Quyền nói 'không' với áp lực

05/05/2018 - 19:59

PNO - Cuộc đời con sẽ có thất bại, có thành công, nhưng trên hết “vận động viên” của chúng ta được hạnh phúc sống cuộc đời của mình.

Đọc câu chuyện em nam sinh lớp Mười tự tử tháng Tư vừa qua, tôi vô cùng xót xa. Tìm kiếm các vụ tự tử từ áp lực học tập trên Google, kết quả thật khủng khiếp, 7.850 kết quả tìm kiếm được trong 0,41 giây.

Nhiều vụ nguyên nhân hàng đầu được cho là do áp lực học tập từ phía nhà trường và gia đình. Đó là áp lực từ bên ngoài, đã tác động không nhỏ tới tâm tư, tình cảm của các em học sinh ngày nay. Nhưng đó có thực sự là nguyên nhân cốt lõi?

Cái người khác áp đặt lên mình, mình nhận hay không nhận, ảnh hưởng tốt hay xấu lên tâm trạng của ta là trách nhiệm của ai? 

Quyen noi 'khong' voi ap luc
Ảnh minh họa

Có thực sự áp lực đã lấy đi cuộc sống của các em? Tại sao cùng bị áp lực như nhau, người này chọn giải pháp trốn chạy, tự tử, người khác lại chọn cách đối mặt và vượt qua? 

Quyết định hành động như thế nào tùy thuộc vào cách nhìn vấn đề của mỗi người. Nếu một người bi quan chán nản, thiếu tự tin, tổn thương… thì thường sẽ nhìn vấn đề tiêu cực, bi kịch, đường cùng. Nếu một người lạc quan, tự tin, tràn đầy nghị lực sống thì luôn nhìn thấy cơ hội trong các thử thách, áp lực và họ sẽ tìm ra cách giải quyết vấn đề. Cách nhìn vấn đề là cách tư duy của mỗi người. Có người tư duy một chiều, có người tư duy hai chiều (tích cực và tiêu cực), có người tư duy đa chiều, có người tư duy “nó là nó” (nhìn mọi việc như nó là, khách quan, sâu sắc).

Tại sao có em chọn giải pháp kết thúc cuộc sống sau một biến cố, sau một áp lực, sau một lời chỉ trích… trong khi các em khác thì không, thậm chí có em nhờ áp lực càng được tôi rèn để trưởng thành hơn, vững vàng hơn? 

Theo tôi, đây là vấn đề cốt lõi và trách nhiệm của cha mẹ, thầy cô: cần giúp trẻ có sức mạnh bên trong - tâm lực - để đẩy lùi áp lực, đối mặt và vượt qua mọi sóng gió. 
Sức mạnh bên trong trẻ được xây dựng qua một quá trình, nhờ cha mẹ, thầy cô vun trồng bằng sự tôn trọng và chấp nhận con người trẻ. 

Quyen noi 'khong' voi ap luc
Ảnh minh họa

Cụ thể là, cha mẹ, thầy cô cần yêu thương trẻ, lắng nghe trẻ, khơi gợi suy nghĩ riêng của trẻ, khuyến khích trẻ tự chịu trách nhiệm với các việc liên quan đến trẻ, giúp trẻ xây dựng mục tiêu của chính mình, để trẻ can đảm bước đi trên con đường phù hợp với năng lực và nhu cầu của chính mình… Cha mẹ cũng cần dạy trẻ hiểu sự tương quan phụ thuộc lẫn nhau của mọi loài, để có lý tưởng sống cùng - sống với - sống vì người khác, vì vạn vật, cây cỏ chim muông… Từ đó, trẻ sẽ tìm được niềm vui sống, ý nghĩa cuộc sống và sức mạnh nội tâm ngày càng được bồi đắp. 

Hành trình dạy trẻ là chặng đường dài, người lớn, cha mẹ và thầy cô là bạn đồng hành đầy yêu thương, hướng dẫn trẻ đi đúng hướng trẻ thích, chứ không ép trẻ phải đi theo cách mình muốn. 

Khi được là chính mình, trẻ sẽ tự tin hơn, mạnh mẽ hơn, và trẻ sẽ lướt trên những khó khăn thử thách của cuộc sống như vận động viên lướt sóng, có lúc sẽ nhô lên, có lúc sụp xuống tưởng như bị sóng cuốn trôi, nhưng rồi lại hiên ngang bay lên đầu ngọn sóng. Cuộc đời con sẽ có thất bại, có thành công, nhưng trên hết “vận động viên” của chúng ta được hạnh phúc sống cuộc đời của mình. 

Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI