Bị té, đụng đầu: Coi chừng tụ máu não

27/07/2016 - 05:46

PNO - Mới đây, bé Dư Tịnh H., 13 tuổi, ở Q.11, TP.HCM được đưa vào Bệnh viện 115 cấp cứu trong tình trạng đau đầu, nói khó, tay yếu. Kết quả chụp MRI phát hiện có máu tụ dưới màng cứng phải mổ.

Bác sĩ (BS) cho biết, vùng máu tụ này có thể xuất phát từ chấn thương vài tháng trước. Theo TS-BS Chu Tấn Sĩ - Trưởng khoa Ngoại thần kinh BV 115, với những trường hợp máu tụ dưới màng cứng mãn tính, nếu không phát hiện và xử lý kịp thời, có thể dẫn đến liệt người, mất ngôn ngữ, mù mắt, sống thực vật và tử vong.

Bỗng dưng quên

Anh Dư Minh Đức - cha của bé H. kể: trước khi nhập viện, bé vẫn khỏe mạnh, chạy nhảy bình thường. Tuy nhiên, cách đó hai tuần, lúc trên đường đón con đi học về, bé H. nói: “Con muốn nói với ba cái này, mà con nói không được”. Tưởng con gái muốn tìm lời hay ý đẹp để diễn đạt nên anh Đức nói: “Thì con nghĩ sao nói vậy” nhưng bé ậm ờ nên anh Đức đùa “thôi, khó quá thì bỏ qua đi”. Những ngày sau đó, thấy con mỗi khi nói chuyện đều ngập ngừng rồi đưa hai tay lên trán ra chiều suy nghĩ, hoặc múa tay và nói từng tiếng một nên cả nhà lại tưởng bé bắt chước các cô gái điệu đà trong phim. Khi thấy bé đứng dậm chân và chảy nước mắt thì anh Đức mới nghĩ “hình như con không bình thường”. Anh đưa bảng cho con viết, bé ngồi đăm chiêu suy nghĩ và viết được mỗi từ “đừng” rồi khóc.

Bi te, dung dau: Coi chung tu mau nao
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Ngoài ra, trước đó bé cũng than nhức đầu, gia đình cứ nghĩ do bé thức khuya không ngủ đủ giấc. Rồi bé than nhức mắt, nhìn mờ, được mẹ đưa đi khám mắt, khi BS chỉ lên bảng chữ cái bé đọc không được, ai cũng nghĩ do bé bị tăng độ, hoàn toàn không biết đây là hậu quả của việc tụ máu dưới màng cứng nên bé không nhớ từ, không tìm được từ ngữ để diễn đạt suy nghĩ. Đến sáng 9/7, khi cho con ăn sáng, bé không cầm được muỗng, đau đầu nhiều và chỉ nói được ba từ: “có, không, dạ” thì anh Đức vội vàng đưa con vào bệnh viện.

Xây sát nhẹ, nguy cơ lớn

Không ít người thường chủ quan, nghĩ chấn thương nhẹ, chỉ bị đau thoáng qua rồi hết nên thường không đến bệnh viện khám, đến khi bùng phát triệu chứng đau đầu, ói, hôn mê thì đã muộn. Người cứu được thì có thể hồi phục không hoàn toàn, bị liệt, không nói được, ngơ ngẩn; người não bị chèn ép quá lâu gây tổn thương nghiêm trọng thì tử vong.

Anh Nguyễn Văn K., 31 tuổi, ở Q.3, TP.HCM bị va quẹt xe nhẹ, ngã xuống đường bị trầy xước ở chân nên chỉ về nhà xức thuốc đỏ. Ba ngày sau, sáng ngủ dậy anh không nhận ra được bất kỳ ai trong gia đình, kể cả vợ con. Gia đình đưa anh đến bệnh viện C. khám, BS cho chụp CT thấy máu tụ dưới màng cứng. Tuy nhiên, theo BS, do vùng tụ máu nhỏ nên không phải mổ, chỉ cần uống thuốc cho tan. Sau khi uống thuốc một thời gian thì trí nhớ của anh K. chỉ phục hồi được một ít. Anh nhớ được người thân, nhưng khi cần diễn đạt điều gì thì không bày tỏ được. Anh vốn là một nhạc công, nhưng giờ đây hiếm khi nào anh chơi trọn vẹn được một bài hát, dù bài “tủ”, vì không thể nhớ được nốt kế tiếp. Do gia đình khó khăn nên sau đó anh K. không đi khám lại và hiện giờ anh vẫn trong tình trạng lúc quên, lúc nhớ.

Không may mắn như hai trường hợp trên, anh Trần Thành T., 26 tuổi, ở Q.Tân Bình,TP.HCM, trên đường dự tiệc cưới về thì bị quẹt té xuống đường. Anh bị choáng váng khoảng năm phút rồi tỉnh lại nên không vào bệnh viện khám. Một tuần sau, anh bỗng dưng than đau đầu dữ dội, kèm nôn ói và hôn mê. Gia đình đưa anh đến bệnh viện cấp cứu, các kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy anh bị chấn thương não, có máu tụ dưới màng cứng. Và do phát hiện trễ, não của anh T. bị chèn ép, tổn thương nặng nên đã không cứu kịp.

Không được chủ quan với chấn thương đầu 

BS Chu Tấn Sĩ cho biết, nhiều bệnh nhân bị máu tụ dưới màng cứng khi vào viện vẫn khẳng định không bị chấn thương, không bị té ngã. Có người không nhớ mình đã bị té ngã, va chạm đâu đó như trường hợp say rượu hoặc trẻ con té ngã rồi giấu cha mẹ. Phổ biến nhất là nhiều người cho rằng phải té ngã đập đầu mạnh thì mới có thể gây tổn thương não, chứ không biết những va chạm tưởng nhẹ như va đầu vào tường, đứng dậy đầu đội trúng cửa sổ, tủ, vòi nước… đều có thể gây nguy cơ tụ máu dưới màng cứng. Va chạm đó có thể làm đứt một tĩnh mạch bắc cầu khiến máu chảy rỉ rả và đến một lúc nào đó, khi lượng máu tích tụ đủ để chèn ép lên não thì gây ra các triệu chứng đau đầu, nôn ói, mắt mờ, tay chân yếu, rối loạn tri giác rồi hôn mê. Do vậy, có nhiều trường hợp hai ba tháng sau chấn thương mới xuất hiện các triệu chứng trên, khi đó được xem là tụ máu dưới màng cứng mãn tính.

Khi bị chấn thương đầu, có thể xảy ra ba tổn thương: cấp tính (dấu hiệu xảy ra ngay sau khi bị chấn thương); bán cấp tính (vài ngày sau chấn thương mới xuất hiện triệu chứng) và mãn tính (sau một tháng). Dù dạng nào cũng nguy hiểm và cần được xử lý kịp thời, nếu không phát hiện sớm có thể dẫn đến tình trạng bệnh nhân có thể sống thực vật hoặc tử vong. Còn nếu được xử lý kịp thời, mổ giải áp não sớm, dẫn lưu máu tụ ra ngoài thì hầu hết phục hồi hoàn toàn ngay sau khi lấy hết máu tụ.

Do đó, mọi người không nên chủ quan xem nhẹ chấn thương đầu, ngay cả khi va chạm, đụng đầu không thấy vết thương thì cũng phải cẩn trọng, theo dõi sức khỏe chặt chẽ. Khi có những dấu hiệu nhức đầu dữ dội, tay chân yếu và giật tay chân; nôn ói liên tục, lúc tỉnh lúc mê, ngủ mê kêu không thức dậy, kinh phong, sưng lớn nơi da đầu, lỗ tai hoặc lỗ mũi chảy nước trong; với trẻ em, dấu hiệu giúp dễ nhận ra là trẻ bỏ thói quen sinh hoạt hàng ngày, chỉ thích nằm, không muốn ăn, than đau đầu thì phải đưa đến bệnh viện ngay để được xử lý và điều trị kịp thời.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI