Khi con 'núp bóng' công nghệ

11/12/2017 - 15:43

PNO - Tôi bực vì con lợi dụng việc học để chát chít với bạn bè nên quyết định tịch thu điện thoại, yêu cầu con làm bài xong mới được sử dụng.

Lên cấp II, sự học của con tôi vất vả hơn hẳn - bù đầu bù cổ, nhiều lúc thức đến khuya mà đống bài vở vẫn còn ngồn ngộn, thấy mà xót. Con than bài nhiều nên ăn cơm tối xong là buông chén đũa, chui vào phòng học.

Tôi vẫn tin con chăm học, cho đến một lần, hỏi thăm bạn cùng lớp con, mới bất ngờ vì việc học ở nhà của cháu ấy hoàn toàn nhẹ nhàng, thoải mái. Tôi bắt đầu dòm ngó con nhiều hơn.

Khi con 'nup bong' cong nghe
Ảnh minh họa

Có khi vào phòng, thấy con đang bấm điện thoại, tôi hỏi thì con bảo đang nhắn tin hỏi bài bạn, rồi xem cô cho tất cả bao nhiêu bài tập về nhà, sợ bị sót và vô vàn lý do khác nữa. Kết quả là tuy con tôi ngồi nhà học bài, chuyện gì của bạn bè xảy ra cùng thời điểm, cháu đều biết rành.

Tôi bực vì con lợi dụng việc học để chát chít với bạn bè nên quyết định tịch thu điện thoại, yêu cầu con làm bài xong mới được sử dụng. Phản ứng lại, con giãy nảy, bảo: “Con lấy gì để trao đổi bài với bạn? Con học bài xong là tụi bạn ngủ hết rồi, có mà nói chuyện với… ma. Những bài khó con còn phải gọi hỏi cô. Mẹ thấy đó, con có đi học thêm đâu, vừa đỡ tốn tiền, vừa đỡ đưa rước”.

Đến khuya, mọi người đi ngủ, nhìn con vẫn còn vật vờ với đống tập vở, tôi hỏi: “Độ bao nhiêu phút nữa thì con hoàn thành?”. Con trả lời nước đôi: “Nếu bài dễ thì con làm mau, bài khó thì lâu”. Kiểu nào con nói cũng trôi. Hôm rồi, con chơi quên cả giờ giấc - đến giờ đi ngủ mới cắm cúi học bài, sáng sớm uể oải không dậy nổi, đến khi dậy thì đã sát giờ đi học, chẳng kịp ăn sáng. Nhiều lúc tức mình, từ bảy giờ tối, tôi đã ngồi tại bàn học để canh con, thế mà cháu vẫn táy máy điện thoại.

Tôi trừng mắt, quát: “Mẹ ngồi đây mà con còn dám chơi? Ngày mai mẹ lấy điện thoại, không cho xài nữa”. Cháu phụng phịu: “Con nhắn tin so kết quả bài tập toán với bạn cán sự toán chứ có chơi đâu. Mẹ mà lấy lại điện thoại, con không làm bài được là do mẹ. Thầy cô có phạt con, mẹ chịu trách nhiệm”. Tôi phải làm sao để đối phó với kiểu học “trá hình” này của con? 

Ngọc Vân

Đã nguyên tắc thì không… dây thun

Trong hội thảo Các phương pháp nuôi dạy và hỗ trợ con cái tổ chức vào tháng 11/2017 tại Trường Quốc Tế Renaissance (Q.7, TP.HCM), thạc sĩ Lê Thị Minh Tâm (chuyên gia tư vấn tâm lý Trường đại học RMIT Việt Nam) đã ngừng lại khá lâu ở mục phụ huynh đồng hành với con cái trong việc học tập, vì có rất nhiều phụ huynh quan tâm và thực tế đã gặp không ít khó khăn, nhất là trường hợp con “núp bóng” công nghệ như chuyện nhà chị Ngọc Vân

Rõ ràng, phụ huynh đã dùng rất nhiều cách, như bỏ công bỏ việc ngồi bên cạnh, khuyên răn, nhắc nhở… nhưng những đứa trẻ ở tuổi teen đã có đủ ngôn ngữ, lập luận để bẻ gãy sự “khống chế” của cha mẹ. Không thể phủ nhận vai trò của chiếc điện thoại trong việc học của con trẻ, nhưng làm sao để nó không trở thành “phản thần” của con. 

Khi con 'nup bong' cong nghe
Ảnh minh họa

Khi học bài xong, não bộ vẫn còn rất căng, không ngủ liền được. Ít nhất phải sau một giờ con mới có thể đi vào giấc ngủ. Chơi dài, đến khuya mới chính thức học bài là thói quen tác động tiêu cực đến việc học hành và sức khỏe của trẻ đang trong tuổi phát triển.

Theo thạc sĩ Minh Tâm, phụ huynh nên chọn một ngày để nói chuyện với con và chỉ nói một lần thôi để thiết lập lại giờ giấc khoa học: sinh hoạt, học bài, ngủ nghỉ. Cần thống nhất với trẻ chuyện muốn trao đổi với bạn bè hay lên mạng lấy tài liệu thì phải hoàn thành trước 22 giờ (hoặc 21, 20 giờ).

Sau thời điểm này, phụ huynh sẽ ngắt kết nối và trẻ phải tự sắp xếp thời gian với “giới nghiêm” đó. Nếu lời nói của cha mẹ không đủ tác động, có thể nhờ giáo viên, chuyên viên ở trường học hỗ trợ; đề xuất, trò chuyện với trẻ về quản lý thời gian, cách thức thu thập tài liệu, học nhóm…

Thời điểm cắt mạng hay điện thoại, quyền lực (và trách nhiệm) thuộc về cha mẹ, con trẻ không được phép vượt qua ngưỡng đó. Điều quan trọng là khi đã đạt được sự thống nhất, nguyên tắc nên được áp dụng cho cả gia đình chứ không chỉ áp riêng cho con. Thông thường, muốn thay đổi hành vi của trẻ phải có thời gian từ 7-24 ngày tùy hành vi. Phụ huynh cần giữ vững nguyên tắc trong vòng một tháng, kiên quyết đến cùng dù trẻ cố tình chống đối.

Nếu bạn chiều con một lần, con sẽ "lờn", mặc cả và sau đó sẽ phá vỡ quy định, tình trạng sẽ tái lập y như cũ, cha mẹ càng bực bội mà khi bực thì sẽ “hát” với con nhiều hơn, thất vọng với con hơn. trong khi đó, những đứa trẻ sẽ ngầm hiểu: “Mẹ mình xài luật dây thun - nói rắn vậy chứ không làm đâu”.

Trên hết, cha mẹ nên ươm mầm ước mơ, đam mê cho con và cùng con vẽ ra đường dẫn đến ước mơ - một lộ trình không thể thiếu học tập, trau dồi, khổ luyện. Đó là động lực thúc giục con không ngừng bước và gạt bỏ những cản ngại dù chúng hấp dẫn, đầy ma lực như trò chơi game hoặc chát chít qua điện thoại.

Diệu Hiền (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI