Hoa nếp nhà: Truyền thống gia đình là tài sản lớn nhất

20/06/2016 - 17:00

PNO - Đời người, ai cũng có những câu chuyện để nhớ, để kể. Với ông Nguyễn Đại Hùng Lộc - Tổng giám đốc Công ty TNHH Ysiman Việt Nam, đó là câu chuyện về gia đình.

Vợ chồng Ông Lộc đang sống cùng mẹ ông và hai con đã lập gia đình, trong ngôi nhà tại Q.5 được cha mẹ ông mua từ năm 1959. “Trung tâm” của gia đình là hình ảnh bà cố và bé chắt ngoại.

Cuộc đời của ông bà, cha mẹ là bài học quí

Cha của ông Lộc, một công chức trước năm 1975 nhưng là cơ sở nội thành cho Việt Minh từ năm 1946. Ông học ở cha sự hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ, yêu thương chăm sóc các em; quan tâm thăm hỏi, giúp đỡ bà con hoặc bạn bè có hoàn cảnh khó khăn mà không cần họ nhớ ơn, trong công việc phải luôn tận tâm và sống trong sạch.

Cha ông rất tự hào khi kể lại cho con cháu: Ông nội lái xe cứu hỏa trước năm 1945. Phong trào Việt Minh phát triển mạnh trong lực lượng cứu hỏa. Khi người Pháp quay trở lại vào năm 1946, ông nội nghỉ việc, do vậy cha của ông Lộc và người chú thứ ba phải ra đời sớm kiếm việc làm để lo cho các em ăn học.

Mẹ ông Lộc, người Sài Gòn, sinh ra trong một gia đình tài công nghèo, cả nhà sống trên chiếc ghe chở hàng lớn xuôi ngược sông nước miền Tây và qua tận Campuchia.

Ông Lộc rất thích chuyện tình của cha mẹ mình: “Thật lãng mạn và thật đẹp. Cha mẹ tôi biết nhau từ những năm 1945, nhưng mãi đến 1959 bà mới chịu lập gia đình. Cha tôi biết bà thích nữ công gia chánh nên chép tặng bà cả một cuốn sổ lớn những công thức nấu các món ăn, làm bánh, mứt… Biết bà thích đàn mandolin nên ông kẻ từng dòng nhạc rồi chép những bài An Phú Đông, Bắc Sơn, Làng tôi, Xuân tươi... chép cả những vở kịch và vẽ minh họa tặng cho bà. Khi đã về nhà chồng, mẹ tôi là người con dâu trưởng hiếu thảo và gương mẫu được gia tộc bên nội yêu quý”.

Cha mẹ ông dạy con sống hiền lành, đức độ, lễ phép, biết thế nào là đủ, không làm điều xấu, tạo nghiệp thiện. Cha ông hay đạp xe đi thăm những người bà con nghèo, bạn bè của ông nội, về tận Chợ Núi (Cần Giuộc, tỉnh Long An) lội ruộng, lội mương đi thăm những người quen biết, thắp nhang mồ mả ông bà.

Điều cha ông luôn trăn trở và cố thực hiện cho đến những ngày cuối cùng, là làm sao giữ được tình thân trong bà con họ tộc. Cụ lưu giữ tất cả hình ảnh, ghi chép ngày mất của người thân, viết lại những mẩu chuyện về gia đình. Cụ sợ nhất là cảnh anh em, bà con bất hòa, mâu thuẫn không nhìn nhau. Tháng 4/1975, lúc ông Lộc mới 14 tuổi và hỏi cha rằng mình có di tản không? Cụ trả lời dứt khoát: “Mình là người Việt con à! Mình sẽ sống ở Việt Nam”. Cha ông có những đóng góp thầm lặng nhưng rất quý giá, có khi mạo hiểm bằng chính sinh mạng của mình, nhưng cụ không muốn kể vì cho rằng đó là bổn phận của người dân trong kháng chiến.

Phụng dưỡng, chăm sóc mẹ cha là hạnh phúc

Cha ông Lộc mất cách đây 10 năm. Mẹ ông đã 93 tuổi. Cụ mắc bệnh cao huyết áp trên 30 năm. Mỗi tháng ông đưa mẹ đến bác sĩ khám và nhận thuốc. Ông dõi theo những bất thường của mẹ, vì người già ít khi nói những dấu hiệu không khỏe, sợ làm phiền con cháu. Ông Lộc đảm bảo việc mẹ ăn ngon miệng, ngủ sâu, tinh thần thoải mái. Kể cả mỗi khi cha mẹ giận nhau, ông tìm cách dung hòa chứ không xem đó là chuyện của người lớn.

Hoa nep nha: Truyen thong gia dinh la tai san lon nhat
Đại gia đình ông Nguyễn Đại Hùng Lộc (người đứng thứ tư từ bên phải)

Mỗi khi cụ bà nhắc chuyện buồn, ông lại khéo léo chuyển hướng câu chuyện. Để mẹ không “suy giảm trí nhớ”, ông mua sách, báo để mẹ xem. Mỗi khi mẹ phải nhập viện, ông Lộc nghỉ làm, chăm sóc mẹ. Ông thường nhắc các em: “Chăm sóc cha mẹ là niềm vui, là hạnh phúc chứ không phải là trách nhiệm”. Cha mẹ thương con, nên nhiều lúc nghĩ rằng “mình là gánh nặng cho các con”, tủi thân khi con cháu lỡ lời. Do vậy, ông luôn làm cho cha mẹ cảm thấy “vui khi sống cùng con cháu”, có khi nhờ mẹ giúp lặt rau hay gọt khoai, để mẹ thấy con cần đến mình.

Khi mẹ khỏe, ông hay đưa cụ đi đây đó. Năm ngoái, ông đưa mẹ “theo hành trình của ông Trương Định”: thăm lăng Hoàng gia, đền thờ Trương Định ở Gò Công… Ông cũng vừa đưa cụ ra Nha Trang dự lễ phát hành bộ tem bàng vuông rồi thăm mộ bác sĩ Yersin, di tích đoàn tàu không số ở Ninh Hòa, làng chài Ninh Vân, các ngôi chùa miền Tây...

Ông Lộc tâm sự : “Tôi không bao giờ quên được nụ hôn của mẹ lên má mình khi cụ hồi phục sau cơn bạo bệnh. Nụ hôn thật sâu, mạnh mẽ, thật ngọt ngào như trao hết sự yêu thương cho con trai”.

Không bao giờ đánh con

Ông Lộc cho biết: “Cha mẹ tôi có hai con trai, tôi là con đầu. Lúc chúng tôi còn nhỏ, dù cha mẹ rất thương yêu con, nhưng nếu con có lỗi, thì phải nằm sấp trên giường chịu đòn hoặc phạt quỳ gối cho nhớ, không tái phạm. Năm tôi lên tám, ngày tết, trên đường về nhà, tôi thấy có sòng bầu cua cá cọp đông vui nên đứng lại nhìn, bất chợt có ai nhéo tai nên giật mình, thì ra là mẹ. Tôi phải chịu đòn, vì mẹ đã dặn không được xem cờ bạc”.

Nhưng khi có con, ông Lộc chưa lần nào đánh đòn con cái, phần xót ruột, phần vì bà nội cưng cháu nên chỉ la rầy. Vợ chồng ông đã dạy các con phải cố gắng học hành tử tế vì đó tài sản quý nhất mà cha mẹ có thể lo cho các con. “Tôi vẫn thường nhắc các con về tấm gương tự học để vươn lên của ông bà nội, ngoại. Vì thế, con tôi rớt đại học, nhưng cháu theo học trung cấp rồi lấy bằng cao đẳng và cuối cùng cũng tốt nghiệp đại học. Tôi học theo cha mẹ trong việc giáo dục nhân cách cho các cháu từ lúc nhỏ, biết lễ phép với ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi. Trong cuộc sống, biết sử dụng nội lực của mình chứ không dựa dẫm vào người khác”.

Niềm vui lớn nhất của ông là “Con trai, con gái lập gia đình, đều đang sống chung với tôi. Tôi đã có cháu ngoại, sắp có cháu nội. Mẹ tôi lên chức bà cố và bà hạnh phúc vô cùng”.

Trường Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI