Người thân như ngọn hải đăng để người đàn ông biết đường tìm về bến đỗ

30/07/2017 - 13:59

PNO - Thực tế, từng có không ít chủ tàu bị lao động lật đổ, ném xác xuống biển. Cảnh sát cũng bó tay, vì không có chứng cứ.

Cậu lái xe ở Cửa Lò (Nghệ An) tên Huyến, cao to, vạm vỡ, da bánh mật, giọng trầm trầm mạnh mẽ, đúng chất trai miền biển. Đi taxi của cậu vài lần thành quen, chúng tôi chuyện trò rất cởi mở. Hôm ấy, xe đi dọc cửa sông Lam, nơi sông hòa vào biển, Huyến chợt nói, ngã ba này nguy hiểm lắm vì tiếp giáp giữa cửa sông và biển, có những dòng chảy và xoáy ngầm, người không biết dễ bị hút vào mà chết đuối.

Tôi nói, cậu là dân biển chắc bơi giỏi? Huyến nói tỉnh bơ, em có thể nổi trên biển khoảng 4km, tôi nghe có cảm giác cậu hơi xạo. Thanh niên vùng này chắc toàn đi biển? Ít lắm, đến hơn 80% là ra nước ngoài lao động: “Em cũng đã sang Hàn Quốc làm việc trên tàu cá hơn hai năm trời”.

Nguoi than nhu ngon hai dang de nguoi dan ong biet duong tim ve ben do
 

Tàu đánh cá của Hàn Quốc là loại to, trên tàu phải đến vài chục người. Tàu Huyến làm có hơn 40 lao động, cả người Việt, Trung Quốc và Indonesia; chuyên đánh bắt cá vùng biển lạnh như Achentina, Ecuado hay Nga. Những nơi đó nhiệt độ luôn âm, ấm lắm thì cũng chỉ 7-8 độ, sóng biển cao vài mét, bão tuyết thường xuyên.

Nhiều lúc đang ngủ trên giường, sóng đánh nẩy người lên va cả vào khung giường tầng. Tàu phải chạy ngoài hải phận quốc tế, đi qua lãnh hải quốc gia nào thì phải xin phép và kéo cờ của nước đó; đến vùng biển được phép đánh cá mới thả lưới. Thả lưới, kéo lưới đã có máy móc. Người làm việc trên boong phải thật chú ý không để bị rơi xuống biển khi tàu lắc lư. Rơi xuống là lập tức bị những con sóng cao vài mét kéo ra xa tàu, gặp đêm tối, đồng đội không biết để quăng phao kéo lại thì mười phần là chết mất xác. Tàu có phát hiện ra quay lại tìm cũng đã muộn.

Vào những vụ cá, công việc rất căng thẳng, nặng nhọc. Mùa cá chỉ độ một tháng nên mỗi người phải làm suốt 24 tiếng liên tục mới được nghỉ 6 tiếng để tắm giặt, ăn ngủ, rồi làm tiếp 24 tiếng. Chủ tàu của Huyến tên Jong Han Sick, có thuê một tên cai người Trung Quốc giám sát công việc của lao động trên tàu. Thấy ai làm không vừa ý là hắn đánh ngay, bằng bất cứ thứ gì vớ được trên boong. Tên này tất nhiên là một tên giang hồ có số má, to lừng lững như con gấu, người ngợm xăm trổ.

Nhưng những lao động trên biển cũng chẳng phải tay vừa. Giữa biển khơi vô pháp luật, nếu chủ tàu không đủ bản lĩnh, sức mạnh và cả sự tàn nhẫn thì cũng sẽ bị hiếp đáp, lấn lướt, có khi mất mạng. Thực tế, từng có không ít chủ tàu bị lao động lật đổ, ném xác xuống biển. Cảnh sát cũng bó tay, vì không có chứng cứ. Các lao động trên tàu đồng lòng khai là tự nhiên không thấy chủ tàu đâu nữa là xong, trừ khi sự việc được camera trên tàu ghi lại. 

Tôi hỏi: “Đi nhiều trên biển có bao giờ em gặp cướp biển, có đánh nhau trên tàu chưa?”. Huyến kể: “Em chưa bao giờ gặp cướp biển vì thường đánh bắt vùng biển lạnh. Cướp biển chủ yếu chỉ xuất hiện ở vùng biển Somali. Xích mích thì không tránh khỏi nhưng em chưa bao giờ phải ẩu đả đến đổ máu. Có một vụ đến chết em cũng không quên là lúc ở vùng biển Ecuado, tàu vào cảng để xuống hàng, bơm dầu, bổ sung lương thực, nước ngọt.

Mỗi lần vào bờ như vậy, chủ tàu lại cho sửa chữa, sơn lại những vết rỉ trên thân tàu. Có một cậu người Trung Quốc được giao nhiệm vụ đánh rỉ để sơn. Cái máy đánh rỉ hàng Nhật nội địa 110V nhưng cậu ta cắm nhầm điện 220V, máy bị cháy, khét mù. Tên cai chạy ngay lại, đá vào ngực khiến cậu ta bật ngửa, rồi túm cổ áo cậu ta lên gối liên tục. Hắn buông tay ra thì cậu lao động đã gục hẳn. Cậu lao động và tên cai đều là người Trung Quốc, cùng quê hương mà còn nỡ xử nhau dã man như vậy.

Nguoi than nhu ngon hai dang de nguoi dan ong biet duong tim ve ben do
 

Cậu bé bò dậy, ra nhà bếp phía sau tàu, thủ con dao chọc tiết sắc lẹm trong áo, lặng lẽ đứng chờ ở cầu thang từ boong xuống phòng nghỉ. Khi tên cai từ trên boong tàu xuống cầu thang, cậu lao đến lấy hết sức bình sinh thọc con dao vào bụng tên cai. Tên cai hộc lên, ôm bụng quay đầu chạy lên boong. Cậu bé đuổi theo, cứ nhằm cổ tên cai mà chém. Tên cai gục xuống, tắt thở. Cả tàu chạy đến thì đã quá muộn.

Quay lại tìm cậu thợ thì cũng chẳng thấy đâu. Mọi người ùa đến đuôi tàu tìm, thì thấy cậu ta đã nhảy xuống biển. Phao cứu hộ được ném xuống. Ban đầu cậu ta không thèm bám phao, cứ bơi ra xa; đến khi đã mệt, bản năng sinh tồn đã buộc cậu ta phải túm lấy phao và được kéo lên boong. May mà tàu đang vào cảng, sóng trong vịnh không to lắm”. Theo luật, án mạng xảy ra trong lãnh hải Ecuado, nên cậu thợ sẽ bị xử theo luật Ecuado; sau đó có thể được trao trả cho Trung Quốc”. 

Huyến chia sẻ, sau vụ đó cậu sợ quá, quyết định về nước. Rồi Huyến lại nghe ai đó giới thiệu, làm thủ tục sang Anh, bảo để một là trồng “cỏ” (thuốc phiện) nhưng không thành. Huyến nói, làm “cỏ” tháng đầu cũng được 400 triệu đồng, tháng sau trung bình 500 triệu đồng. Nếu không làm “cỏ” thì sẽ đi làm nail. Tôi tròn mắt nhìn Huyến, hình dung cảnh cái thân hình hộ pháp của cậu ngồi tỉ mẩn làm móng chân cho người khác.

Trồng “cỏ” không sợ bị cảnh sát bắt đi tù sao? Huyến bảo, lúc ấy bấn loạn vì tiền, nên chấp nhận thôi anh... Hỏi chuyện vợ con, Huyến kể, sau khi về nước thì cậu vào Nam ra Bắc làm đủ nghề. Cuối cùng là về quê cưới vợ, sinh liền hai con, một trai một gái, mua cái xe chở khách du lịch. Vậy còn nuôi ý định đi Hàn Quốc làm tàu cá hay sang Anh làm nail, thậm chí trồng “cỏ” nữa không? Huyến cười bảo, giờ đã có vợ con rồi nên không dám phiêu lưu nữa. Một thân một mình thì vì mưu sinh làm gì cũng chẳng sợ, nhưng giờ làm gì cũng phải nghĩ đến những người phía sau mình. 

Tôi tin Huyến thật lòng, dù trong mắt cậu, tôi vẫn thấy thấp thoáng những ước vọng xa xôi. Vì những người thân yêu, Huyến đã chấp nhận gạt bỏ khao khát tiền bạc, danh vọng nơi chân trời góc bể. Những người thân yêu mãi như ngọn hải đăng, để cuối cùng, người đàn ông biết đường tìm về bến đỗ.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI