Mẹ ơi, con yêu...

27/03/2017 - 06:30

PNO - Dù bạn ủng hộ hay bài xích thì tình cảm của con trẻ vẫn phát triển, chỉ khác, nếu bạn ủng hộ thì con có thể chia sẻ với bạn những điều thầm kín, còn ngược lại, bé sẽ giữ cho riêng mình.

Me oi, con yeu...
 

Khi đứa trẻ trải lòng

Nhiều phụ huynh lúng túng khi con bắt đầu bước vào tuổi dậy thì với tâm sinh lý thay đổi, đặc biệt là chuyện tình cảm khó nói của tuổi chớm yêu. Nhiều phụ huynh vẫn loay hoay với các quan điểm ủng hộ hay không ủng hộ chuyện con yêu sớm.   

Tôi nhớ thời mình còn là cô bé 11-12 tuổi, đi học về hồ hởi kể cho mẹ nghe chuyện ở lớp học có bạn nữ kia thích bạn nam và ngay lập tức mẹ gắt: “Đồ con nít ranh, mới bây lớn học không lo học ở đó mà yêu đương” hoặc khi xem phim có đoạn nào bạn nam bạn nữ thích nhau dù tình cảm đó thật dễ thương thì ba mẹ ngồi kế bên thể nào cũng la rầy “phong long” cốt cho mình nghe và tự hiểu tình cảm đó là sai trái, là không phù hợp với lứa tuổi chưa trưởng thành.

Từ đó trở đi, tôi chẳng dám trò chuyện về chủ đề đó (thậm chí là những chuyện vui của lớp học tôi cũng hạn chế) vì biết nói ra sẽ không có sự đồng tình, ngược lại còn phải nghe mắng oan. 

Tôi và các bạn đồng lứa tuổi trải qua tuổi chớm yêu một cách chật vật và hoang mang bởi phải tìm cách che giấu tình cảm của mình vì nghĩ điều đó là sai trái, là bất tự nhiên, tình yêu là vùng cấm, chỉ có những người trưởng thành mới được phép đặt chân vào. Đôi khi con cảm thấy thật khó khăn vì không biết tâm sự với ai. Rút kinh nghiệm, khi đã làm mẹ, tôi muốn con làm bạn để lắng nghe và hiểu những gì con đang trải qua. 

Tôi nghĩ mình đã thành công phần nào khi con trai học lớp 3 nói với mẹ: “Bạn nữ bàn bên kỳ kỳ, cứ ngồi nhìn con hoài” rồi đến lớp 4 con nói: “Mẹ có thể giúp con hiểu tâm lý bạn nữ ngồi trước mặt con không? Con thích bạn đó nhưng ngại không dám giao tiếp”.

Và gần đây nhất, anh chàng tuổi teen vừa đi học về không thể chờ để gặp mẹ mà phải nhấc điện thoại gọi ngay cho mẹ nói rằng hôm nay con buồn lắm, hình như cái bạn con thích có bạn trai rồi. Vừa tìm hiểu câu chuyện và tìm lời lẽ an ủi con tôi vừa cảm thấy tự hào như thể mình lập được kỳ công. Mà đúng vậy, làm một người bạn lớn tuổi và được con tin cậy quả là một kỳ công. 

Chủ động làm bạn

Khi các bậc phụ huynh chọn làm bạn với con, còn phải có kỹ năng trò chuyện, làm sao để con thật sự tin tưởng cha mẹ là nơi luôn lắng nghe những tâm tư tình cảm của mình và luôn có giải pháp giúp đỡ khi mình khó khăn. Nhưng để làm được những điều này không dễ. Thường sẽ không chủ động trò chuyện những điều thầm kín với ba mẹ, phần lớn ngại ngần, mắc cỡ và khó mở lời, vì vậy cha mẹ phải chủ động tìm hiểu.

Một trong những nguyên tắc tìm hiểu thành công là thường xuyên trò chuyện với con. Không phải cứ nhảy xổ vào hỏi con bạn một cách kém ý tứ, như thế trẻ sẽ bị dội, cảm giác bị tra hỏi và sẽ giấu nhẹm đi. Tôi thường hỏi ở lớp nay có chuyện gì vui, buồn, giật gân không kể mẹ nghe với và ngược lại tôi cũng kể con nghe những gì mà con gặp trong ngày.

Thỉnh thoảng trong câu chuyện đó, tôi hỏi ở lớp có bạn nào thích con không? Con có để ý bạn nào không? Bạn nào có ưu, khuyết điểm gì. Con thích chơi với ai, câu chuyện của bạn con có gì đặc biệt… Bằng cách trò chuyện như vậy, tôi có được hầu hết thông tin và có được thói quen trò chuyện với con. Con tôi cũng vậy, khi có bất cứ chuyện gì, việc đầu tiên con nghĩ đến là kể  cho mẹ nghe.

Nguyên tắc thứ hai là phải giữ bí mật về những tình cảm của con.
Nguyên tắc thứ ba là khi trò chuyện không được cười nhạo và áp đặt suy nghĩ lên trẻ. Nếu con không cần sự tư vấn thì bạn chỉ nên lắng nghe tìm hiểu cảm giác của trẻ. Khi con cần bạn như một quân sư tình cảm thì hãy đặt mình là bạn của con để có giải pháp tốt nhất.

Đặc biệt, để con không ngại ngần, câu mà bạn thường xuyên phải nói với con là: “Dù có bất cứ chuyện gì, mẹ vẫn đứng về phía con, nên chuyện gì dù khó nói đến mấy con cũng đừng giấu mẹ nhé”.

Nguyệt Phạm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI