Gia đình nào dành cho trẻ bất hạnh?

07/04/2015 - 12:36

PNO - PN - Tôi đã khóc khi lại đọc, lại thấy thông tin trẻ em bị bạo hành. Lần này là các trẻ nhiễm HIV ở Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (quận Thủ Đức, TPHCM) bị các cô bảo mẫu đánh, dùng dép đập lên đầu, nhéo tai.... chỉ vì ăn chậm, ăn bị ói.

edf40wrjww2tblPage:Content

Một đời người bắt đầu từ tiếng khóc trong vòng tay mẹ, tiếng khóc trong veo bên niềm hạnh phúc của gia đình. Và đôi khi đó là tiếng khóc làm người ta nghẹn lòng. Lẽ hiển nhiên của cuộc sống: có hạnh phúc, có bất hạnh. Nhưng là một con người bất hạnh thì không ai muốn, bất hạnh ấy mang đến tiếng khóc không còn nước mắt trên hành trình làm người. Thay đổi cả một quá trình tạo nên nhân cách của một đứa trẻ.

Gia dinh nao danh cho tre bat hanh?
 

Tôi, người viết bài này, cũng từng có những giọt nước mắt chảy dài suốt tuổi thơ. Tôi chưa một ngày biết được ba mẹ mình, tôi hình dung đấng hiện diện ấy trong những giấc mơ xa. Tôi bám víu vào những mảnh tình người trong xã hội để lớn lên. Trong đó có một người mà tôi gọi là ba má nuôi. Ba má không đặt tôi trong một khuôn khổ nào đó, mà cách sống vị tha - yêu thương của ba má là bài học để tôi học ở tuổi đẹp nhất đời người.

Tôi còn nhớ ngày còn đi học, tôi mua được cây viết mới toanh, nhưng bị anh (một người con của ba má nuôi) lấy. Tôi phát hiện, lấy lại cây viết và không quên buông ra những lời chua chát, cuộc ẩu đả diễn ra, đứa trật tay, đứa trầy mặt, cây viết gãy đôi. Khi ấy, tôi nghe ba nói lớn: "Hai đứa thôi đi...".

Chiều hôm ấy, ba kêu hai đứa ra làm việc của ba, trên bàn là hai cây viết thiệt đẹp, ba ôn tồn: "Lấy của người là một việc làm tồi tệ và xấu hổ. Nhưng hãy cho đi những gì mình có thể rồi tụi con sẽ nhận được cái quý giá hơn. Phải biết kiềm chế trong lúc nóng giận, phải biết tha thứ, lúc đó tụi con sẽ chiến thắng được thể xác và bình yên trong tâm hồn". Cây viết của ba, đã viết thêm hành trình cho tôi hoàn thiện một con người côi cút.

Khi ba má đã không còn. Tôi lang bạt lên đất Sài Gòn để mưu sinh. Tôi xin làm việc cho một hồ bơi ngoài vùng ven. Tôi xin ở lại sống với gia đình ông bà chủ. Đã gần chục năm làm việc và sống chung, tôi sống với những gì ba má đã dạy, tôi làm việc với những gì xã hội đã dạy. Tôi được ông bà chủ thương yêu, xem như con cái trong gia đình. Có lần, bà chủ đã nói với tôi: "Hoàn cảnh của mình là vậy, thì con hãy xem xã hội là gia đình...".

Gần cả thập niên sống ở mảnh đất bao dung, nhìn lại hành trình lớn lên của mình: Những giọt nước mắt của tôi đã được xã hội lau khô. Nỗi bất hạnh hóa thành may mắn. Vâng! Người ta cần có một gia đình, và những hoàn cảnh như tôi hoặc kém may mắn hơn tôi vẫn luôn xem xã hội là gia đình. Tôi ước gì xã hội hãy dang tay thêm nữa, để nhân cách của một người được nuôi trồng thêm nhân ái. Để những bài báo về nạn bạo hành trẻ em thay bằng những bài viết màu hồng của cuộc sống!

PHẠM MINH HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI