Không ai thay thế được ông

01/12/2015 - 09:01

PNO - Tôi luôn kính trọng và nể phục ông của mình. Vị trí thần tượng số một trong tôi không ai thay thế được ông...

Nhờ sự tế nhị và lòng bao dung của ông mà những ngày về sau, mẹ tôi đã ý thức nhiều hơn trong việc học hỏi để có thể tự làm công việc trong gia đình. Dần dần, mẹ trở thành con dâu đảm đang trong mắt của bà.

Tôi luôn kính trọng và nể phục ông của mình. Vị trí thần tượng số một trong tôi không ai thay thế được ông, dù giữa làng chài mặn mùi gió biển, ông chỉ là một ngư dân bình thường, như bao người khác.

Tuổi thơ cơ cực, ông tôi không được học hành gì. Chưa đến tuổi trưởng thành, ông đã lênh đênh trên biển, chiếc thuyền và biển cả như được định sẵn cho ông. Ngày tháng vật lộn sóng gió biển khơi với ông không đơn giản chỉ là nghề, mà còn là cuộc chiến đấu để giành lấy sự sống và cái ăn.

Cuộc sống sung túc của gia đình được đổi bằng những năm tháng lao động chăm chỉ, cần mẫn cùng khí chất cương quyết, mạnh mẽ và cả chút liều lĩnh của ông. Ngoại trừ những ngày giông bão, người ta luôn thấy thuyền cá của ông đi trước về sau.

Khong ai thay the duoc ong
Ảnh mang tính minh họa

Trong gia đình, quyền uy của ông rất lớn. Lời ông nói ra, vợ con tuân theo răm rắp. Ông thể hiện vị trí quan trọng củ a mì nh qua việc quyết định các vấn đề lớn nhỏ trong gia đình. Nhưng không có nghĩa là ông gia trưởng. Điều khiến tôi kính phục ông là cách ông cư xử để giữ gìn hòa khí trong gia đình.

Về đất liền sau những chuyến đi biển dài ngày, ai cũng muốn được nghỉ ngơi, thảnh thơi trong sự chăm sóc của vợ con. Ở làng chài không lạ gì cảnh quát nạt, chửi mắng vợ con của những người đàn ông nghề biển khi việc cơm bưng nước rót chưa mang lại sự hài lòng.

Ông tôi cũng tranh thủ khoảng thời gian ít ỏi để nghỉ ngơi, uống ly trà sáng với người này, làm cữ rượu trưa với người kia… Những việc lặt vặt của gia đình, ông giao hết cho bà. Nhưng ông cũng chẳng phật lòng khi phải vào bếp nấu cho gia đình bữa cơm nếu vợ con bận rộn.

Sau những chuyến đi biển dài ngày, ông thèm bữa cơm bà nấu. Vậy mà có lúc bà vô tình, nấu những món thường ngày ông không thích, nhưng ông không phàn nàn, ngồi ăn như không có chuyện gì xảy ra, chỉ có điều ăn ít hơn bì nh thường. Chút không vui lúc đó của ông, bà để ý và tránh lặp lại lần sau.

Mẹ tôi kể ngày mới về làm dâu nhà ba tôi, nếu không có sự độ lượng của ông, không biết mẹ sẽ gặp khó khăn đến mức nào. Mẹ là cô gái phố thị từ nhỏ được cưng chiều, theo chồng về vùng biển, lạ lẫm với nhiều sinh hoạt thường ngày.

Bà tôi lại khó tính, nghiêm khắc với con dâu. Có những buổi sáng bà đi chợ về, dặn mẹ ở nhà làm cá nấu cơm, nào cá kho, nào cá nấu canh… còn bà có việc sang nhà hàng xóm.

Mẹ lo lắng vì có bao giờ đụng đến con cá con tôm, nói chi đến việc cá này phải ngắt đầu trước khi đem kho, cá kia phải rút xương hông để tránh ăn vào mắc cổ. Nhưng mẹ chẳng dám hé nửa lời. Bà đi rồi, mẹ ở nhà đi ra đi vào nóng ruột, cầu trời cho chồng về để mong được trợ giúp.

Ông ngồi uống trà trước nhà, dường như nghe được câu chuyện ở nhà sau, nhưng im lặng, coi như không quan tâm tới, bình thản uống trà. Khi bà đi rồi, ông âm thầm quan sát cô con dâu luống ca luống cuống ra vào, bồn chồn không yên, thấy tội nghiệp, biết thế nào bữa cơm trưa cũng không hợp lòng mẹ chồng.

Xong ly trà, ông xuống nhà sau, vờ xem giỏ cá, khen bà mua cá ngon, nói cá này khó làm, làm không khéo mất ngon. Ông bảo cô con dâu mang dao ra, ông ngồi vừa tỉ mẩn làm hết số cá, vừa dạy cho con dâu đặc trưng của từng loại cá để nấu thế nào cho ngon. Mẹ tôi trút được gánh đè nặng trong lòng, mừng rỡ ngồi lắng nghe ông. Rồi bà về, bữa cơm diễn ra trong vui vẻ, êm ấm. Bà không hề biết rằng bữa cơm ấy có bàn tay của ông.

Nhờ sự tế nhị và lòng bao dung của ông mà những ngày về sau, mẹ tôi đã ý thức nhiều hơn trong việc học hỏi để có thể tự làm công việc trong gia đình. Dần dần, mẹ trở thành con dâu đảm đang trong mắt của bà. Mỗi lần nhớ lại, mẹ vô cùng biết ơn ông. Đối với ông, mẹ không chỉ nể trọng mà còn yêu thương như cha của mình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI