Đẩy cha mẹ vào vòng lao lý

25/08/2013 - 11:10

PNO - PNCN - Chín tháng qua, sự việc anh Trần Thế Vinh và vợ là Nguyễn Thị Trang Bích Liễu (ấp Hòa Ninh, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) khiếu kiện cha mẹ đã gây bàng hoàng chốn làng quê vốn rất thanh bình. Nhưng điều khiến...

Day cha me vao vong lao ly

Bà Nguyễn Thị Luật bức xúc vì quyết định buộc vợ chồng bà phải thực hiện hợp đồng tặng đất cho Vinh

Máu đào thành nước lã

Vừa đến UBND xã Hòa Tịnh, hỏi thăm chuyện ông bà Trần Văn Khỏe, Nguyễn Thị Luật bị con trai và con dâu kiện đòi đất, chúng tôi nhận ngay những cái lắc đầu đầy vẻ cám cảnh. Ông Trần Quốc Tuấn - Phó chủ tịch UBND xã nói: “Rất buồn là dù xã hòa giải đến hai lần vẫn không thành”. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mái ngói ba gian cũ kỹ, đối diện ngôi nhà khang trang của con trai và dâu bị bỏ hoang, bà Luật rơi nước mắt: “Không còn gì xấu hổ hơn khi bị con trai con dâu dẫn mình đến công đường!”.

Theo lời kể của ông bà, Vinh là con trai trưởng, đứa con ông bà yêu thương hết mực. Năm 2003, Vinh bị tai nạn, chấn thương sọ não. Để cứu con, ông bà cầm cố mảnh vườn gần 3.000m2, mà trên đó giờ có căn nhà của vợ chồng Vinh. Mãi đến ba năm sau, ông bà mới trả được số nợ này.

Sau khi chạy chữa cho Vinh lành vết thương, bà Luật mua cho con trai một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thời hạn 10 năm. Bà kể: “Dù đang phải trả nợ, nhưng nghĩ đến tương lai của con nên tháng nào tôi cũng dành ra 162.000đ đóng bảo hiểm. Trước đây chồng tôi chỉ ở nhà làm vườn, nhưng từ lúc con xảy ra chuyện, ở tuổi 50, ông ấy phải đi phụ hồ kiếm thêm. Chỉ còn tôi chăm mảnh vườn này. Năm 2009, Vinh cưới Liễu. Năm 2010, sau tám năm đóng bảo hiểm, do cần tiền xuống giống dừa, tôi đã vay lại từ hợp đồng bảo hiểm này 11 triệu. Biết chuyện, con trai, con dâu tôi qua đòi lại hợp đồng, lý do người được bảo hiểm là Vinh. Khi tôi chưa có tiền xoay xở, chúng đòi khiếu kiện tôi. Thấy sự việc không ổn, lo bà con làng xóm chê cười nên tôi đã lấy sổ đỏ của mảnh đất đó thế chấp, vay tiền trả lại tiền cho bên bảo hiểm, lấy hợp đồng nộp lại cho con”. Sau khi lấy lại hợp đồng bảo hiểm, Vinh yêu cầu mẹ sang tên cho mình và thanh lý hợp đồng này. Bà Luật cho biết, bà không tiếc tám năm chắt chiu dành dụm, nhưng bà đau lòng vì con trai không biết nghĩ. Bà Trần Thị Bảy, người láng giềng của gia đình Vinh nói: “Hơn 60 năm sống ở xứ này, tôi chưa từng thấy người cha nào thương con, đau khổ vì con như ông Khỏe. Ông ấy vì vợ con làm quần quật suốt, không biết đi tiệm để ăn một tô hủ tíu hay uống một ly cà phê là cái gì. Vậy mà…”.

Ngay sau khi chuyện trên xảy ra, với sự hỗ trợ của gia đình bên vợ, Vinh xin cất nhà trên phần đất hiện tại. Nghĩ mình rồi cũng sẽ chết đi, tài sản tạo dựng để lại cho các con nên ông bà Luật đồng ý. Nhưng bà Luật và ông Khỏe đều khẳng định: “Chúng tôi chưa lên tiếng hay viết mảnh giấy tờ nào cho con mà chỉ chỉ chỗ cho chúng cất nhà thôi”.

Day cha me vao vong lao ly

Ngôi nhà khang trang của Vinh đã bị bỏ hoang hơn một năm qua

Day cha me vao vong lao ly

Quyết định của tòa buộc ông bà Khỏe thực hiện hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho con trai

Quyết định khó hiểu

Sau khi vào nhà mới ở vài tháng, bỗng Vinh và Liễu yêu cầu ba mẹ cắt sổ đỏ, chia cho hai vợ chồng 1.200m2 đất. Vì đang thế chấp sổ đỏ ở ngân hàng, bà Luật và ông Khỏe năn nỉ con trai: “Con hãy thư thư cho ba má”.

Khoảng đầu năm 2012, Vinh, Liễu bỏ ngôi nhà này về quê Liễu làm ăn sinh sống và khởi kiện ông Khỏe, đòi phải tách riêng quyền sử dụng đất cho Vinh đứng tên, UBND xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo đã tổ chức hòa giải nhưng không thành. Đến ngày 21/12/2012, TAND huyện Chợ Gạo đã nhận đơn của Vinh và Liễu khởi kiện cha mẹ mình, yêu cầu tòa xác nhận diện tích 300m2 đất có ngôi nhà do hai vợ chồng xây cất (trên phần đất do cha mẹ Vinh đứng tên quyền sử dụng đất) là của hai vợ chồng, đồng thời yêu cầu ông Khỏe, bà Luật không được ngăn cản vợ chồng Vinh trong việc sử dụng và định đoạt tài sản. Ở phiên hòa giải cấp xã, Vinh nói: “Vì ba má hứa cho chúng tôi đất nên chúng tôi mới đổ tiền vào cất nhà. Cất xong nhà, ba tôi lại nói không chia đất… nếu không kiện, lẽ nào chúng tôi mất trắng hay sao?”.

Sau phiên hòa giải đầu tiên không thành, ngày 14/3, Vinh với tư cách là nguyên đơn có đơn yêu cầu đo đạc, định giá tài sản tranh chấp. Ngày 12/4/2013, Hội đồng đo đạc đã đến nhà ông Khỏe tiến hành đo đạc với sự có mặt của các bên đương sự. Nhưng ông Khỏe không ký vào biên bản này vì ông cho biết mình là chủ của nó và không chia cho ai. Ông nói: “Lý do quan trọng hơn khi tôi không ký biên bản này là vì thông báo tiến hành đo đạc của tòa gửi tôi lại không có số”. Vậy mà cuối cùng, ngày 11/6/2013, TAND huyện Chợ Gạo vẫn ban hành quyết định số 64/2013/QĐ-TA buộc ông Khỏe, bà Luật, con trai và con dâu phải thực hiện hoàn thiện hình thức hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Quyết định ghi rõ: “Xét thấy việc ông Trần Văn Khỏe, bà Nguyễn Thị Luật có thỏa thuận cho anh Trần Thế Vinh phần diện tích đất 1.200m2 tọa lạc tại ấp Hòa Ninh, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã không đúng hình thức hợp đồng tặng cho… Quyết định: Buộc các ông bà có tên trên hoàn thiện hình thức hợp đồng tặng cho trong vòng 30 ngày”.

Trả lời phóng viên Báo Phụ Nữ, TAND huyện Chợ Gạo cho biết: “Việc ra quyết định này là một hình thức bắt buộc của thủ tục tố tụng, trong thời hạn 30 ngày, nếu ông Khỏe, bà Luật không thực hiện quyết định, tòa sẽ chuyển sang Viện Kiểm sát huyện để đưa vụ án ra xét xử”.

Ông Khỏe khẳng định: “Vợ chồng tôi không có nhu cầu cho tặng ai đất đai, vì sao lại ép chúng tôi thực hiện quyết định như vậy? Là người nông dân, chân lấm tay bùn, ít hiểu biết về pháp luật, nhưng tôi cũng biết một điều rất rõ ràng: Chúng tôi có quyền với tài sản của mình, không ai được quyền bắt ép tôi phải chia phần tài sản đó hay cho tặng ai đó không theo nguyện vọng của chúng tôi”.

Cái tin vụ án sẽ được ra xét xử trong nay mai khiến người dân ở xóm ấp yên bình ấy đau lòng, không chỉ vì quyết định khó hiểu của TAND huyện Chợ Gạo, mà còn là câu chuyện buồn về đạo lý làm người.

NGHI ANH

KHÔNG ĐỦ ĐIỀU KIỆN KHỞI KIỆN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG

Theo quy định tại các điều 689, 722, 723 Bộ luật dân sự và điều 129 Luật đất đai thì hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất (QSDĐ) là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao QSDĐ cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận. Về hình thức, thủ tục: Việc tặng cho QSDĐ phải lập thành văn bản (có thể là hợp đồng tặng cho QSDĐ hoặc văn bản cam kết tặng cho QSDĐ) có công chứng hoặc chứng thực, sau đó phải được đăng ký theo đúng quy định.

Như vậy, đối với tranh chấp hợp đồng tặng cho QSDĐ, thì “đối tượng” đầu tiên cần phải có là văn bản hợp đồng tặng cho QSDĐ hoặc văn bản cam kết tặng cho QSDĐ có chữ ký của ông Khỏe và bà Luật.

Theo hướng dẫn tại mục I.5, Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, hướng dẫn thi hành điều 165 Bộ luật tố tụng dân sự thì về nguyên tắc, khi nộp đơn khởi kiện cho tòa án, người khởi kiện phải gửi kèm theo tài liệu, chứng cứ để chứng minh họ là người có quyền khởi kiện và những yêu cầu của họ là có căn cứ và hợp pháp.

Căn cứ hướng dẫn trên, lẽ ra khi ông Vinh, bà Liễu nộp đơn khởi kiện tranh chấp hợp đồng tặng cho QSDĐ mà không nộp kèm theo bản sao hợp đồng tặng cho QSDĐ có chữ ký của ông Khỏe và bà Luật, thì tòa án phải thông báo yêu cầu nguyên đơn phải bổ sung trong hạn 30 ngày, nếu nguyên đơn không bổ sung được thì tòa án phải trả lại đơn khởi kiện. Trường hợp nếu đã thụ lý vụ án thì căn cứ điều 192, 193 và điểm d, khoản 1, điều 168 Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi, bổ sung năm 2011) tòa án ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, với lý do nguyên đơn không đủ điều kiện khởi kiện về tranh chấp hợp đồng tặng cho QSDĐ.

Việc tòa án biết rõ nguyên đơn không đủ điều kiện khởi kiện mà vẫn thụ lý và đi sâu vào ban hành quyết định buộc hoàn thiện hình thức của hợp đồng, tổ chức đo đạc, định giá, hòa giải và xét xử… về tranh chấp hợp đồng tặng cho QSDĐ là vi phạm nghiêm trọng pháp luật về tố tụng dân sự.

Luật sư HUỲNH MINH VŨ
(Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI