Mẹ ở quê ra

25/08/2016 - 10:51

PNO - 0giờ đêm, mâm cơm nguội ngắt mà chồng vẫn chưa về, Hồng sốt ruột nhìn mẹ chồng rồi lễ phép thưa: “Muộn quá rồi, hai mẹ con mình ăn trước đi mẹ ạ, tí về nhà con ăn sau”.

Mẹ chồng Hồng tỏ vẻ không vui: “Con có đói thì cứ ăn trước đi. Mẹ không thể ăn khi con trai mẹ chưa về”.

Thế là Hồng lại bấm bụng chờ đợi. Cơn đói mỗi lúc một cồn cào. Cả ngày mệt nhoài với đủ loại báo cáo, rồi chạy đi chạy lại trên cục thuế Hồng chẳng ăn nên bữa. Trưa cũng chỉ gặm có mỗi cái bánh mì. Về nhà lại đủ thứ việc. Hồng bị huyết áp thấp nên đói là hoa mắt chóng mặt. Công việc của Bằng, chồng Hồng thường đi sớm về muộn, nhiều khi còn tụ tập, bia bọt với bạn bè đến khuya. Hồi mới cưới nhau, Hồng hay đợi cơm chồng nhưng lâu rồi cũng nản.

Nhiều hôm đợi mỏi cả mắt nhưng khi về Bằng lại không ăn. Thế là Hồng phải ăn một mình, dọn dẹp đến khuya. Hồng bực nên lại càu nhàu. Bằng cũng không thoải mái. Từ đó, hai vợ chồng thống nhất là đến giờ cơm mà chồ ng chưa về thì vợ cứ ăn trước. Có khi Bằng về muộn, Hồng ăn cơm rồi nhưng cô vẫn ngồi bên cạnh xới cơm, gắp thức ăn cho chồng. Vợ chồng chuyện trò vui vẻ. Hồng thấy sống như vậy cả hai đều thoải mái.

Me o que ra
Ảnh mang tính minh họa

Mẹ chồng lên chơi với vợ chồng mới hơn một tháng mà mọi thứ đảo lộn. Bắt đầu từ chuyện mâm cơm. Dù Bằng có về muộn đến mấy bà cũng chờ. Hồng nói cách nào bà cũng không nghe. Mẹ chồng không ăn thì con dâu nào dám làm trái. Thế là người ở ngoài thì vẫn mải mê với công việc, liên hoan, tiệc tùng còn người ở nhà thì dài cổ đợi. Có lần, Hồng định phá lệ thì bị mẹ chồng giảng cho một bài: “Vợ chồng cả ngày chỉ có bữa cơm chung, không ăn với nhau thì chả mấy chốc mà tan đàn sẻ nghé. Đàn bà thì phải biết nhẫn nhịn, chờ đợi chồng. Ngày xưa, chồng ra trận người ta còn chờ được cả cuộc đời huống chi giờ chỉ có mỗi bữa cơm”. Không còn cách nào khác, Hồng đành phải nghe theo.

Nhiều lần, mẹ chồng còn nhảy vào can thiệp vào chuyện của vợ chồng Hồng. Chồng Hồng những lúc rảnh rỗi thường đỡ đần vợ việc nhà nhưng từ khi mẹ chồng lên chơi, bà giành làm hết. Có hôm, bà đi tập thể dục về thấy Bằng đang giúp vợ phơi quần áo trên sân thượng, bà đuổi con trai xuống rồi gọi con dâu lên, chỉ giáo: “Mấy cái việc cỏn con này là việc của đàn bà. Lần sau con mà không làm được thì cứ bảo mẹ, đừng có sai chồng”. Hồng nghe mà ứa nước mắt. Từ ngày có mẹ lên Bằng cũng dè chừng. Anh chỉ đỡ việc cho vợ khi không có mặt mẹ. Đôi khi nhìn vợ tất bật Bằng chỉ biết động viên: “Thôi vợ cố gắng, đến khi bà về rồi đâu lại vào đấy”.

Với cháu, bà nội cũng xót và bênh chằm chặp. Cháu nghịch làm vỡ cốc, vỡ bát rồi nói hỗn, vậy mà bà bảo: “Nó còn nhỏ dại biết gì đâu mà mắng”. Nhiều lần Bằng an ủi vợ: “Thôi, em nhịn mẹ cho xong, mẹ đâu sống với mình cả đời”. Hồng nghĩ rất nhiều. Một ngày hay một đời nếu không thấu hiểu thì chẳng thể nào chia sẻ được với nhau. Hồng biết mẹ chồng yêu con thương cháu nhưng khi suy nghĩ, lối sống và khoảng cách thế hệ đang là lực cản, nếu như không thay đổi, điều chỉnh cách yêu của mình thì làm sao có sự hòa hợp. Thằng con Hồng từ ngày có bà lên được bà cưng nựng, chiều chuộng nên sinh hư. Hồng chỉ cần lớn tiếng dạy con là bà lại chạy ra can ngăn. Có lần, chịu không nổi, Hồng cáu: “Mẹ để cho con dạy cháu”, thế là bà đùng đùng ôm quần áo đòi về quê.

May là cô em chồng ở gần đó hiểu chuyện, đưa bà sang nhà, tỉ tê. Nhờ vậy mà bà được đả thông tư tưởng, dần dần hiểu ra và thay đổi. Ở chơi với con cháu hết hai tháng hè rồi mẹ chồng về quê. Trước khi về, bà nhìn Hồng nhắn nhủ: “Trong thời gian mẹ ở đây, có gì sai bỏ qua cho mẹ”. Hồng ứa nước mắt, phải chi cô gần gũi, tâm sự với mẹ nhiều hơn, có lẽ hai mẹ con đã hiểu nhau và có thêm những ngày đầm ấm. Giờ Hồng lại mong bà sắp xếp việc nhà dưới quê để lên chơi với vợ chồng mình, chứ không ngong ngóng mong bà sớm về như trước.

Thu Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI