Qua cơn bĩ cực...

20/02/2017 - 16:13

PNO - Với chú thím, đã thực sự đến hồi thái lai để nhìn con cháu lớn khôn và nhìn lại đời mình mà bảo ban, nhắc kể cùng con cháu rằng: trời không phụ người hiền.

Trong sắc xuân của không gian thoáng đãng, của màu sơn nhà mới nồng nồng từ hàng xóm bay sang, của rộn ràng màu hoa màu nắng, ở tuổi tròn 63, chú ngồi điểm lại đời mình rồi kết luận: “Nhớ tới đoạn nào là trào nước mắt đoạn đó. Nhưng giờ qua cơn bĩ cực rồi. May mắn nhất có lẽ là nhờ bà xã chung lòng chung sức, chứ như người ta gặp cảnh khó là buông nhau thì chú thím không được như bây giờ”.

Thím cũng đã 60, giờ cháu nội cháu ngoại đề huề, thảnh thơi không lo cơm ăn áo mặc nữa, nhưng chứng đau nhức, thấp khớp lại về - ấy là di chứng của những ngày rong ruổi mưu sinh khắp các nẻo đường - khiến ngày đông tháng giá cũng khó đi đứng. Tuy vậy, nụ cười thím luôn nở trên môi: “Hồi đó thím không ngờ chú “gan” vậy, một thân một mình đi phương xa mưu sinh rồi còn đón vợ con đến nữa. Mà có lẽ mình ở hiền thì gặp lành thôi cháu ạ”.

Chú thím là Nguyễn Văn Tài và Nguyễn Thị Thanh, quê quán xã Vĩnh Kim, Châu Thành, Tiền Giang.

Qua con bi cuc...
Chú thím cùng đi cà phê cuối tuần

Chú Tài tâm sự:

“…Giữa năm 1981, bỏ lại công việc chuyên cuốc mương thuê ở quê  nhà, chú quyết đi “lập nghiệp” ở Ðồng Nai hoặc Tây Ninh, vì có người quen ở hai nơi đó. Từ quê nhà lên đến bến xe Xa cảng Miền Ðông (TP.HCM) thì… không còn đủ tiền lên chuyến xe Long Khánh để đi Ðồng Nai nữa. Vậy là đi Tây Ninh vì tiền xe ít hơn. Chú nhớ lời nói của người quen “cứ tới chợ Long Hoa hỏi thăm ông Thành xe ôm, ai cũng biết”.

Xe đò đưa chú tới chợ Long Hoa sau hơn hai tiếng đồng hồ ngồi trên xe đầy dằn xóc, ngột ngạt, kèm chút lo lắng. Xe dừng. Lạ lẫm, mệt mỏi, nhếch nhác… bởi ngay cả đôi dép Lào cũng đã sút quai. Chạng vạng rồi, ông Thành không còn ở bến xe cửa Ðông chợ Long Hoa nữa, may mà có người “đồng nghiệp” biết nhà ông và đưa chú về. Nhìn thấy chiếc xe “máy đầm” (xe đạp) chú mang theo, ông Thành la: “Trời ơi, sao mày không đem xe máy cái, máy đầm đâu chạy xe ôm được”. Chú hụt hẫng thật sự. Cứ nghĩ xe nào cũng thế, miễn chạy được thì thôi. Mà bây giờ…

Vậy mà ông Thành cũng đi xin cặp cây tầm vông, để cặp sườn chiếc “máy đầm” đó vững hơn cho chú chạy xe ôm. Nhưng… ngay cả tiền mua vài con ốc, cặp “đũa” cho việc sửa lại xe, chú cũng không có. Mà ông Thành cũng nghèo, không có tiền cho chú mượn.

Vậy rồi có người hàng xóm sang uống trà mừng “khách ở quê lên” đã rủ chú đi làm cu-li thợ hồ “để có tiền xài và để sửa lại cái xe đạp”. Vậy là chú “chuyển nghề” làm cu-li, dù cũng không biết làm cu-li là làm gì…”.

Sân vườn nhà chú thím bây giờ khang trang lung linh những sắc tím, hồng, xanh, vàng của hoa hoàng mai, sứ, lan, hoa giấy… Mùi hương cau thoang thoảng qua khứu giác, thím bồi hồi nhớ chuyện xưa.

“…Làm cu-li được hơn tháng thì chú của cháu có đủ tiền sửa cái xe đạp để hành nghề xe đạp ôm. Rồi nhờ bà con hàng xóm của chú Thành thương, cho cất cái nhà ở đường lon xe bò, người cho cái giường, người cho mấy cây tre, chú mua được lá lợp nhà… Cất xong nhà là giữa năm 1982, lúc đó con trai An Phương đã năm tuổi, con gái An Hà ba tuổi thì chú đón thím cùng hai con lên.

Hàng ngày chú đi chạy xe, thím đẩy xe cà rem bán quanh xóm, chừng tiếng đồng hồ thì về ngó chừng con. Các con ngoan nên chỉ chơi trong nhà, tới trưa ba mẹ về thì cùng ăn cơm, chiều chú thím lại tiếp tục đi như vậy. Vài tháng sau, quen đường quen sá, thím mạnh dạn đi xa hơn, “phát hiện” cái trường học liền ghé vào bán, học trò đi theo xe kem quên giờ vào học nên bảo vệ đuổi thím.

Rồi ông hiệu trưởng phát hiện ra bà bán kem, ông bảo bán chi cho cực, bị đuổi rồi ế, có muốn vô trường làm lao công thì ông cho vào làm. Mừng như bắt được vàng, thím về nói lại thì chú không tin, chú nói đời có ai tốt vậy? Nhưng thím cũng liều, bỏ bán kem một bữa, vô trường thật sớm, quét sân, quét văn phòng, châm trà… thử việc ba bữa thì ông hiệu trưởng cho làm luôn…”.

Vậy là cuộc sống của chú thím từ đó đã bắt đầu ổn định, thím làm nhân viên nhà trường, có lương đàng hoàng, còn được bán quà vặt ở căng tin. Chú vừa chạy xe ôm vừa phụ lấy bánh kẹo, nướng bánh tráng, làm sinh tố cho vợ bán. Ông hiệu trưởng thấy chú cần cù chịu khó, bảo vào làm văn thư cho nhà trường.

Năm 1985, vợ chồng chú Tài đã có hai đầu lương, không còn ở trong căn nhà tại đường lon xe bò nữa, mà mua được phần đất gần trường học để tiện công việc. Ðất lúc đó rất rẻ, dành dụm bấy lâu và mượn thêm hai tháng lương là đã mua được phần đất 10x30m rồi. Chuyện mua bán ngày đó hồi đó chỉ có tờ “giấy tay” là xong.

Năm 1986, chú thím cất cái nhà - chính thức được gọi là nhà - dù chỉ là mái tôn vách đất, trên phần đất chú thím mua cạnh nơi làm việc. Năm 1987, thím sinh con trai út An Khang.

Mấy ngày trong tuần chú “đi làm nhà nước” nhưng ngày cuối tuần vẫn chạy xe ôm. Bến xe ôm của chú cạnh một sạp báo, nên lúc rảnh rỗi chú thường “coi cọp”  báo và chú bắt đầu tham gia viết báo bằng vài tin vắn, ít bài thơ tình, thơ về quê hương đất nước cho báo Tây Ninh…

Rồi sau đó, do nhu cầu công việc của nhà trường, chú được cử đi học kế toán. Khi chính thức nhận công việc kế toán nhà trường thì chú không còn chạy xe ôm nữa, mà chuyên tâm làm thơ, viết báo.

30 năm đi trên con đường đầy hoa thơm nhưng cũng không ít chông gai của trò chơi con chữ, đỉnh điểm của sự nghiệp thơ ca là chú đoạt giải 3, bộ môn Thơ, của giải thưởng Văn học Xuân Hồng tỉnh Tây Ninh lần 2 năm 2016.

Thím từ ngày nghỉ hưu ở trường thì về nhà quanh quẩn với chục chú gà, vài chú lợn, ít dây bầu bí “tăng gia” để mỗi dịp lễ tết hay cuối tuần con cháu về chơi thì có chút quà mang đi trong tiếng cười hỉ hả giòn tan.

Bây giờ, các con của chú thím đã trưởng thành và lập thân nơi Sài Gòn hoa lệ. Con trai An Phương có công ty cổ phần chuyên cung cấp thiết bị y tế. Con gái An Hà làm hiệu trưởng một trường mẫu giáo tư thục. Con trai út An Khang làm việc ở Sở Xây dựng TP.HCM. Với chú thím, đã thực sự đến hồi thái lai để nhìn con cháu lớn khôn và nhìn lại đời mình mà bảo ban, nhắc kể cùng con cháu rằng: trời không phụ người hiền.

Trang Đào

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI