Không nhận trông cháu ngoại, mẹ bị con gái mắng 'ham chơi, ích kỷ’

11/07/2017 - 06:30

PNO - Từ ngày nghỉ hưu, chị đăng ký học khiêu vũ, yoga, đi sapa chăm sóc da, làm tóc; thỉnh thoảng lại “xách ba lô lên và đi” với nhóm bạn cùng câu lạc bộ.

Nhà hàng xóm của tôi vừa xảy ra một vụ ẩu đả. Cô con gái ném cả lon sữa hộp trước cổng nhà mẹ đẻ rồi bỏ đi, sau một hồi chửi bới. Nào là “già rồi mà còn ham chơi, thích đú đởn hơn trông cháu”, “để đến khi nằm một chỗ không ai ngó ngàng đến". Cô ta đến nhờ mẹ trông cháu ngoại nhưng mẹ không đồng ý nên mới xảy ra cơ sự như thế.

Khong nhan trong chau ngoai, me bi con gai mang 'ham choi, ich ky’
Chị đã hết lòng với các con. Ảnh minh họa

Chị mất chồng từ năm 38 tuổi, một mình nuôi hai đứa con khôn lớn. Chị hy sinh cả tuổi xuân của mình cho con, không dám nghĩ đến chuyện đi bước nữa. Hai con gái lớn lên trong sự chăm chút tỉ mẩn của mẹ nên đều thành đạt, hạnh phúc riêng đủ đầy. Đến khi con lấy chồng, chị mới cảm nhận được sự tính toán riêng của từng đứa con, chị quyết định phải thay đổi. Tiền bạc dành dụm bấy nhiêu năm chị chia làm ba phần, làm của hồi môn cho hai con, phần còn lại cho mình. Coi như, trách nhiệm với con, chị đã hoàn thành trọn vẹn.

Đời chị đã vì con mà tự bó buộc đủ thứ, chưa biết sống cho bản thân. Một bộ váy đẹp cũng phải suy nghĩ cân đo với tiền học thêm tháng tới của con. Những chuyến du lịch của cơ quan lần nào cũng lỡ vì không dám để con ở nhà một mình. Vòng quay của những năm tháng đời chị chỉ quanh quẩn từ nhà đến cơ quan, ra chợ rồi lại về nhà. Đối với người có tính hướng ngoại như chị thì đó là một sự nhẫn nhịn đến câm nín. Đôi lần, cảm giác được tụ tập cùng bạn bè, thảnh thơi cà phê sáng, tìm một người bạn tâm giao cứ ngọ nguậy bức bối trong lòng chị.

Khong nhan trong chau ngoai, me bi con gai mang 'ham choi, ich ky’
Đôi khi con cái không hiểu nhu cầu của mẹ. Ảnh minh họa

Nhìn con khôn lớn mỗi ngày chị thấy sự đánh đổi đó cũng xứng đáng. Nhưng giờ đây, khi tuổi đã xấp xỉ sáu mươi, con cái đã yên bề gia thất vẫn cứ muốn ràng buộc mẹ. Còn chị không muốn tiếp tục cái vòng luẩn quẩn nuôi con dại lần hai của những người phụ nữ độ tuổi. Chị muốn được nghỉ ngơi và làm những gì mình thích để bù đắp những tháng ngày vất vả.

Từ ngày nghỉ hưu, chị đăng ký học khiêu vũ, yoga, đi sapa chăm sóc da, làm tóc; thỉnh thoảng lại “xách ba lô lên và đi” với nhóm bạn cùng câu lạc bộ. Chị sắm cho mình những bộ váy đẹp, bắt đầu giảm cân và tập thói quen trang điểm trở lại. Chị thấy cuộc sống tươi mới hơn, hạnh phúc tràn trề. Những cuộc chuyện trò tâm giao làm chị khuây khỏa, dù không có ý định tiến tới nhưng làm cho tâm hồn chị phơi phới vì được sẻ chia.

Con gái thấy mẹ nhàn nhã quá nên nhờ trông cháu vừa đỡ chi phí vừa để bà ngoại bớt “bung lụa”. Chị sẵn sàng giúp con tiền gửi trẻ nhưng kiên quyết không nhận trông cháu. Chị không sợ vất vả nhưng thấy mình còn quá nhiều việc cần phải làm, nhiều nơi cần phải đi, nhiều điều cần khám phá. Chị đã cho con hơn nửa cuộc đời không thể tiếp tục hy sinh cho cháu nốt phần còn lại để rồi nhận được gì khi thời gian cứ vùn vụt trôi. Chị bảo, chị không hề trông mong gì con báo hiếu, chỉ mong chúng sống trọn vẹn cuộc đời của mình là đủ. Chị có thể tự lo cho mình với một sổ tiết kiệm đủ để dưỡng già là ổn.

Tôi hoàn toàn hiểu những nỗi niềm của chị nhưng con chị và những người phụ nữ cùng thời chưa chắc đã thấu. Bởi vì họ đã quá quen với sự hy sinh vô điều kiện của các bà mẹ, tận tụy vì con cho đến hơi thở cuối cùng. Quen với nếp nghĩ mẹ về hưu “phải” nuôi cháu, làm giúp việc không công cho con. Để rồi, từ khi sinh con ra cho đến khi mất đi, cuộc sống của mẹ chỉ gói gọn trong những đứa con.

Những người phụ nữ đòi quyền nghỉ ngơi như chị bị xem là dị biệt, ích kỉ, không hợp với truyền thống, bị gắn cho tội không biết thương con. Rõ ràng điều đó là không đúng. Con chị rồi sẽ vượt qua giai đoạn con mọn như mẹ nó đã từng ngay cả khi không có sự hỗ trợ của chị nhưng ai đền bù lại cho chị những năm tháng đã qua.

San San

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI