Phao, tung, share, câu 'like'... tin đồn bắt cóc trẻ em: Gây bất an, rối loạn cho cộng đồng

28/07/2017 - 10:28

PNO - Báo chí, mạng xã hội đang rùm beng vụ nhiều người quây đánh hai người phụ nữ đi bán tăm đến phải nhập viện chỉ vì “nghi” họ bắt cóc trẻ em

“Bị vợ giận, tôi muốn làm hòa bằng việc tốt bất ngờ là ghé trường mầm non rước con để vợ rảnh rang đi spa. Vợ chưa muốn tha thứ, tiếp tục làm mình làm mẩy nên giằng đứa nhỏ lại từ xe tôi và lớn tiếng phản đối.

Bất giác, ông xe ôm ế khách đang ngồi ngáp ruồi ở đầu hẻm la lên: “Bắt cóc con nít, bắt cóc con nít, bà con ơi…”. Lũ làng rầm rập lao vào. Tình huống oan nghiệt này vừa được một ông chồng đặt ra ngay trong thời buổi cao điểm “dịch” lây lan tin đồn bắt cóc trẻ trên mạng xã hội. 

Phao, tung, share, cau 'like'... tin don bat coc tre em: Gay bat an, roi loan cho cong dong
Những "tin đồn' bậy trên mạng xã hội gây hoang mang cho phụ huynh và trẻ nhỏ 

Nghi là xử!

Nếu một ngày không đẹp trời, bạn cưng nựng một em bé dễ thương ở công viên, bạn dắt lên vỉa hè một cháu bé mải đuổi theo đám bồ câu mà chạy lố xuống lòng đường… rồi bạn bất ngờ bị tấn công bởi người thân của bé và đám đông.

Nhanh như chớp, bạn sẽ bị kết án “dụ dỗ, bắt cóc trẻ em” và bạn nhận ngay những cú đấm trời giáng, những đường dao khoét sâu cho “chừa”. Đám đông tự kết án, tự thi hành án không ngần ngại. Không ngoại trừ những kẻ hung tính, tận dụng cơ hội để “sướng tay” trút đòn lên người khác. 

Nghĩ mà rùng mình với một xã hội có những công dân cho mình cái quyền-tự-xử. Báo chí, mạng xã hội đang rùm beng vụ nhiều người quây đánh hai người phụ nữ đi bán tăm đến phải nhập viện chỉ vì “nghi” họ bắt cóc trẻ em. “Khen” cho con mắt nghiệp vụ điệp viên của một người phụ nữ có con nhỏ, thấy hai người đàn bà có hành vi bất thường, bắt xuất trình giấy tờ “bán tăm” không được, chắc mẩm là kẻ chuyên bắt cóc nên “tự xử” bằng chiêu quay clip tung lên facebook.

Rồi những “anh hùng cái thế” khác nhào đến, hành hung hai người phụ nữ bán tăm khốn khổ. Tung lên mạng rồi gỡ xuống là xong, đánh người rồi cười giả lả “xin lỗi, chúng tôi nhầm” được sao? Hành vi “cố ý gây thương tích” của nhóm người đang được công an huyện Sóc Sơn điều tra làm rõ. Tương tự, pháp luật cũng sờ gáy vụ hô hoán thôi miên, bắt cóc trẻ, nhóm người ở Hải Dương đã đốt xe hơi và còn đòi “xử tử” một giám đốc.  

Phao, tung, share, cau 'like'... tin don bat coc tre em: Gay bat an, roi loan cho cong dong
 

Từ “câu like” đến… “cái còng”

Không ít vụ bắt cóc được loan báo trên mạng xã hội, khi công an vào cuộc thì mới biết “hố hàng”. Đó là những vụ vợ chồng đang trong quá trình xử ly hôn, tranh chấp con, người vợ biết tỏng người cha lén ôm đứa bé đi, nhưng vẫn vờ mù tịt manh mối, vẫn khóc bù lu bù loa, làm ầm ĩ để mượn tay công an trị ông chồng.

Vụ có sáu đối tượng mạo danh là nhân viên tiếp thị nước ngọt bắt cóc trẻ ở nơi được cho là xóm 8, xã Quang Trung, huyện Hòa An, Cao Bằng miêu tả chi tiết về diễn biến các đối tượng rình, đánh đập dã man hai cháu, người dân đến giải cứu, bắt được hai tên. Công an xã vào cuộc, rồi “phá án” được ngay, vì xã nhà không có… xóm 8. Vụ bắt cóc chỉ là “tin vịt” và chủ tài khoản facebook Nga Phuong Le đã phải chịu trách nhiệm với thông tin thất thiệt gây hoang mang dư luận, bất ổn an ninh trật tự.

So với những thông tin khác, tin bắt cóc trẻ em đánh vào lòng trắc ẩn của bất cứ ai, việc giải cứu bắt cóc cũng hứa hẹn những pha gay cấn, éo le nhất nên những kẻ “rảnh rỗi sinh nông nổi” xem đây là mảnh đất màu mỡ để câu like, share. Cười méo nhất là không ít người là công an, nhà báo… cũng bị lừa, cũng chia sẻ thông tin vụ bắt cóc. 

Chủ tài khoản mạng xã hội nọ cũng thuộc dạng “xạo có nghề” khi dẫn dắt tình tiết thật gay cấn: cháu bé ở TP.Buôn Mê Thuột bị đối tượng bỏ vào bao tải, cháu khóc to, người nhà chạy theo giật lại thì bị đối tượng khống chế bằng dao để thoát thân và chạy trốn vào rừng.

Chỉ một ngày loan tin, chủ tài khoản đã xin lỗi vì mình bộp chộp, nghe ngóng không chính thức. Và cuối của lời xin lỗi là phần thanh minh: “cũng lo cho mọi người, lỡ có trường hợp đó xảy ra để đề phòng”. Chủ tài khoản chưa thực sự ý thức được hậu quả việc mình làm gây hoang mang, bất ổn xã hội, dễ bị kẻ xấu lợi dụng.

Những tin đồn thất thiệt kiểu này thực sự đã tước đoạt đi của trẻ một không gian yên lành để sống, một khung trời an toàn để vui chơi, chạy nhảy. Phụ huynh nhìn đâu cũng lo ngại, nhìn ai cũng thấy kẻ xấu, cần cảnh giác. Rốt cục, người ta chọn cách cứ nhốt trẻ giữa bốn bức tường cho lành và nhồi vào đầu từ đứa trẻ mầm non trở đi một suy nghĩ đen tối: “Không ai đáng tin hết. Con không ra đường đâu, lỡ người ta bắt cóc con thì sao?”. 

Tung tin đồn - hứng hình phạt

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi cũng như hậu quả thực tế xảy ra, người tung tin đồn trên mạng xã hội có thể bị áp dụng các chế tài tương ứng là hình sự, hành chính hoặc dân sự.

Theo quy định của BLHS 1999, các tội danh, hình phạt tù cao nhất có thể áp dụng là: tội làm nhục người khác (điều 121), cao nhất đến ba năm tù; tội vu khống (điều 122), cao nhất đến bảy năm tù và “tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” (điều 226), hình phạt từ sáu tháng đến bảy năm tù.

Cần lưu ý rằng, nếu người tiếp cận tin đồn trên mạng xã hội nhưng không kiểm chứng thông tin mà có các hành vi như: xâm hại tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự của cá nhân, tổ chức… thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng các tội danh như: giết người; cố ý gây thương tích; hủy hoại tài sản… Nếu tung tin đồn do thực hiện theo yêu cầu của người khác mà người đó phạm tội thì người tung tin đồn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm tùy theo hành vi, tính chất, hậu quả của vụ việc.

Trong trường hợp nếu dùng mạng xã hội tuyên truyền thông tin chống phá Nhà nước thì có thể khởi tố về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa XHCN” (điều 88), với mức án cao nhất là 20 năm tù.

Nếu không đủ căn cứ xử lý hình sự, sẽ xử phạt hành chính, cụ thể:

Tại điều 64 Nghị định 174/NĐ/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013: Phạt tiền từ 10.000.000đ đến 20.000.000đ đối với một trong các hành vi: “Tiết lộ bí mật đời tư hoặc bí mật khác khi chưa được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức có liên quan trừ trường hợp pháp luật quy định (điểm b); miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, chém, giết, tai nạn rùng rợn trong các tin, bài, phim, ảnh (điểm d); cung cấp nội dung thông tin mê tín dị đoan, không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam (điểm đ)

Ngoài ra, người nào tung tin đồn thất thiệt xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại theo quy định.

Ths Luật Trần Hoài Nhân
Công ty TNHH Aloyeal (Q.Tân Phú, TP.HCM)


 

Đừng dại “vẽ” kịch bắt cóc

Đầu năm nay, cộng đồng mạng Ấn Độ một phen hoảng hồn khi tài khoản Zain Shaikh nói cháu mình là Musa Arfat Shaik bị bắt cóc. Người này đăng kèm hình ảnh chiếc ô tô và chỉ ra đây là xe của nhóm bắt cóc. Nội dung ấy ngay lập tức được 7.500 lượt người chia sẻ.

Cảnh sát Ấn Độ tiến hành điều tra và Zain Shaikh đóng tài khoản. Danh tính cậu bé Musa Arfat Shaik được xác định không phải là nạn nhân, chỉ là cái tên được bịa ra. Cảnh sát xác định đây là một trong những hành vi gây rối, lan truyền tâm lý hoang mang cho người dân, cần bị xử phạt thích đáng.

Dựng một vụ bắt cóc giả tưởng chừng không nguy hại, nhưng ở nhiều nơi, đây là hành vi phạm tội. Ở bang Bắc Carolina từng có trường hợp chị Elizabeth Hupp, mẹ của bé trai 6 tuổi cùng người dì (Denise Kroutil), bà ngoại đứa bé ấy (Rose Brewer) và một người đàn ông bị tuyên có tội vì đã dàn dựng cảnh bắt cóc ghê rợn.

Vì muốn dạy cho đứa trẻ bài học phải đề phòng người lạ, họ chờ cậu bé ở trường rồi bắt cóc em, thậm chí đe dọa em với khẩu súng ngắn. Thông tin cậu bé bị bắt cóc gây hoang mang dư luận, nhưng sau đó trở thành câu chuyện gây căm phẫn.Theo các nhà tâm lý, việc bị túm lấy, đe dọa bạo lực sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển cả tinh thần lẫn thể chất của đứa trẻ. 

Anh Thông
(Theo Stltoday, India)


Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI