Khi nào thai phụ cần bổ sung nội tiết tố?

18/12/2016 - 06:30

PNO - Trên các diễn đàn mẹ và bé, nhiều bà mẹ bàn luận sôi nổi về bổ sung nội tiết tố. Nhiều người cho biết bị dọa sẩy thai, bị nghén, bổ sung nội tiết tố, thai khỏe hơn và hết luôn cảm giác nghén.

Nhiều thai phụ cho biết đang được bác sĩ (BS) chỉ định bổ sung nội tiết tố (NTT) nhưng thắc mắc về loại NTT, đường bổ sung NTT khác nhau có làm giảm hiệu quả hay gây tác dụng phụ gì không? Việc bổ sung NTT liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe, giới tính thai nhi?

Dọa sẩy thai, bổ sung nội tiết tố?

Chị T.M.Thoa (32 tuổi, ngụ Q.8, TP.HCM) khám thai tại BV Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) cho biết chị đã ba lần bị thai lưu. Hai lần đầu thì lưu ở tuần thứ 10, đều đã có tim thai. Lần thứ ba thì lưu ở tuần thứ sáu, chưa có tim thai. “Tôi cảm nhận được có thai rất sớm do các triệu chứng xuất hiện trong vòng khoảng một tuần sau khi giao hợp. Nhưng triệu chứng này kéo dài khoảng hai, ba tuần, sau đó giảm rất nhanh và hết hẳn. Lần mang thai thứ ba, BS khám còn nghi ngờ là tôi chưa có thai, cho đến khi tôi đã hết triệu chứng nghén thì siêu âm lại mới phát hiện túi thai nhưng nhỏ hơn so với tuổi thai. BS cho uống thuốc NTT thì các triệu chứng nghén xuất hiện lại, túi thai có phát triển thêm nhưng cũng bị lưu”, chị Thoa kể lại.

Chị Thoa cho biết, vì có tiền sử thai lưu nên chị sợ lần này không giữ được thai nếu BS cho bổ sung NTT trễ như lần trước. Sau khi khám, BS cho biết chị với tiền sử sẩy thai ba lần và có nguy cơ cao thai lưu lần sau. Cơ hội cho thai lần này là 60%. Việc dùng NTT để dưỡng thai có thể sử dụng ngay từ đầu thai kỳ. Đối với những trường hợp thiểu năng hoàng thể thai kỳ, bổ sung NTT có hiệu quả cao. Với những nguyên nhân khác thì hiệu quả dưỡng thai của NTT không đáng kể.

Khi nao thai phu can bo sung noi tiet to?
Ảnh mang tính chất minh họa. Shutterstock

Trên các diễn đàn mẹ và bé, nhiều bà mẹ bàn luận sôi nổi về bổ sung NTT. Nhiều người cho biết bị dọa sẩy thai, bị nghén, bổ sung NTT theo chỉ định của BS, thai khỏe hơn và hết luôn cảm giác nghén. Chị H.N.Yến (SN 1990) chia sẻ lần đầu mang thai, sau khi chậm kinh năm ngày, dùng que thử thì biết có thai, vài ngày sau thì bị ra ít huyết nâu. Đi khám, BS siêu âm, phát hiện điểm bong nhau và điều trị tăng cường NTT. Đến tuần thứ bảy thai đã có nhịp tim, BS vẫn duy trì tiêm hai ngày một mũi NTT và cho uống thuốc.

Có chị vừa uống, vừa đặt, vừa tiêm NTT theo chỉ định của BS nhưng vẫn cứ nơm nớp lo sợ như vậy có lạm dụng NTT và liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe, giới tính của thai nhi không?

Bổ sung nội tiết tố thế nào?

TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc BV Hùng Vương, cho biết: trong quá trình mang thai, dinh dưỡng, chế độ ăn bổ sung vitamin và các khoáng chất cần thiết là đầy đủ rồi. Tuy nhiên, một số trường hợp cần phải bổ sung NTT. Có hai loại NTT là estrogen và progesterone. Trong trường hợp thụ tinh ống nghiệm, sau khi thụ tinh thường thai phụ phải sử dụng cả hai hoặc một loại NTT. Ngoài ra, đối với những trường hợp dọa sẩy thai, cần bổ sung NTT để hỗ trợ thai. Đặc biệt, những trường hợp sẩy thai liên tục không rõ nguyên nhân, suy hoàng thể phải bổ sung progesterone trong ba tháng đầu thai kỳ và ba tháng cuối thai kỳ cũng cần sử dụng progesterone để hạn chế sinh non.

Từ rất lâu, những trường hợp thụ tinh trong ống nghiệm có bổ sung NTT, được theo dõi qua hai-ba đời, người ta không thấy có ảnh hưởng gì đến em bé.

Đối với những trường hợp sẩy thai liên tiếp hay thụ tinh trong ống nghiệm, nếu bổ sung NTT theo một đường như đặt âm đạo nhiều lần trong ngày sẽ không tốt. Để hạn chế nguy cơ viêm nhiễm, cần bổ sung theo cả ba đường uống, tiêm, đặt để tăng hiệu quả sử dụng.

“Đến thời điểm này, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, bổ sung NTT tự nhiên không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng cần thiết thì mới dùng, nếu không cần thiết thì không nên bổ sung. Nhất là trong trường hợp dọa sẩy thai, cần thiết phải bổ sung NTT theo chỉ định của BS”, TS-BS Diễm Tuyết khuyến cáo.

Lưu ý, cần cân nhắc liều lượng và đường bổ sung NTT. Ở Mỹ, các thai phụ được khuyến cáo bổ sung NTT theo đường chích. Tuy nhiên, bổ sung NTT theo đường này, thai phụ cần phải đến cơ sở y tế để thực hiện nên không thuận tiện. Những người không có thời gian thường chọn cách bổ sung NTT theo đường uống, dù nồng độ thuốc không cao, bị giảm khi đi qua dạ dày.

Thông thường, bổ sung NTT trong 12 tuần đầu thai kỳ, sau đó, nếu xảy ra tình trạng dọa sinh non, thai phụ cần phải bổ sung NTT trở lại. Nếu sẩy thai liên tiếp, thai lưu xếp vào nhóm bệnh khác, cần tìm và điều trị nguyên nhân. Có người bị cường giáp, cứ hễ có thai là sẩy. Nếu không tìm ra nguyên nhân nào dẫn đến việc dọa sẩy thai, thường sẽ nghĩ đến suy hoàn thể và phải bổ sung progesterone. Tác dụng chính của NTT là giúp tử cung đừng co thắt. Tác dụng phụ của bổ sung NTT là gây buồn nôn, buồn ngủ, áp xe, ngứa…

“Triệu chứng nghén chứng tỏ thai nhi đang phát triển nên thai phụ không nên quá lo lắng hay nhất thiết phải bổ sung NTT; mà khi dọa sẩy thai thì mới cần bổ sung NTT. Thực ra, triệu chứng nghén chỉ là trùng hợp”, TS-BS Diễm Tuyết nhấn mạnh.

Nguyễn Cẩm

NTT là “con dao hai lưỡi”, chỉ sử dụng đúng nhu cầu và phải có chỉ định của BS. Về nguyên tắc, phải có BS kê toa NTT, nhà thuốc mới được bán. Tự ý mua, lạm dụng bổ sung NTT sẽ rất nguy hiểm.

Có ba đường bổ sung NTT là uống, tiêm, đặt. Bổ sung theo đường uống, khi đi qua gan, nồng độ thuốc giảm, nên bổ sung NTT theo đường đặt âm đạo, hậu môn sẽ hiệu quả hơn. Bổ sung theo đường uống, tiêm bắp hay đặt âm đạo, hậu môn là tùy từng trường hợp, theo chỉ định của BS. Có người đặt NTT theo đường âm đạo bị ngứa, phải đổi qua đặt hậu môn. Hay, bổ sung NTT theo đường uống có người lại bị buồn nôn. Vì vậy, BS sẽ chỉ định chuyển đổi đường bổ sung NTT phù hợp.

TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI