Con tôi có đến hai người cha cấp dưỡng

09/08/2018 - 08:55

PNO - Dù cha mẹ ly hôn nhưng con vẫn nhận đủ tình thương của cả ba và mẹ, bản án ly hôn hay sự cách trở địa lý sẽ chẳng là gì nếu cha mẹ vẫn quan tâm và yêu thương con cái.

Mấy hôm nay tôi có theo dõi về loạt bài cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn của quý báo. Tôi không định viết trường hợp của mình cho đến khi đọc bài Tôi để lại nhà cho vợ con khi ly hôn, chưa tháng nào quên gửi tiền cấp dưỡng. Câu chuyện làm tôi nghĩ đến hai chủ tài khoản hàng tháng chuyển tiền cho tôi. Quả thật, không phải ông bố nào cũng "quỵt" khoản này, hoặc vì tôi quá may mắn.

Tôi lấy chồng khi còn quá trẻ, đã không có công ăn việc làm lại phải ở chung với cha mẹ và hai cô em chồng đang tuổi lớn. Chồng tôi lại đi làm xa tuần mới về một lần, tôi ở nhà chồng mà cứ phải mắt trước mắt sau đối phó "thù trong giặc ngoài". Vì còn quá trẻ, chưa biết cách cư xử nên khi chưa hết năm đầu chung sống, tôi đã xin ly hôn vì không chịu nổi. Hơn một tháng sau tôi mới biết tin mình mang thai, vì thai con gái nên chồng và gia đình không mặn mà, tôi quyết định làm mẹ đơn thân. 

Rồi tôi gặp Danh khi đang có thai ở tháng thứ bảy, anh đưa em gái đi khám vì em rể bận công trình xa, chúng tôi gặp nhau. Hẹn hò tâm sự qua lại, anh muốn chúng tôi thành một gia đình trước khi con gái được sinh ra "cho con khỏi tủi thân". 

Con toi co den hai nguoi cha cap duong
Ảnh minh họa

Sự cô đơn và cảm kích khiến tôi gật đầu nhanh chóng. Nhưng cũng chỉ ba năm, chúng tôi một lần nữa lại ra tòa, lý do vì tôi không thể sinh nữa trong khi anh là đích tôn, bố anh đã mất, mẹ lại bệnh tật. Ước mong của bà là trước khi mất được nhìn thấy cháu nội, bà không ghét bỏ tôi, muốn tôi để Danh “cải thiện” bên ngoài, đứa trẻ sẽ được mang về nuôi. Tôi không đồng ý, chúng tôi chia tay. Anh lấy vợ và có những đứa con của mình. 

Danh thương con gái thật sự nên anh không cho tôi nói con gái không phải con anh, tất nhiên, anh đồng ý chu cấp hàng tháng cho con.

Tôi đã nói anh không cần làm thế, mình tôi có thể nuôi con được, ngày đó chưa gặp anh, tôi đã xác định rồi. Danh nói không đáng bao nhiêu, coi như anh mua quà cho con, dù sao con gái cũng gọi anh là ba mấy năm nay. 

Anh vẫn giữ lệ đó dù nay anh đã có vợ có con, tôi đã từng đến gặp chị vợ anh, nói rõ mọi chuyện, nhưng cũng như chồng, chị cười nói đó là chuyện riêng của Danh trước khi chị có mặt. Chị còn an ủi ngược lại tôi, “cứ nhận đi cho ảnh vui, thêm thắt vào lo cho con gái, đừng phụ lòng ảnh”.

Con toi co den hai nguoi cha cap duong
Ảnh minh họa

Thế rồi khoảng 1 năm sau, chồng đầu của tôi, là cha ruột của con gái đến gặp nói bấy lâu thờ ơ với con, nay anh muốn chuộc lỗi với con. Quay lại với mẹ con tôi thì không được vì anh đã có vợ con, anh sẽ lo tiền trường lớp sách vở cho con phụ tôi. "Anh đâu nghĩ nuôi một đứa trẻ lại vất vả như vậy, chỉ khi vợ anh sinh con anh mới hiểu, từ ngày mới sinh yếu nhớt, lớn lên với bao lo lắng ốm mệt, anh chợt nhớ đến đứa con gái mình chưa từng ẵm bồng”.

"Nhưng nó không biết anh là ba ruột, nó vẫn nghĩ Danh mới là ba nó!", tôi nói. "Không sao, cứ để con thoải mái lớn lên, mười, hai mươi hay ba mươi năm nữa con biết cũng được, là anh có lỗi không quan tâm con!"

Và cứ đều đặn mỗi tháng, điện thoại tôi sẽ hai lần tít tít báo tin tài khoản biến động, và cả hai lần tôi quay trở lại cảm giác xúc động và áy náy. Con gái tôi mới bốn tuổi, tôi chưa thể chia sẻ cảm giác với con, dù cha mẹ ly hôn nhưng con vẫn nhận đủ tình thương của cả ba và mẹ, bản án ly hôn hay sự cách trở địa lý sẽ chẳng là gì nếu cha mẹ vẫn quan tâm và yêu thương con cái.

Con toi co den hai nguoi cha cap duong
Bản án ly hôn hay sự cách trở địa lý sẽ chẳng là gì nếu cha mẹ vẫn quan tâm và yêu thương con cái. Hình minh họa

Ngẫm ra, con gái tôi hạnh phúc hơn rất nhiều những đứa trẻ khác đang lớn lên trong "gia đình khiếm khuyết" bởi con không những nhận được "chu cấp" vật chất hàng tháng, còn nhận được cả những chu cấp tinh thần là những buổi gặp mặt, cùng ăn cơm hay đi chơi đâu đó, thăm họ hàng rất thoải mái từ hai người cha.

Tôi hi vọng câu chuyện của tôi có thể khiến những người bố, người mẹ đang thoái thác trách nhiệm này với con có thể nghĩ lại. Con sẽ lớn, và nhanh thôi, chúng sẽ không còn cần sự quan tâm bảo bọc của chúng ta nữa. Hãy yêu con khi còn có thể.

T. Hà (TP. HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI