Chiếc túi Kangaroo kỳ diệu

01/01/2017 - 06:35

PNO - Phương pháp giữ bé sát thân mình, da chạm da và bú mẹ giúp cho trẻ sơ sinh nhẹ cân, thiếu tháng có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn về thể chất và trí tuệ trong cuộc sống về sau.

Theo bài viết vừa công bố trên tạp chí Pediatrics, trẻ sinh non được bú mẹ hoàn toàn và giữ ấm thông qua tiếp xúc cơ thể liên tục đã phát triển thành những người có bộ não lớn hơn, có cuộc sống ít căng thẳng hơn so với những em bé được chăm sóc trong lồng ấp thông thường.

Nghiên cứu so sánh những người trẻ từ 18 đến 20 tuổi, vốn sinh non và thiếu cân, lựa chọn ngẫu nhiên tại Colombia. Nhóm đối tượng này từng nhận sự chăm sóc trong lồng ấp truyền thống hoặc phương pháp kangaroo mẹ-con (KMC), một kỹ thuật trong đó cha mẹ hoặc người chăm sóc trở thành “lồng ấp” của em bé, cung cấp thức ăn và kích thích bên ngoài cho đến khi bé có thể tự duy trì nhiệt độ cơ thể của mình. Sở dĩ có tên gọi “kangaroo” là vì bé được nép vào ngực của người chăm sóc ngay sau khi sinh, đồng thời chỉ bú sữa mẹ. Quá trình có sự giám sát nghiêm ngặt của chuyên gia y tế trong vòng một năm.

Chiec tui Kangaroo ky dieu
Trong phương pháp kangaroo mẹ-con, thân nhiệt của cha mẹ giữ ấm trực tiếp cho trẻ thiếu tháng.

Cuộc điều tra 264 người tham gia chương trình KMC, có cân nặng dưới 1,8kg khi sinh cho thấy kỹ thuật này cung cấp sự bảo vệ đáng kể: tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh lồng ấp là 7,7%, cao gấp đôi so với đối tượng ở nhóm KMC (3,5%). Hơn nữa, hầu như mọi lĩnh vực khác đều thể hiện sự vượt trội: tiền lương theo giờ bình quân của nhóm KMC cao hơn nhóm lồng ấp gần 53%; phát triển não cao hơn đáng kể; cuộc sống gia đình êm ấm, an toàn hơn; cũng như trẻ dành nhiều thời gian trong trường học, ít hung hăng, hiếu động hay bị stress.

“Nghiên cứu này cho thấy kỹ thuật chăm sóc kangaroo ảnh hưởng mạnh đến vị thế xã hội và hành vi vào 20 năm sau khi can thiệp. Chúng tôi tin rằng đây là phương pháp hiệu quả, khoa học có thể sử dụng ở mọi nơi, kể cả khi điều kiện chăm sóc sức khỏe còn hạn chế”, thành viên nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Nathalie Charpak, từ Quỹ Kangaroo thành phố Bogotá (thủ đô Colombia) cho biết.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 10 trẻ ra đời thì có một trường hợp sinh non (trước tuần thứ 37 của thai kỳ), khiến biến chứng sinh là nguyên nhân tử vong hàng đầu cho trẻ em dưới năm tuổi. Tỷ lệ sinh non đang gia tăng trên toàn cầu mỗi năm, nhất là ở các nước có thu nhập thấp, nơi họ phải đối mặt với nguy cơ biến chứng nhiều hơn so với những nước có thu nhập cao.

Chẳng hạn tại Malawi, tỷ lệ sinh non lên đến 18%. Ngoài ra, nhiều trẻ sống sót phải đối mặt với khuyết tật, bao gồm suy giảm khả năng học tập, các vấn đề thị giác và thính giác, đồng thời cần được chăm sóc thêm để tránh bệnh tật gây tử vong thứ cấp, ví dụ như biến chứng hạ thân nhiệt. “Ở các nước đang phát triển, phòng ấp thường khan hiếm và không đáng tin cậy, vì vậy phương pháp kangaroo là lựa chọn tối ưu”, tiến sĩ Peter Singer, Giám đốc điều hành tổ chức Grand Challenges Canada, nơi hỗ trợ nghiên cứu nói thêm.

Dù kỹ thuật này không thay thế hoàn toàn phương pháp nuôi dưỡng sơ sinh hiện đại, nó là một sự bổ sung tuyệt vời. Các bệnh viện ở vùng Scandinavia, chẳng hạn như NICU ở Uppsala, Thụy Điển, sử dụng KMC nhằm ổn định sức khỏe trẻ thiếu tháng. Chính phủ Canada cũng đang tập trung phát triển hai cơ sở y tế chính và 10 trung tâm điều trị vệ tinh để thực hành phương pháp chăm sóc kangaroo mẹ-con.

Tín hiệu tích cực của cuộc nghiên cứu kết quả từ cách tiếp cận đa chiều bao gồm tiếp xúc cơ thể, cho con bú, giáo dục của gia đình và thời gian theo dõi y tế kéo dài trên 12 tháng cho thấy, bằng cách áp vào ngực cha mẹ hoặc người chăm sóc, não bộ của trẻ sơ sinh sẽ cảm thấy môi trường ít căng thẳng hơn. Mặt khác, các bậc cha mẹ dần ý thức hơn về sự nhạy cảm của bé và hình thành mối liên kết máu mủ bền vững. Ngược lại, trẻ sinh ra ở tuần thứ 30 có thể phải dành bảy tuần tiếp theo trong lồng ấp, nơi tách biệt khỏi trái tim người mẹ và thường xuyên đối mặt với ánh sáng nhân tạo, tiếng ồn máy móc.

“Vì vậy chúng ta có thể hiểu lý do tại sao bệnh viện không phải là môi trường tốt cho bộ não non nớt của bé phát triển một cách chính xác”, tiến sĩ Nathalie Charpak kết luận. Bà hy vọng nỗ lực nghiên cứu trên sẽ giúp thay đổi thái độ đối với việc chăm sóc trẻ sơ sinh thiếu tháng ở cả phụ huynh và nhân viên y tế; đặc biệt khi kế hoạch hành động Vì mỗi trẻ sơ sinh (Every Newborn) xác nhận bởi WHO vào năm 2014, đã đặt mục tiêu cung cấp dịch vụ chăm sóc kangaroo mẹ-con cho ít nhất 50% trẻ sơ sinh thiếu cân trên toàn thế giới vào năm 2020.

Ngọc Hạ (Theo The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI