Tập… cưng vợ

05/11/2018 - 18:00

PNO - Vợ mình, phải thương chứ, bởi chỉ có nàng đi cùng mình đến hết cuộc đời, ở bên mình lúc nguy nan, bất trắc. Cưng vợ đâu có gì sai.

Tôi và đám chiến hữu đi thăm “đồng đội” nằm viện vì viêm tụy cấp. Mặt hắn không còn chút sức sống, co rúm vì đau đớn. Không ngờ sức đàn ông “trâu vật không chết” lại đầu hàng trước cơn đau. Vợ hắn sốt ruột và xót xa mỗi khi chồng lên cơn đau. Chị xoa nhè nhẹ lên tay hắn, thấm mồ hôi trên trán, dỗ dành “ráng lên anh”. 

Trông chị mệt mỏi như sắp ngã quỵ tới nơi. Tôi biết, nào phải riêng chị đang rối bời vì hắn nằm đây, mà ở nhà còn có mẹ già trên 70 tuổi, còn hai con nhỏ đang độ tuổi vẫn cần đưa đón đi học… Tôi và đám bạn không biết nói sao để động viên chị, vì cuộc nhậu hôm trước là chúng tôi ép hắn uống. Cả đám đều say tới mức phải bỏ xe lại, đi taxi về, rồi hắn xảy ra chuyện.

Tap… cung vo
Ảnh minh họa

Tôi bối rối khi đưa chị chiếc phong bì tiền mấy anh em góp lại. Chị thở dài: “Hôm qua tới giờ đã tốn bộn. Nhà lại không sẵn tiền, phải vay mượn mới tạm đủ”. Tiễn chúng tôi về, chị dặn: “Thấy anh ấy đau vậy, mấy anh phải biết sợ, uống ít thôi cho vợ con nhờ”. Câu này, vợ tôi nói với tôi không biết bao nhiêu lần.

Vợ chồng tôi lấy nhau gần 20 năm, yêu thương cũ mòn. Từ lâu, tôi đã không còn thói quen chia sẻ vui buồn cùng vợ. Làm ăn thất bại, công việc bất trắc, tôi tìm đến bạn bè. Vợ biết, chẳng giúp được gì, còn ca cẩm, lo âu. Mỗi phi vụ làm ăn thành công, tôi đưa vợ ít tiền, rồi tập hợp chiến hữu. Bạn bè từ lâu đã chiếm một phần quan trọng trong cuộc sống của tôi. Giờ nghĩ lại, nếu tôi nằm viện, người lo lắng, chăm sóc, chạy đôn chạy đáo vì tôi là vợ chứ không phải bạn.

“Cưng vợ thì được sống lâu, đội vợ lên đầu thì được trường sinh”. Không biết ai đã nghĩ ra câu thơ “thần thánh” này. Thoạt nghe, thấy buồn cười, nhưng không phải không có lý. Một khi xảy ra bất trắc, nếu không đủ yêu thương, làm sao vợ có thể chăm sóc, gánh đỡ trong lúc chồng đang kiệt quệ tinh thần lẫn thể xác. Tôi từng chứng kiến những phụ nữ nhẫn nại bên người chồng bị tai biến: đút ăn, lau rửa, khó nhọc dìu từng bước chân chồng run rẩy… Nhìn cách họ dịu dàng nâng đỡ tinh thần chồng, tôi tin, giữa họ luôn tồn tại tình yêu thương đẹp đẽ. Cũng không hiếm những người vợ phủi tay bỏ đi khi chồng không còn hy vọng hồi phục. Đừng vội trách cô ấy thiếu nhân nghĩa. Có thể, yêu thương giữa họ từ lâu đã nhạt.

Tap… cung vo
Ảnh minh họa

Nghĩ lại, bấy lâu tôi hờ hững với vợ nhiều. Vợ bệnh, tôi mua thuốc, cháo. Chấm hết. Đó là tình thương, nghĩa vợ chồng, không phải cưng vợ. Nếu cưng, tôi sẽ sờ trán, ôm vợ âu yếm, “đừng lo, có anh ở đây”. Nhưng chuyện đó xảy ra đã… gần 20 năm trước rồi. 20 năm, tôi đã để sợi dây yêu thương lơi dần, rời rạc. Sợi dây đó, giờ muốn nối lại, không phải dễ dàng. Nhưng, phụ nữ luôn rộng lượng và dễ… dụ dỗ. Bây giờ không sửa sai, còn đợi lúc nào. Nghĩ vậy, tôi tấp vào lề mua cháo gà - món vợ thích, thêm mấy hộp sữa can-xi.

Tôi cần tập cưng vợ, không phải để sống lâu, mà vì nghĩ đến gánh nặng vợ phải mang một khi tôi nằm bẹp, bỗng thấy thương đến xót lòng. Vợ mình, phải thương chứ, bởi chỉ có nàng đi cùng mình đến hết cuộc đời, ở bên mình lúc nguy nan, bất trắc. Cưng vợ đâu có gì sai. 

Nguyễn Văn Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI