Chuyện 'nhỏ' mà không nhỏ

15/05/2015 - 11:54

PNO - PN - Có những chuyện hầu như bậc phụ huynh nào cũng biết, cũng từng dặn dò, dạy dỗ nhưng rồi con cái không chịu nhớ. Khi nhắc, trẻ lại cười toe toét: “Ờ, mấy chuyện đó dễ ợt. Con nhớ rồi mẹ ơi”. Nhớ nhưng rồi lại “vi phạm”, vậy làm sao cho trẻ nhớ lâu? Có một con mọt sách (BS Đỗ Hồng Ngọc, NXB Tổng Hợp TP.HCM) sẽ đáp ứng nhu cầu này.

edf40wrjww2tblPage:Content

Với lợi thế là bác sĩ từng công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, tác giả có thể nắm bắt nhiều “ca” mà trẻ hay mắc phải. Ông còn có lối viết giản dị, thân mật, dễ cuốn hút các độc giả nhí.

Chú bé Sinh ham đọc sách nhưng đọc ở nơi thiếu ánh sáng, thậm chí còn trùm mền đọc. “Mới mấy tháng, Sinh không thể đọc rõ chữ khi để sách hơi xa mắt một chút và ngày càng phải đặt sách gần sát mắt để đọc. Có khi mắt đỏ lên chảy cả nước mắt sống”. Từ đó, tác giả khuyên: “Lúc đọc sách phải đủ ánh sáng để mắt không bị mỏi. Phải ngồi ngay ngắn để tránh vẹo xương, còng lưng và nên giữ khoảng cách từ mắt đến sách ba mươi, bốn mươi phân là vừa, không để gần mắt quá sinh cận thị”. Lời khuyên này dễ nhớ vì có đối thoại, có nhân vật và nhất là nét vẽ minh họa ngộ nghĩnh.

Chuyen 'nho' ma khong nho

Tác giả còn đề cập đến chuyện mà nhiều trẻ em cho rằng “nhỏ” nhưng thật ra rất hệ trọng. Đó là chuyện ấu trùng giun sán bám trong lá rau. Cách lý giải khoa học của BS Đỗ Hồng Ngọc khiến nhiều phụ huynh giật mình, như khi ăn vào, ấu trùng vượt qua thành ruột non, theo dòng máu tĩnh mạch đến gan. Vượt gan, nó bơi một mạch qua tới phổi, trú ngụ ở đó một thời gian và trưởng thành… Do đó, đừng bao giờ quên “Rửa tay sạch trước mỗi bữa ăn, cắt sạch móng tay, không ăn rau cải sống sít, rửa không kỹ”. Đọc đoạn này rồi nhìn hình ảnh phiêu lưu của ấu trùng trong cơ thể người, ắt các bé sẽ “tỉnh ngộ” ngay thôi.

Ngoài ra, có những chuyện mà nhiều trẻ mắc phải, đó là... đầu có chí! Sau khi phân tích “đường đi nước bước” sinh ra chí rận, tác giả khuyên: “phải cắt tóc ngắn, gội đầu thường xuyên bằng xà bông. Có thể dùng lược dày chải chí một cách liên tục hoặc ra các nhà thuốc hỏi mua một thứ thuốc xức”.

Đôi lúc trong quá trình kể chuyện, tác giả còn pha trò dí dỏm để các cháu dễ nhớ hơn, chẳng hạn, “Ngày xưa… có một con voi”. Trẻ em nào cũng biết voi có vòi, nhưng nếu cắc cớ hỏi vì sao vòi của voi dài thì giải thích làm sao? BS Đỗ Hồng Ngọc kể, do chú voi tinh nghịch đánh nhau với cá sấu, bị cá sấu ngoạm mũi. “Giằng co mãi, sau cùng chú voi thắng cuộc, nhưng từ đó loài voi có cái mũi dài ngoằng ra thành một cái vòi”. Từ chuyện vòi con voi, tác giả “lái” qua chuyện vệ sinh mũi thật sinh động …

Có thể nói nhiều câu chuyện được lồng vào những lời khuyên gần gũi và vui nhộn, nhẹ nhàng nhắc con trẻ biết cách phòng tránh các bệnh thường gặp. Khi đọc sách cùng con, các bậc phụ huynh cũng có dịp cười thích thú khi nhớ về năm tháng tuổi thơ.

 HUYỀN SƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI