Người thân nằm bệnh, một trời yêu thương: Và cuộc sống cứ giản dị trôi đi...

30/09/2017 - 14:30

PNO - Sinh - lão - bệnh - tử là quy luật muôn đời. Nhưng ở những gia đình mà bất hạnh tới sớm hơn, dồn dập hơn, người thân của nạn nhân phải chọn cách đối mặt với khó khăn bằng niềm tin, tình yêu thương và trách nhiệm.

Cuộc sống trôi đi trên dòng thời gian u buồn ấy, lại giản dị và nhẹ nhàng vô cùng. Ở đó, chỉ cần một nụ cười của mẹ, hay một câu nói trệu trạo “có thể nghe được” của cha, cũng có thể réo rắt niềm vui. Niềm vui của cuộc sống này chưa bao giờ tối giản đến thế...

Nguoi than nam benh, mot troi yeu thuong: Và cuoc song cú giản dị troi di...
 

Một buổi chiều năm 1998, giữa hàng chục cuộc gọi công việc, chị nghe tiếng cô lễ tân của công ty khẩn khoản từ chiếc điện thoại trên bàn làm việc: “Ba chị bị tai biến ở Đà Nẵng!”. Hai ngày sau, sấp ngửa vào bệnh viện đa khoa Đà Nẵng tìm ba sau chuyến tàu dài, chị lần đầu hiểu về khái niệm “bị tai biến”.

Người cha khỏe mạnh, tài hoa mà chị mới tạm biệt lúc rời Huế đi cách đó vài tháng giờ nằm mê man trong những chẩn đoán xa lạ: tổn thương não, hôn mê sâu, kèm theo chứng tiểu đường, viêm tiền liệt tuyến, hen suyễn đã mắc từ trước, khả năng phục hồi thấp. 

Dấu hiệu duy nhất của sự sống nơi ông là hơi thở mệt nhọc thỉnh thoảng lại như đứt quãng. Nhà chỉ có hai cô con gái. Người mẹ từ Huế vào cũng bỡ ngỡ đường sá. Là chị cả ở tuổi 24, vừa ra trường đi làm được 6 tháng, chị trở thành trụ cột.

Ba tháng trời ở Đà Nẵng, gần hai tháng chuyển về bệnh viện ở Huế với hàng trăm lần “thập tử nhất sinh”, ba chị xuất viện trong tình trạng “liệt nửa người, trí nhớ phục hồi”. Chị cũng như trở thành một con người khác.

Nguoi than nam benh, mot troi yeu thuong: Và cuoc song cú giản dị troi di...
 

 Đợt “về chăm ba bệnh” kéo dài suốt 5 tháng trời. Những ngày đó, hơi thở của ba là “manh mối” duy nhất với đứa con gái ngày đêm chăm bệnh. Mà, manh mối mong manh, một lần sặc đàm hay lên cơn hen cũng có thể làm vụt tắt giữa chừng. Ba lại hay bị sốc thuốc.

Thỉnh thoảng, tấm thân bất động như co rút, lạnh toát. Toàn thân ông rúm ró như sắp ngưng thở. Mỗi ngày trôi qua là một bài học về cách xử trí trong những “tình huống khẩn cấp”. Mà, “khẩn cấp” triền miên. Có nhiều lúc, phát hiện ba sốc thuốc, giữa tiếng chạy rầm rập, giục giã của nhân viên y tế, chị cuống cuồng lấy chiếc khăn tay, rồi cứ thế tưới nước sôi vào tay để làm ướt khăn. Đến khi kịp cứu được mạng ông, thì tay chị cũng phồng đỏ lên vì bỏng.

Ba chị xuất viện về nhà trong tình trạng liệt nửa người, và cần được theo dõi 24/24 để cấp cứu khi cần thiết. Lúc ấy, cảnh nhà cô quạnh, chị quyết định từ bỏ công việc ở TP.HCM, chuyển về Huế. Người chồng mới cưới cũng được chị thuyết phục trở về lập nghiệp ở Huế để chị tiện chăm sóc ba. Đứa con gái vốn ít gần gũi, chia sẻ lại bắt đầu gắn bó cuộc đời với từng ngày sống lay lắt của người cha già yếu.

Những năm tiếp theo triền miên bao đêm trắng. Ban ngày đi làm ở Sở Ngoại vụ Huế, ban đêm, chị lại nằm cạnh, chỉ cần ba khẽ đập tay là lại vùng dậy, tất tả chăm nom. Ngày chị sinh đứa con đầu, phòng của ba trở thành phòng “ở cữ”. Khung cảnh mỗi đêm vẫn như cũ, có điều, bên cạnh chị lại có thêm chiếc nôi của con, và những giờ tất tả đêm hôm lại nhân đôi với bao lần cho bú, thay tã cho con.

Nguoi than nam benh, mot troi yeu thuong: Và cuoc song cú giản dị troi di...
 

Sức khỏe của ba dần ổn định sau năm năm trời, chị quyết định cùng chồng vào lại TP.HCM. Từ Sài Gòn, trong những cuộc điện thoại hỏi thăm, hướng dẫn chăm sóc ba từ xa, chị phát hiện mẹ có nhiều biểu hiện “nhớ nhớ quên quên” rất kỳ lạ. Chứng mất ngủ kinh niên từ những đêm trắng chăm chồng, phải liên tục vỗ giấc bằng thuốc ngủ hoặc rượu đã khiến bà mắc chứng Alzheimer.

Tình trạng mỗi lúc một tệ. Chị vội đưa ba mẹ vào TP.HCM, xoay tiền mua một căn hộ ngay bên cạnh nhà mình, làm một cánh cửa thông giữa hai căn, bắt đầu những ngày tháng chung sống với hai căn bệnh đáng sợ nhất của tuổi già.

Người mẹ “mỗi ngày lại trẻ thơ đi một ít”. Bà dần chậm chạp, đờ đẫn, không biết nói, và hầu như quên mọi thứ. Mỗi ngày, trở về từ chỗ làm, mở cánh cửa căn hộ ra, chị lại hỏi dồn: “Ông ngoại uống thuốc chưa? Hôm nay bà ngoại vui không?”. Rồi không đợi người giúp việc trả lời, chị đã sấp ngửa chạy đi lo thuốc thang cho ba, rồi bày trò nói chuyện với mẹ. 

Vài tháng trở lại đây, người mẹ bước vào năm thứ 7 của căn bệnh Alzheimer, mọi biểu hiện bệnh đều trở nên nghiêm trọng. Ban ngày thẫn thờ không nói cười, đến đêm, bà lại một mình xé toang miếng tã, hoặc tự đi vệ sinh rồi bôi khắp phòng. Mỗi lần thức dậy sau cơn ngủ thiếp đi, chị lại đối diện với một “khung cảnh mới” do mẹ bày ra trong cơn đãng trí.

Nguoi than nam benh, mot troi yeu thuong: Và cuoc song cú giản dị troi di...
 

Dọn xong mớ “chiến lợi phẩm” mỗi ngày một mới của mẹ, giữa lúc người giúp việc vẫn chưa hết bàng hoàng, chị đã bình thản đi chuẩn bị dụng cụ, dạy mẹ chơi ném - bắt bong và tập hát bài Kachiusa.

Những cực nhọc cứ chất chồng thêm mỗi ngày với những nỗi sợ hãi làm kiệt quệ tinh thần. Sau lần về thăm Huế vào cuối năm 2015, cơn sốc nhiệt độ làm ba trở bệnh viêm phổi nặng, sốt cao liên tục 6 ngày liền, phải dùng đến một loại kháng sinh cực mạnh. Lần ấy, bác sĩ đã dăm lần bóng gió về “tình huống xấu nhất”.

Họ hàng ở Huế đều chuẩn bị tinh thần. Chị cùng chồng lên nghĩa trang, lặng lẽ mua cho ba một ô đất nhỏ. Sau 20 năm đối diện đến ngàn lần “suýt chết” của ba, lần ấy, chị vẫn bàng hoàng như vừa bị giáng xuống một nỗi đau mới:

“Sáng nay trời Huế mùa thu, hai vợ chồng mình chở nhau lên nghĩa trang phía Bắc thành phố nơi chú Phan mới mua mấy phần đất hôm qua phòng trường hợp xấu nhất. Những con đường làng Long Hồ, Ngọc Hồ, Hương Hồ, những cánh đồng lúa vàng trải dài hai bên thanh bình lạ. Mưa thu lắc rắc, Huế đẹp đến nao lòng, lại chợt nghĩ về ba, lòng chùng lại, cắt đứt những nôn nao mỗi lần được đi trong đất trời Huế mùa diu diu”.

Rồi chị cũng vượt qua lần ấy. Ba chị hết sốt, lập tức được chuyển vào TP.HCM khi sức khỏe dần ổn định. Nhưng, những ngày “chết đi sống lại” ấy lại để lại cho ông cái di chứng loạn thần tai ác. Mỗi lần lên cơn, ông trở thành một người khác, liên tục mắng chửi, từ chối mọi sự chăm nom.

Những cơn loạn thần của ba xen kẽ những biểu hiện kỳ lạ trong cơn Alzheimer của mẹ như những thử thách mới trong công cuộc chiến đấu với bệnh tật của chị. Sau hết thảy những trò đùa sinh tử, mỗi lần bị ba chì chiết trong vô thức, hay mỗi lúc đối diện với người mẹ ngẩn ngơ, thất thần dưới sảnh chung cư, chị lại bàng hoàng bật khóc. 

Trang facebook cá nhân của chị tràn ngập những chia sẻ suốt hành trình gắn bó với tuổi già đau đớn của ba mẹ. Sợ hãi, lo lắng, hy vọng, tuyệt vọng nối tiếp nhau từng giờ trong cuộc chiến với bệnh tật của ông bà.

Và chuyện chỉ có vậy - với những lần ông sặc thức ăn, sốt cao, lắp - tháo máy thở, hoặc những khi bà ngẩn ngơ vui buồn vì một bài hát, hay một cuộc thăm hỏi của bạn bè. Nhưng, cuộc sống trôi đi trên dòng thời gian  u buồn ấy, lại giản dị và nhẹ nhàng vô cùng.

Ở đó, chỉ cần một nụ cười của mẹ, hay một câu nói trệu trạo “có thể nghe được” của ba cũng réo rắt niềm vui. Niềm vui của cuộc sống này chưa bao giờ được tối giản đến thế, trong tình yêu thương của đứa con gái đã ngoài 40 tuổi. 

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI