Or Tor Kor, em thích chị rồi đó!

08/04/2018 - 16:04

PNO - Nghĩ suy làm gì? Tính toán làm gì? Trái tim luôn mách bảo những điều tốt đẹp nhất cho ai dám sống trọn vẹn với cảm xúc.

Hoài  gặp chị ngay giữa chợ Or Tor Kor, cái chợ nông sản lớn nhất vùng Đông Bắc Thái Lan. Tóc ngắn ngang vai, đôi mắt to tròn, miệng cười lúng liếng, nước da bánh mật, tựa thể cái nét đẹp vốn dĩ chuẩn mực của con gái nơi này.

Or Tor Kor, em thich chi roi do!
Ảnh minh họa

Giữa chợ, thằng con trai tay kéo va-li, vai đeo ba-lô, tấm bản đồ trên tay, lóng ngóng vụng về, ấp úng lời chào.

- Ngoài đời cậu trẻ hơn trong hình. Chị là Nana. Tiếng Thái có nghĩa là ngọt.

Ơ hay, chị ta nói tiếng Việt sõi thế, liến thoắng ào ào, có phải người Thái đâu. 

- Nè, ngơ ngác gì thế, mẹ chị người gốc Sài Gòn, chị có về bên ấy vài lần, ở khu Bàn Cờ em biết không? Bố chị người Thái chính tông, hồi đó sang Việt Nam làm việc, gặp mẹ chị, ổng thương rồi cưới, rước về bên đây luôn. 

Chị cười duyên, giải thích cho thằng nhỏ từ Việt Nam mới sang, theo chuyến công tác tìm hiểu quy trình sản xuất để nhập một số mặt hàng nông sản đặc biệt của Thái.

Buổi chợ đông đúc, những chuyến xe xuôi ngược khắp vùng chuyển hàng hóa về Or Tor Kor, chị Nana vẫn nhịp nhàng ghi chép, phân loại hàng hóa. Hoài cũng làm quen với công việc như một anh thợ phụ để học cách đánh giá nông sản theo từng loại.

Or Tor Kor, em thich chi roi do!
Ảnh minh họa

Có ngày Hoài theo chị từ sớm tinh mơ xuống nhà vườn xem quy trình chuẩn của việc canh tác nông sản. Chị nhảy chân sáo trên những bờ đất, giọng lảnh lót diễn giải về quy hoạch vùng trồng, cách chăm bón dựa trên thổ nhưỡng, mùa vụ, thời tiết. 

Hoài cẩn thận ghi chép, chốc chốc lại kéo chị về phía sau lưng, che nắng cho chị. Ấy là những lúc vì quá hăng say, chị lại nhảy về phía trước mà chỉ trỏ, rồi nhón tay ngắt khẽ một vài loại trái để minh chứng cho câu nói của mình. 

Trời đổ bóng, dẫu cái nắng tháng này không còn hừng hực, nóng hầm hập nhưng vẫn đủ sức làm khô đôi môi, ran rát cuống họng. Vậy mà chị vẫn cố gắng lấy sức để giải thích cặn kẽ nhiều câu hỏi của Hoài. 

Cuối tuần, Chatuchak nườm nượp người đi mua sắm. Hoài cũng theo chị chen lấn giữa xô bồ người là người, cũng ghé hàng này chọn vài mẫu áo, ghé hàng kia chọn vài mẫu quần, khoảng hai trăm bath Thái một cái là có thể mặc được, thuận tiện hoạt động công việc cho những ngày còn lại ở đây.

- Nhanh, đằng kia có kem ống kìa.

Theo hướng tay chị, giữa khu Tháp Đồng Hồ, vài chiếc xe bên trong đặt những thùng tròn làm bằng inox với những ống tròn đựng kem, hệt như kem ống mà ngày xưa bọn trẻ con tụi Hoài háo hức chạy theo tiếng chuông leng keng của người bán. Giữa đám nhóc lố nhố giành chỗ mua kem, Hoài và chị lọt thỏm trong không gian tuổi thơ đầy ồn ào. 

Or Tor Kor, em thich chi roi do!
Ảnh minh họa

Chọn cho mình băng ghế đá ven một con đường treo đầy dù xanh đỏ tím vàng sặc sỡ, chị thản nhiên mút kem, mặc thiên hạ ngoài kia rần rần ngược xuôi mua sắm. Bàn chân đong đưa, mắt cười him híp, vẫn là cô gái vô tư trong ánh nhìn của Hoài.

Ngoài kia, cuối tuần náo nhiệt. Ở đây, một người nhìn, một người cười, nghe niềm vui reo lên trong lòng.

Buổi chợ cuối cùng của Hoài ở Or Tor Kor, ông Su-na-thep gói ghém thùng hàng mẫu cho Hoài, không quên gửi lời chia tay, hẹn những chuyến hàng chất lượng, giữ mối liên hệ giao thương của đôi bên. Hoài không quên cái ơn dìu dắt và giúp đỡ của người đàn ông luôn nặng tình hai chữ Việt Nam trong lòng này.

Dì Mai, người phụ nữ Việt theo chồng qua xứ người, cứ chắc lưỡi tiếc nuối: nhanh quá con ơi, mới ngày nào còn chân ướt chân ráo lang thang theo con Nana khắp chợ, nay đã gần như quen hết mọi người. Về rồi có dịp lại sang đây nha con. Bạn hàng chợ, người ta sống nghĩa tình lắm. Dù sau này mình có hợp tác hay không thì Or Tor Kor cũng luôn luôn chào đón thằng nhóc người Việt hiền lành này đó nha.

Chiều Kamphaeng phet buồn hiu hắt, nắng tắt rồi, mây chầm chậm trôi. Một buổi chiều miên viễn đầy cô liêu mà lần đầu tiên Hoài cảm nhận rõ nét. Một buổi chiều mà đường về chỉ mình Hoài gõ nhịp chân bước. 

Bỗng thèm quay quắt cái nhịp chân sáo của cô gái mang tên Ngọt Ngào mỗi bận đi về chung lối trên con đường chợ gồ ghề. Chẳng biết ngày nay chị ấy lên Bangkok làm gì. Chẳng một tin nhắn, chẳng một cuộc điện thoại. Bất giác Hoài đảo chân mình, quay về trạm metro. Xuống hầm, chọn cửa số ba, Hoài ngược về nơi mình ra đi mà cảm thấy chông chênh.   

Quảng trường Siam đón Hoài bằng những cụm mây chiều trầm mặc, trời dần chuyển nhá nhem tối. Giữa mênh mông nhiều ngã rẽ về các khu trung tâm, Hoài biết đi đâu? Mơ hồ quá đỗi. Vẫn biết cái khắc giây Hoài quyết định lên Bangkok là gần như chắc chắn sẽ vô phương để tìm một người. 

Hoài tìm gì giữa lạ xa biết bao gương mặt người qua. Hoài mong chờ gặp người ta để làm gì? Giá mà ngay lúc này, Hoài trả lời rõ ràng được mọi câu hỏi trong đầu thì hay biết mấy. Hoài lấy chiếc điện thoại ra, quẹt ngang màn hình, tự dưng trong lòng hy vọng giữa những bước chân rong ruổi nãy giờ, đã để nhỡ một cuộc điện thoại nào đấy.

Hoài dạt từ Paragon sang MBK Center mênh mông là người. Giữa vô định kiếm tìm, Hoài thấy mình rã rời. Hoài không tin vào định mệnh, càng nghĩ làm gì có duyên số. Nhưng Hoài cũng cố chấp, dù biết sự cố chấp ấy luôn kéo theo một kết cuộc cay đắng.

Xuôi Sukhumvit, giữa giao lộ của ga Chit lom, bất giác Hoài reo lên, từ trong tuyệt vọng thấy đời mình nở đóa hoa duyên. 

- Nana

Hoài vụt chạy đến, bằng tất cả sức lực còn sót lại sau cả buổi trời lang thang.

- Nè, tui tìm cô mệt sắp đứt hơi, tui gọi muốn cháy điện thoại, sao cô không nghe?

- Ơ thế à! Chị xin lỗi nhé, tại nãy giờ lo bán hàng, đông quá, có để ý đến cái điện thoại đâu.

Có ai đã từng như Hoài chưa? Vừa tức muốn chết đứng tại chỗ, lại mừng như mình bắt được một món quà như ý. Mà có chứ sao không? Hỏi thử khắp cõi nhân gian này, những ai từng thương nhớ mông lung và kiếm tìm tha thiết, ắt hẳn đã một lần như Hoài hôm nay.

Hơn mười giờ tối, Nana thu dọn hàng hóa. 

- Sao hôm nay chị lại ra đây bán? 

- Chị làm giúp cô bạn Na-tha-pong, nhà cô ấy đầu đường chỗ cái quán bán tom-yum bên tay phải chợ đó. Cô ấy đang bán thì chồng nhập viện. Chị chạy lên đưa ít tiền cho cô ấy mượn đỡ. Tự dưng thấy tiếc một ngày bán, nên đứng bán giúp. Coi như mình kiếm thu nhập cho cô ấy lúc ngặt nghèo này. 

Or Tor Kor, em thich chi roi do!
Ảnh minh họa

Tàu ngừng trạm cuối, vài hành khách còn sót lại chặng đường dài rời cửa, ra cổng số ba, nặng nhọc leo những bậc thang lên mặt đường. Đêm thẫm đen, đường phố vắng lưa thưa, vài ánh đèn đường vàng hắt in bóng hai người song song nhịp bước. 

- Tui về rồi, Nana có nhớ tui không?

Hoài hỏi, mà tim cứ thình thịch, chẳng chịu nằm yên.

- Thì cũng nhớ…

- Nhớ nhiều hông?

- Nhiều lắm!

Lẫn trong tiếng gió là tiếng thở dài bất chợt của cô gái. Nghĩ suy làm gì? Tính toán làm gì? Trái tim luôn mách bảo những điều tốt đẹp nhất cho ai dám sống trọn vẹn với cảm xúc. Hoài đưa tay khẽ nắm tay Nana.

- Nhớ nhiều bằng Hoài nhớ Nana không?

Đêm ngập ngừng. Không gian đặc sệt những rung động. Đã thôi không còn tiếng chân lào xào trên con đường gồ ghề quen thuộc. Cả hai đứng lặng trước cổng chợ. Nana ngước mắt nhìn Hoài. Cặp mắt to tròn, lúng liếng bỗng chốc ngoan hiền đến lạ. 
- Là… là… là sao?

Hoài vẫn nắm chặt tay cô gái. Lấy hết can đảm, hít một hơi thật sâu.

- Or Tor Kor ơi! Em thích chị rồi đó! Rất, rất thích!

Âm thanh kéo dài, vang rền cả phố. 

 Trúc Thiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI