Những bà mẹ nghèo đơn thân của nước Nhật giàu có

05/03/2017 - 17:03

PNO - Theo các cơ quan phúc lợi Nhật Bản, chỉ 20% phụ nữ đơn thân nhận được trợ cấp nuôi con từ chồng; còn lại đều tự gồng gánh.

16% trẻ em ở Nhật đang sống dưới chuẩn nghèo, nghĩa là, cứ sáu trẻ thì có một trẻ thiếu thốn vật chất. Tỷ lệ này đã khiến không ít người bất ngờ vì Nhật Bản vốn là quốc gia phát triển, có những chuẩn mực khắt khe trong việc đảm bảo điều kiện phát triển của trẻ em. Nguyên nhân của tình trạng trên đến từ thực tế số bố mẹ độc thân ngày càng tăng, bản thân họ không kham nổi việc nuôi con trong tình trạng kinh tế gia đình bấp bênh.

Tổ chức phi chính phủ Kids’ Door, do cô Yumiko Watanabe đứng đầu, là một trong những cánh cửa mở rộng cho trẻ em Nhật đang sống chỉ với bố hoặc mẹ nương nhờ. Sau giờ học, khi các bạn bè có đủ cha mẹ trở về nhà thì những đứa trẻ này đến Kids’ Doorở tạm, chờ bố mẹ tan ca.

Nhung ba me ngheo don than cua nuoc Nhat giau co
Một nhóm trẻ được hỗ trợ ăn uống tại trung tâm Waku Waku. Ảnh: Japan Times

Một tổ chức khác là Waku Waku còn có các lớp bổ túc sau giờ học ở trường cho trẻ, các chương trình sinh hoạt và cung cấp cả bữa ăn chiều để giúp trẻ có cảm giác mình đang được bảo bọc trong một mái ấm. Đối tượng của tổ chức này cũng là những trẻ chỉ sống với bố hoặc mẹ (phần lớn là mẹ), chỉ gặp được người thân khi trời tờ mờ tối, là thời điểm tan ca công việc thứ hai của người lao động.

Nhật Bản hiện có 55% trẻ sống với bố hoặc mẹ đơn thân; trong đó số trẻ chỉ sống với mẹ là 1,24 triệu em, gấp sáu lần số trẻ chỉ sống với bố. Đáng nói là những đứa trẻ sống với mẹ đơn thân không có nhiều điều kiện bằng trẻ chỉ sống với bố. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đặt ra mục tiêu phải có ít nhất 30% phụ nữ giữ vai trò quản lý ở các lĩnh vực, trong bối cảnh thiếu hụt lao động do dân số già và ngày càng giảm của Nhật.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có đủ những chính sách đi kèm để hiện thực hóa mục tiêu trên. Thu nhập trung bình của nữ giới vẫn đang thấp hơn nam giới 30% - nguyên nhân khiến những người mẹ đơn thân thiệt thòi về kinh tế hơn những ông bố đơn thân. Cũng tại Nhật, 81% phụ nữ trong độ tuổi lao động có việc làm nhưng chỉ 39% số này là có việc làm thường xuyên, có phúc lợi và cơ hội thăng tiến.

Theo các cơ quan phúc lợi Nhật Bản, chỉ 20% phụ nữ sau ly hôn nhận được trợ cấp nuôi con từ chồng; còn lại đều tự gồng gánh. Theo chuyên viên tư vấn luật Izumi Nishio, Công ty luật Tokyo Bright, phần lớn phụ nữ đã không được tư vấn pháp lý phù hợp sau ly hôn nên không yêu cầu được sự trợ cấp từ người cha của con mình. Với 130.000 bà mẹ đơn thân có con mà không kết hôn, muốn nhận trợ cấp từ người cha đứa trẻ, họ phải thuyết phục người đó chịu nhận con.

Nếu người cha không hợp tác thì đành chịu. Noriko (37 tuổi), bà mẹ đơn thân đang nuôi con gái 10 tuổi tâm sự: “Tôi phải đối diện với một cuộc chiến hàng tháng. Con gái lớn lên, nhu cầu mua sắm cho con cũng nhiều hơn, lúc đôi giày, lúc là bộ quần áo hay dụng cụ học tập. Mọi khoản chi đều phải cân nhắc kỹ lưỡng”. Noriko không có công việc ổn định, sống qua ngày nhờ công việc thời vụ nhận làm văn bản và chăm sóc người già trong xóm khi họ cần. Nhiều năm trước, sau khi ly hôn, Noriko phải quay trở lại công việc. Chị nhận định, dù xã hội ngày càng đề cao vai trò độc lập của phụ nữ nhưng nuôi con một mình vẫn là việc vô cùng chật vật.

Giáo sư kinh tế Machiko Osawa, Viện Nghiên cứu phụ nữ và việc làm của ĐH Phụ nữ Nhật Bản cho rằng, bình đẳng giới ở Nhật vẫn còn nhiều rào cản. Chăm sóc con cái vẫn được xem là trách nhiệm riêng của phụ nữ. Vì thiếu hụt dịch vụ chăm sóc trẻ em giá phải chăng nên hơn 60% phụ nữ Nhật phải nghỉ việc khi có con. Gián đoạn công việc một thời gian dài nên khi đi làm trở lại, họ khó kiếm được công việc như mong muốn, thậm chí một công việc toàn thời gian cũng không dễ.

Giáo sư Aya Abe, ĐH Tokyo Metropolitan, chuyên nghiên cứu về vấn đề nghèo khó cho biết, để cải thiện tình trạng trên chỉ có hai cách: tăng phúc lợi xã hội cho người mẹ đơn thân nuôi con và giảm gánh nặng học phí. Mức đầu tư cho giáo dục công khá thấp, chỉ khoảng 3,5% GDP khiến những phụ huynh một mình nuôi con, phần lớn là phụ nữ, vô cùng chật vật. Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi khiến các bà mẹ đơn thân mất ưu thế là thiếu bình đẳng giới. Chỉ khi nào tất cả các vấn đề trên cùng được khắc phục, nỗi khổ của việc làm mẹ đơn thân của nữ giới Nhật mới vơi bớt được.

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI