Bé gái bị "bẩn mắt"

22/11/2015 - 07:33

PNO - Chị đừng tỏ ra quá lo âu, nhắc lại chuyện này trước mặt bé, làm vậy càng khiến cháu bị ám ảnh. Nên dạy bé giữ an toàn khi ra khỏi nhà...

Tuần trước, con em chơi trước nhà một mình bỗng khóc thét gọi mẹ. Em chạy ra thì thấy một người lạ đang có hành động khiếm nhã “khoe hàng” trước mặt bé. Em vội la lên và bế con vào nhà đóng sập cửa lại, bé không bị gì hết nhưng đã vô tình thấy thứ không “sạch sẽ” lắm.

Giờ em thấy bé có dấu hiệu rất sợ người lạ, mỗi khi thấy khách mà là đàn ông tới gần là bé khóc thét lên. Con em chỉ mới bảy tuổi nên em rất lo lắng sợ rằng vụ việc đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý bé khi lớn lên. Em sẽ phải làm gì để bảo vệ con gái?

Một người mẹ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Be gai bi

Gửi người mẹ đang bối rối,

Người đàn ông ấy bị một dạng lệch độ tình dục, gọi là chứng phô bày sinh dục hoặc “tình dục lộ thân” (exhibitionnisme). Đây không phải là một bệnh tâm thần hoặc thiểu năng trí tuệ. Người mắc tật này có đầu óc bình thường, không phạm pháp, thậm chí còn có công ăn việc làm ổn định.

Y cảm thấy bị kích thích và thỏa mãn khi lôi “của nợ” ra trước phụ nữ và thường hành động rất lặng lẽ. Y huýt sáo nhẹ hoặc gây tiếng động nào đó cho người phụ nữ trông thấy, nhưng không tấn công, chiếm đoạt, cưỡng hiếp đối tượng.

Y chỉ chú ý vào cơ thể mình, đôi khi kèm theo lời nói tục tĩu hoặc những cử chỉ thô bỉ khiến nạn nhân bất ngờ, xấu hổ, sợ hãi, khủng hoảng tinh thần, thậm chí bị tai nạn khi bỏ chạy. Việc cố tình phô bày thân thể trần truồng trước mặt trẻ em như vậy là một trong những kiểu xâm hại tình dục trẻ em mà người lớn (hoặc trẻ lớn hơn) thực hiện

Theo điều tra, có khoảng 1/3 đến gần một nửa số phụ nữ đã từng bị “bẩn mắt” trước cảnh này. Nếu kẻ đó cởi truồng trước mặt trẻ con, nhất là khi bé đang chơi một mình, có thể trở thành một ấn tượng khủng khiếp, chấn động tâm hồn trẻ thơ, đôi khi những di chứng không biểu hiện rõ rệt ngay mà dai dẳng sau nhiều năm.

Ta có thể nhận biết trẻ bị xâm hại qua các biểu hiện: đột ngột thay đổi hành vi như mút tay, đái dầm hoặc lo âu, hoang mang, sợ hãi, không chịu đi đâu đó, lẩn tránh ai đó, không tin cậy ai, tách biệt, tỏ vẻ sợ hãi, khó kết thân, mặc cảm, tự cô lập mình với thế giới xung quanh và có thể mắc chứng trầm cảm.

Chị đừng tỏ ra quá lo âu và nhắc lại chuyện này trước mặt bé, làm vậy càng khiến cháu bị ám ảnh. Nên dạy bé giữ an toàn khi ra khỏi nhà, biết phân biệt sự khác nhau giữa hành vi âu yếm yêu thương và hành vi đụng chạm có dụng ý xấu. Khuyến khích bé kể hết với cha mẹ khi bị ai đó làm cho sợ hãi, khó chịu.

- Cần biết con mình hay chơi, tiếp xúc với ai. Tránh để con đi đâu hoặc chơi một mình. Dặn con không mở cửa, không trả lời điện thoại cho người khác biết là đang ở nhà một mình.

- Trong gia đình, cần tạo môi trường tin cậy lẫn nhau. Lắng nghe khi con có vẻ khó khăn bày tỏ điều gì đó đặc biệt. Luôn “để mắt” đến con mình.

- Dạy con không được đi đâu hay lên xe với người khác mà chưa xin phép cha mẹ.

- Nếu người nào đụng chạm vào thân thể làm trẻ cảm thấy khó chịu, kỳ cục, sợ hãi, hãy nói “không”, hét to hoặc bỏ chạy, sau đó lập tức nói cho cha mẹ hay người tin cậy biết sự việc. Người lớn tuyệt đối đừng trách móc, giận dữ, la mắng khi nghe trẻ báo lại sự việc. Khẳng định con không làm gì sai trái và đã quyết định đúng khi nói với cha mẹ về việc đó. 

Bác sĩ Hoa Tiêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI