Có chút xíu cơm à, ông ăn hết đi, đừng có bỏ lại”. Sợ mẹ buồn, mẹ giận, nên mẹ nói gì ba cũng nghe, ráng ăn cho hết phần cơm. Mẹ chăm ba cứ như chăm một đứa trẻ; mỗi ngày nhắc ba đến giờ nào thì uống thuốc gì, hối ba uống sữa chứ đừng để quá giờ lại không ăn được cơm.

Ba vào viện đã mấy tuần nhưng chiếc ti vi trong phòng ba mẹ vẫn mở suốt ngày. Mẹ không cho ai tắt, vì ba thích xem ti vi lắm. Mẹ mặc định trong ý nghĩ là ba vẫn mạnh khỏe, đang ngồi trên giường xem ti vi những lúc mẹ nấu nướng, dọn dẹp hay đi chợ. Tiếng ti vi vặn to hết cỡ.

Dù vậy, trong lòng mẹ mọi thứ như im lìm từ hôm nghe bác sĩ thông báo ba đã bị mù vĩnh viễn… Mẹ nói, ba vào viện nhà trở nên vắng vẻ vì các con cũng đi làm suốt ngày. Dường như có nỗi sợ nào đó rất lớn đang chặn ngang lồng ngực mỏng manh của mẹ.

Những hôm “trông” ba mệt quá, tôi ngủ gục luôn ở hành lang bệnh viện. Trong  cơn mộng mị, tôi như thấy cuộc sống của ba mẹ trôi chầm chậm, thỉnh thoảng lại nghe mùi thức ăn, mùi cây trái chín trong vườn nhà cũ nơi tôi lớn lên. Nhìn qua cửa ngõ khép hờ, vòm nguyệt quế xanh mãi.

Thấy những chiều ba ngồi yên trên chiếc ghế nhỏ cho mẹ bấm móng chân, quẩn quanh bên chậu hồng đỏ là tiếng lích chích của đàn gà con mới nở. Trong tôi, ký ức về ba mẹ là những ngày bình yên và thanh thản; như chưa hề có những cơn đau đến tê dại mà ba đang chịu đựng, chưa có sự suy sụp của mẹ khi bác sĩ báo: “Ông yếu lắm rồi, bà chuẩn bị tinh thần”.

Rồi tôi lại thấy mất mát, đớn đau hiển hiện quanh mình và nhận ra từ giây phút này, dù tôi có muốn sống khác đi, yêu thương và quan tâm ba mẹ hơn thì cũng đã không còn kịp nữa…

Như hôm hay tin bệnh ba trở nặng, tôi vội vã về nhà, vào viện ôm lấy ba: “Ba ơi! Con đã về đây!” Nghe tiếng tôi, bàn tay ba quờ tìm nắm lấy tay tôi. Chắc đó là lần cuối cùng trong đời ba nghe tiếng tôi gọi, cũng là lần cuối ba cảm nhận được hơi ấm từ núm ruột của mình… 

Bình Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI