Những người mẹ Hàn Quốc kiệt sức

02/03/2017 - 06:30

PNO - Kết quả khảo sát 3.000 doanh nghiệp năm 2016 của Hàn Quốc cho thấy, chỉ có 1/3 nhân viên nữ quay lại làm việc sau khi nghỉ thai sản.

Làm việc 12 giờ/ngày, cuối tuần vẫn phải có mặt ở nơi làm việc từ 5 giờ sáng, cuối cùng là kiệt sức, đột quỵ - kết cục đắng ngắt của người mẹ 34 tuổi ở Hàn Quốc đã khiến mọi người bàng hoàng.

Vừa đi làm vừa chăm con là thử thách không đơn giản đối với các bà mẹ và cái chết chính là điểm kết thúc của những áp lực vượt quá sức chịu đựng của con người.

Sau kỳ nghỉ thai sản, người mẹ 34 tuổi, có ba con đó đã trở lại với guồng quay công việc trung bình 12 giờ/ngày. Để giữ được vị trí công việc, cạnh tranh với các đồng nghiệp còn độc thân, người mẹ này phải nỗ lực hết mình, chứng minh hiệu suất làm việc của mình không hề bị ảnh hưởng vì con cái. Thứ Bảy chị vẫn có mặt đúng giờ như ngày thường, làm suốt ngày không hết việc, nên Chủ nhật chị phải vào từ 5 giờ sáng, cố làm cho hết việc. Vì quá căng thẳng, chị đột quỵ và không tỉnh lại nữa.

Nhung nguoi me Han Quoc kiet suc
Chị Kim Yu Mi hiếm có thời gian cùng ăn tối với con. Ảnh: AFP

Sự việc tuy gây chấn động dư luận nhưng những gì người phụ nữ này chịu đựng lại là chuyện thường ngày với không ít phụ nữ. Trường hợp của chị đã làm dấy lên những câu hỏi về những luật định để bảo vệ người lao động có con nhỏ, những quy định về làm việc ngoài giờ, làm việc ngày cuối tuần… Chị Kim Yu Mi (37 tuổi), kỹ sư công nghệ thông tin, đã có hai con gái, chia sẻ: “Tôi nhìn thấy mình trong câu chuyện của chị ấy.

Áp lực khủng khiếp khi phải từng ngày cân bằng giữa công việc và con cái đã giết chết những người mẹ đang đi làm”. Chị Kim tự cho là mình may mắn vì được sếp thông cảm, chờ chị nghỉ thai sản quay lại mà không thuê người khác thay thế. Theo chị, hầu hết các sếp khi nghe nhân viên nữ báo chuẩn bị nghỉ thai sản đều lạnh lùng: “Về nhà và nghỉ việc luôn đi!”. Đáp lại, vừa hết thời gian nghỉ thai sản là chị Kim hòa nhập ngay với guồng lao động của mọi người, không ngày nào về đến nhà trước 9 giờ tối. Chị ngậm ngùi: “Ngồi chơi với con, ăn tối với con là ước mơ xa xỉ mà tôi chẳng thể thực hiện được”.

Kết quả khảo sát 3.000 doanh nghiệp năm 2016 của Hàn Quốc cho thấy, chỉ có 1/3 nhân viên nữ quay lại làm việc sau khi nghỉ thai sản. Nguyên nhân là thiếu nhà trẻ để họ có thể yên tâm gửi con. Tính theo khu vực, tình trạng thiếu nhà trẻ ở thủ đô Seoul là nghiêm trọng nhất, kế đến là các thành phố Busan và Incheon, đến mức phụ huynh ở những khu vực trên phải cạnh tranh với “tỷ lệ chọi” 1-10 khi tranh một suất cho con ở nhà trẻ công.

Năm 2016, Hàn Quốc có 1,4 triệu trẻ đến tuổi đi nhà trẻ nhưng các nhà trẻ công chỉ tiếp nhận được hơn 4.500 trẻ. Những người mẹ dù muốn quay lại với công việc nhưng cũng đành ở nhà vì lực bất tòng tâm. Thông thường, những phụ nữ phải tạm dừng làm việc vì kết hôn hay sinh nở mất khoảng 8,4 năm mới có thể tìm lại được công việc tại một công ty khác. Tuy nhiên, dù có xin được việc mới, mức lương bình quân hàng tháng của phụ nữ cũng bị giảm khoảng 233 USD so với mức lương nhận được trước khi nghỉ việc. Vì thế, những người mẹ sinh con quay lại được với công việc phải chịu áp lực rất lớn trong việc chạy đua với đồng nghiệp, nếu không muốn bị sa thải.

Hơn một thập niên trở lại đây, chính quyền Hàn Quốc đã nhận ra xu hướng ngại sinh con của phụ nữ nước này, vì họ không cân bằng được giữa công việc và việc làm mẹ. Năm 2006, chính quyền đã “bơm” gói hỗ trợ đến 88 tỷ USD vào hàng trăm chương trình khuyến khích người trẻ kết hôn, sinh con nhưng vẫn không đạt được mục tiêu mong muốn. Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB), tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất thế giới là 1,2, trong khi tỷ lệ trung bình toàn cầu là 2,4. Sợ gián đoạn công việc, cộng với áp lực phải chu toàn gia đình khiến nhiều phụ nữ Hàn Quốc chọn cách kéo dài tuổi kết hôn, thậm chí không kết hôn. Hiện tượng này ngày càng phổ biến đã dẫn đến tỷ lệ sinh cứ thấp dần.

Theo thống kê từ Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc là đất nước có thời lượng làm việc trung bình trong năm của người dân cao thứ hai thế giới, đến 2.113 giờ/năm. Số giờ làm việc trung bình ở các nước thuộc tổ chức OECD chỉ là 1.766 giờ. Số ngày làm việc một năm của lao động Hàn Quốc cũng nhiều hơn bình quân các nước OECD 43 ngày (tính theo mức mỗi ngày làm tám giờ).

Nếu trung bình mỗi tháng làm việc 22 ngày thì người Hàn Quốc làm việc nhiều hơn các nước thuộc tổ chức trên gần hai tháng. Tháng 10/2016, báo chí Hàn Quốc đăng tải một câu chuyện thương tâm về một người đàn ông qua đời vì bị kẹt giữa cửa tàu điện ngầm và cửa an toàn tại ga Gimpo. Vì sợ lỡ chuyến tàu, hành khách này đã cố mở cửa nhưng không được. Lời cuối cùng ông ta nhờ mọi người nhắn lại là: “Tôi phải gọi điện cho công ty báo đến muộn”.

Nhung nguoi me Han Quoc kiet suc
Con trẻ luôn cần sự quan tâm của cha mẹ. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ở những gia đình vợ chồng cùng đi làm, trung bình mỗi người chồng chỉ dành 40 phút cho việc nhà, còn người vợ phải đến ba giờ, trong khi quỹ thời gian và áp lực công việc của cả hai tương đương. Áp lực công việc đối với phụ nữ càng thêm nặng nề khi họ phải cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Giáo sư Lee Na-Young, chuyên ngành xã hội học thuộc ĐH Chung-Ang ở Seoul nhận định: “Phụ nữ phải tỏ ra hiện đại, chuyên nghiệp và bình đẳng với nam giới trong việc chịu đựng áp lực ở môi trường công sở, nhưng khi về nhà họ lại phải vào vai người phụ nữ truyền thống, phục vụ chồng con. Áp lực như thế thì những người mẹ kiệt sức đến chết là điều không thể tránh khỏi”. Trong một bài xã luận, tờ báo Dong-A Ilbo nhận định: “Phụ nữ đâu chỉ có nhiệm vụ sinh con mà họ cần nhận được sự quan tâm của xã hội, các doanh nghiệp và chính từ những người thân thiết nhất của mình. Sinh con không chỉ vì nhiệm vụ tăng tỷ lệ sinh, tạo ra dân số trẻ mà những người mẹ cần khoảng thời gian chất lượng thực hiện thiên chức của mình. Đây mới là cốt lõi vấn đề và nhiệm vụ tăng tỷ lệ sinh không chỉ ở hình thức và những con số”.

Thiên Thư

 (Theo )

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI