Luôn có cách thoát khỏi cái điếu cày tàn bạo

12/04/2017 - 16:23

PNO - Clip chồng đập vào mặt vợ bằng cái điều cày có phải đã trở thành quá bình thường ở xã hội chúng ta? Nơi có quá nhiều người đàn ông gia trưởng, xem thường pháp luật và phụ nữ thì quen chịu đựng đòn roi?

Gần đây nhất, clip người chồng dùng cái điều cày đánh vào mặt vợ được tung lên mạng. Clip ngắn chỉ vài phút thôi nhưng có người đã không thể xem đến hết. Hình ảnh người chồng hung hăng, dùng vũ lực tát vào mặt vợ, chưa hả cơn, anh ta còn dùng  đến cả cái điếu cày đập tiếp vào mặt vợ mình, người vợ gục xuống, anh ta vẫn thản nhiên không hề nao núng.

Rồi người vợ tự ngồi dậy với gương mặt đầy máu, anh ta vẫn sấn tới để tiếp tục dọa nạt, hung hăng. Rồi chị được người thân đưa đi bệnh viện, người ta nói chị đã “may mắn không ảnh hưởng đến tính mạng”.

Câu chuyện này có phải đã trở thành bình thường ở xã hội chúng ta? Xã hội có quá nhiều người đàn ông gia trưởng, xem thường pháp luật và người phụ nữ lại quen chịu đựng với đòn roi và bạo lực tinh thần?

Anh Hồ Chu Thiên, TP. HCM, gởi ý kiến đến báo Phụ nữ:“Dưới góc độ của một người đàn ông, tôi nói thật, tôi nóng mặt không thể xem hết clip và không thể chấp nhận kiểu đàn ông như thế này. Tôi cũng có hai con gái, tôi cảm thấy lo lắng mỗi khi xem những clip kiểu thế này. Nó như một vấn nạn của xã hội mà pháp luật chưa đủ mạnh để răn đe loại đàn ông này.”

Luon co cach thoat khoi cai dieu cay tan bao
Anh Hồ Chu Thiên

Anh Lưu Duy Phan, kiến trúc sư, cho biết: “Tôi cũng nhiều lần xem kiểu clip này. Ngày còn bé, ở quê, gần nhà tôi, đàn ông đánh phụ nữ như cơm bữa. Say xỉn đánh, không tiền đi nhậu đánh, ghen tuông đánh… Và tôi chưa bao giờ thấy một ông trưởng thôn hay trưởng xã ghé hỏi thăm. Hàng xóm nghe đánh, nghe tiếng khóc của người vợ cũng quen, không ai can thiệp, ngoại trừ khi người phụ nữ bị thương tích quá nặng phải đưa đi cấp cứu.

Có những lần, khi chịu hết thấu người vợ chạy thẳng vào ngõ nhà tôi, ba tôi đóng cổng để ngăn người chồng chạy theo vào. Đó là một cách giúp đỡ âm thầm, và ít bị liên lụy nhất. Vậy nên, có lẽ lời khuyên tốt nhất là những người phụ nữ nên tự bảo vệ bản thân mình, hãy cứng rắn giải quyết ngay từ lần bị đánh đầu tiên.

Họp gia đình, đưa ra chính quyền hoặc làm căng lại với người chồng, nếu có thể, hãy ly hôn. Vì chính sự chịu đựng, nhu nhược là điều khiến thể loại đàn ông dùng bạo lực trị vợ ngày càng lấn tới.”

Luon co cach thoat khoi cai dieu cay tan bao
Anh Lưu Duy Phan

Xung quanh việc tìm giải pháp để tự bảo vệ mình, báo Phụ nữ xin trích dẫn lời khuyên từ nhà báo Lại Trương Ái Vi, người từng “nổi tiếng” ở mạng xã hội với câu chuyện nửa đêm phải dừng xe can thiệp một vụ bạo lực trên phố. Chị cũng cho biết, sau đó, nhờ sự động viên liên tục của chị, người phụ nữ đã nhiều năm bị chồng bạo hành này đã tự thoát ly ra khỏi cuộc sống đen tối. 

Chị nhắn gởi: “Hãy tìm cách tự giải thoát mình. Phụ nữ phải ý thức là cơ thể họ không ai có quyền bạo hành. Phải tìm cách thoát ly bằng mọi giá. Tôi không bao giờ khuyên chị em đi tìm hội đoàn, công an hay pháp luật can thiệp, vì sự thật, phụ nữ bị bạo hành và cam chịu bạo hành nhiều năm thường chấp nhận số phận, họ nghĩ báo công an hoặc kiện tụng là phiền phức và xem hành động của chồng mình không là phạm tội.

Và thực tế phụ nữ bị bạo hành thường đơn độc, không ai hỗ trợ họ để chống lại kẻ vũ phu đó hết. Vậy nên, lời khuyên tốt nhất là nếu lấy phải người đàn ông như vậy, phụ nữ hãy mạnh mẽ thoát ly ra khỏi cuộc sống đó. Và để làm được điều đó, phụ nữ nên độc lập kinh tế, từ đó mới thoát ly và hạnh phúc được.”

Luon co cach thoat khoi cai dieu cay tan bao
Chị Ái Vi

Nếu cần phải đem ra pháp luật, một luật sư cho biết: “Phụ nữ Việt Nam thường bị tâm lý xấu chàng hổ thiếp hay chịu đựng vì con khỏa lấp, vì thế họ càng ngày càng bị ức hiếp, người đàn ông của họ ý thức được điều này nên lại càng lấn tới, bất chấp luân thường đạo lý cũng như những hình phạt của pháp luật.

Đứng trên phương diện của luật pháp, điều đầu tiên cần làm là bạn hạy đi bệnh viện khám sức khỏe, lấy giấy giám định tỷ lệ thương tật. Nếu xác định tỷ lệ thương tật là từ 11% trở lên thì người chồng đã có thể bị khởi tố vì tội cố ý gây thương tích.

Chuyện bị đánh, đi bệnh viện để xác định tỷ lệ thương tật là nên làm, là bằng chứng, vũ khí để chống lại người chồng khi bạn muốn nhờ đến pháp luật can thiệp. Sự tha thứ có thể một lần, hai lần nhưng nếu là nhiều lần thì chính bạn đang tự tạo điều kiện cho người chồng phạm lỗi”.

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI