Người đàn bà có duyên nuôi con… người khác

15/01/2018 - 15:31

PNO - Ở tuổi 45, người đàn bà ở An Giang vẫn vất vả với chuyện kiếm tiền trang trải viện phí cho đứa con nuôi mới hơn 2 tuổi bị ung thư máu.

Qua một lần đò mà chuyến đò dang dở, người phụ nữ vất vả nuôi 3 đứa con nhỏ, trong đó có 2 con nuôi trưởng thành. Rồi bất chợt, ở tuổi ngoài tứ tuần, chị nhận được món quà bất ngờ từ cô em hàng xóm. Đó là một bé trai kháu khỉnh chỉ mới 10 ngày tuổi.

Cưng quá, không bỏ được… con của người ta

Hơn 2 năm về trước, chị Trương Thị Thùy Trang, 45 tuổi, ấp Tân Trung, xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang hẳn nhiên không nghĩ được rằng có một ngày mình lại rời xa căn nhà của mình lâu đến thế. Và hẳn nhiên, chị không thể ngờ, giờ đây chị là một trong những thành viên trong một thế giới hỗn mang và xơ xác trong các phòng trọ cho thuê sát bên Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Nguoi dan ba co duyen nuoi con… nguoi khac
Hai mẹ con chị Trương Thị Thùy Trang tại một phòng trọ cạnh Bệnh viện Ung bướu TP.HCM

Trong một căn phòng nhỏ như thế, với khoảng 10 người trong đó, chật chội và ồn ã, chị Trang đang ôm ru ngủ bé Trương Hữu Thắng – đứa con nuôi của chị. Bé bị ung thư máu (dạng bạch cầu lympho cấp dòng T). Đứa bé quấn lấy mẹ, chẳng mấy khi chịu rời đi.

Như sợ sẽ bị bỏ rơi lại một lần nữa trong cuộc đời này, có đêm, bé tụt xuống khỏi võng, đến nằm gác đầu lên người mẹ nuôi, lấy tay chị vòng qua người rồi ngủ rất ngon. Chị Trương Thị Thùy Trang nói: “Nhìn thấy vậy, ai mà nỡ bỏ. Cưng lắm. Chỉ cần chị nhích ra một chút là nó khóc chết khóc sống. Cứ thấy mẹ là dụi dụi vào người”.

Bé bị tiêu chảy suốt, cuộc trò chuyện thường nhanh chóng bị cắt đoạn vì chị Trang phải đi vệ sinh cho bé.

Nguoi dan ba co duyen nuoi con… nguoi khac
Hai mẹ con chưa hề biết đến thôi nôi hay sinh nhật là gì vì thời gian chủ yếu là đi bệnh viện chữa bệnh.

Đó là đứa con nuôi thứ 3 của chị Trang. Hai đứa con nuôi đầu tiên là hai đứa cháu con của người chị mất vì bệnh tim. Chị nuôi nấng hai đứa từ nhỏ. Giờ 2 đứa đều có việc làm và gia đình riêng. Chị bảo: “Hai đứa là cháu nhưng tụi nó coi chị như là mẹ ruột. Nói là con nuôi, tụi nó không chịu đâu”.

Chuyện nhận đứa con nuôi thứ 3 với chị Trang thật ngỡ ngàng. Có đôi khi con cái không phải do trời cho mà là người cho.

Ngày ấy, một cô em hàng xóm đã lâu không gặp vì đi làm ở TP.HCM. Chợt một hôm, người phụ nữ mang bụng bầu 6 tháng trời tìm đến nhà chị xin tá túc. Hỏi ra, mới hay cô ấy lỡ dại mang thai dù đã chồng và con. Ngày cô ấy sinh con, chị Trang gom được 2 triệu đồng để lo cho bạn.

Nhớ lại lúc đó, khi bác sĩ bảo thai phụ có thể phải mổ, chị Trang xanh mặt vì cô em không có xu dính túi. 2 triệu thì chị lo nổi chứ đã mổ thì biết xoay đâu ra. Cũng thật may mắn, cô ấy sinh thường được một bé trai kháu khỉnh.

10 ngày sau đó, khi chị đi chợ, cô em hàng xóm bỏ đi, nhắn gửi lại là nuôi con giúp em. Vậy là nhà có thêm người. Lúc đó, chị đã thôi chồng, những đứa con thì đã lớn, chị nghĩ mình dư sức nuôi đứa bé.

Những cây vải cuối cùng cũng đã không còn

Chị Trương Thị Thùy Trang vốn là thợ may. Ở quê, người ta không đến để chỉ may áo. Thợ may phải có sẵn vải để người ta còn chọn lựa. Mà giờ đây, chữa bệnh ung thư cho bé Thắng, những miếng vải cuối cùng của chị Trang cũng đã không còn nữa.

Chị kể về điều này bình thường như nói về một cơn mưa nào đó tạt ngang qua rồi nhanh chóng tạnh ráo ở quê chị. Cũng bình thường như thế, chị bảo vay nóng ở quê 70 triệu rồi. Tiền lãi cứ tính vay 1 triệu là trả lãi 1 ngày 100 ngàn đồng. Giờ trả lãi thôi cũng đủ chới với rồi.

Từ ngày về với nhau, hai mẹ con như hình với bóng và gắn chặt với hành trình chưa chịu chấm dứt ở các bệnh viện từ ở huyện, tỉnh đến các Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Truyền máu huyết học rồi Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Nguoi dan ba co duyen nuoi con… nguoi khac
Hai mẹ con như hình với bóng

Chị Thùy Trang nhớ lại lúc đó chăm bé Thắng mà lòng chị đau như cắt. Phận đàn bà ở quê, thấy con tiêu chảy rồi sốt hoài thì xót mà không biết chữa trị làm sao, đi từ bệnh viện ở huyện rồi tỉnh nhưng vẫn không dứt điểm.

Lúc đem bé vào nhập viện, nhân viên y tế la rầy quá trời bảo sao để thằng nhỏ bị nặng dữ, để lâu nhiễm trùng chết à. Kể từ lúc đó, trong nhà chị Trang thuốc sốt mua về dùng hàng ngày. Cứ ngừng uống là sốt. 9 tháng sau, đưa con lên Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bác sĩ ở đây rầy chị tiếp: “Mẹ có biết nuôi em bé không? Em bé bị thiếu máu nặng rồi”.

Lúc này, em bé bụng trướng lên, gan to, viêm phổi, thiếu máu… Ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ em bị nhiễm ký sinh trùng nhưng rồi không phải. Chỉ  đến khi lấy mẫu máu đưa sang xét nghiệm tại Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM, bệnh của con chị mới được xác định rõ ràng là ung thư máu (bạch cầu lympho cấp dòng T).

Lúc đưa con sang Bệnh viện Ung bướu TP.HCM điều trị, bé giáp thôi nôi. Chị Trang bảo con chị chưa một lần biết đầy tháng, biết thôi nôi hay sinh nhật là gì vì suốt ngày ở trong bệnh viện.

Nguoi dan ba co duyen nuoi con… nguoi khac
 

Cũng từ đó, chị Trang trở thành thành viên của những người khốn khổ vì căn bệnh ung thư. Trong căn phòng bé xíu với khoảng 10 người quây quần cho rẻ, chị hài lòng vì giá tiền trọ mỗi tháng chỉ mất có 250 ngàn đồng, ngang với tiền xe đò chị về quên. Tính đi tính lại thì ở đây dù chật nhưng vẫn tốt hơn phải đi đi về về.

Tiền thuốc hóa trị cho con, mỗi toa có khi lên đến 4-5 triệu đồng. Ban đầu, hai đứa con nuôi cũng góp cho mẹ ít tiền để chăm cho em. Rồi gia đình 2 đứa cũng khó khăn quá, hai con phụ mẹ nấu cơm, giặt giũ quần áo. Những đứa con nuôi của chị thương bé Thắng như em mình.

Nguoi dan ba co duyen nuoi con… nguoi khac
 

Để có tiền vô toa thuốc trị ung thư máu cho bé Thắng, vay mượn 70 triệu đồng lãi nóng không đủ, còn bao nhiêu cây vải trong nhà, chị bán hoặc gán nợ cho người ta. Chị bảo: “Có bao nhiêu thì lo hết cho nó. Chờ đến khi con khỏe, ra duy trì (tình trạng khá hơn, điều trị ngoại trú) thì về nhà làm trả nợ chứ biết sao”.

Nhắc về chuyện đứa con ruột của mình, chị Trang ngập ngừng rồi buồn bã vì mọi chuyện lại chẳng hề êm thấm. Đã từng có lúc, vì đứa con nuôi chị nhận về cưu mang, gia đình lại sóng gió bão bùng chuyện con ruột con nuôi. Nhưng dường như, với trái tim người mẹ, đứa nào đã về chung một nhà thì đều là con, dù đẻ hay không, dù ruột rà hay không, cũng đều là con của mẹ.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI