Khát vọng sống: Như loài xương rồng nở hoa trên đá sỏi

13/03/2017 - 16:05

PNO - Ðang tràn đầy năng lượng với rất nhiều ước mơ, dự tính, chị như người hụt chân, rớt xuống vực thẳm trước ‘cú đúp’ ung thư.

LTS: Không chùn bước trước nghịch cảnh, mang theo khát khao cháy bỏng được sống hạnh phúc, được là người có ích, họ đương đầu và nỗ lực vượt qua thử thách. Sức mạnh của tình yêu, ý chí, niềm tin, lòng dũng cảm của những con người ấy đã tạo nên sự cộng hưởng to lớn trong cộng đồng, lan tỏa vẻ đẹp của những trái tim cao cả. Báo Phụ Nữ trân trọng giới thiệu những gương mặt của nghị lực và hy vọng, mang tên KHÁT VỌNG SỐNG.

Khat vong song: Nhu loai xuong rong no hoa tren da soi
Chị Kim Thư

Đang tràn đầy năng lượng với rất nhiều ước mơ, dự tính, chị như người hụt chân, rớt xuống vực thẳm trước ‘cú đúp’ ung thư.

Qua hơn mười năm đằng đẵng chống chọi mà hành trình gói trong hai chữ ‘kinh hoàng’, chị bảo: ‘Giờ tôi như người vươn vai đứng dậy sau một giấc ngủ dài, khát khao làm việc, cống hiến’. Tiệm may Áo dài Kim Thư nằm giữa thành phố Bạc Liêu không quá lớn, nhưng nhiều người biết đến chủ tiệm - chị Nguyễn Thị Kim Thư - không chỉ bởi sự sắc sảo, khéo léo thể hiện trên mỗi sản phẩm mà còn bởi nghị lực phi thường của nữ chủ tiệm.

Không thể dang dở những giấc mơ đời

Công tác ở Bảo hiểm xã hội tỉnh Bạc Liêu, năm 2005, lúc vừa làm xong luận văn tốt nghiệp đại học ngành kinh tế hệ tại chức cũng là lúc chị Kim Thư phát hiện cơ thể mình có nhiều biểu hiện lạ: mệt mỏi, sốt nhẹ về chiều, âm ỉ đau vùng thượng vị. Đi khám, đất trời sụp đổ khi chị biết mình bị ung thư dạ dày.

Kết quả chẩn đoán như cú tát số phận giáng lên niềm hăm hở với những hoạch định tương lai: tốt nghiệp xong sẽ mở một cửa tiệm áo dài mang tên mình, tính chuyện lập gia đình... Tình cờ bắt gặp dòng chữ ‘dự kiến cắt toàn bộ dạ dày’, chị điếng người, cảm thấy cái chết đã rất gần. Cơn chán nản ập đến, bủa vây chị bằng muôn vàn câu hỏi: Mình qua được hay không? May mắn sống thì sống được bao lâu? Dạ dày không còn, ăn uống làm sao để đủ sức khỏe lao động, liệu có thành gánh nặng cho gia đình?

Nghĩ quẫn rồi chị tự trấn an mình: ‘Còn mổ được tức là còn cơ hội sống’. Nhìn mẹ, nhìn anh trai, chị lạc quan lẩm bẩm: “Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng/ Lòng khỏe nhẹ anh dân quê sung sướng/ Ngửa mình trên liếp cỏ ngủ ngon lành/ Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh…”. Quên bẵng câu thơ cuối, chị đưa mắt cầu cứu anh trai. “Vui nhẹ đến trên môi cười hy vọng” - anh tiếp. Bồi hồi nhớ khoảnh khắc anh trai choàng tay ôm mình sau câu thơ ứ nghẹn, chị Kim Thư bảo, mãi mãi không quên được, bởi đó như thể một cuộc tiễn biệt - chỉ có đi, không có về.

Ca mổ cắt 4/5 dạ dày thành công đưa chị trở lại với cuộc sống mà nếp sinh hoạt buộc phải khắt khe hơn: tự tay chọn mua thực phẩm, tự nấu ăn để đảm bảo dinh dưỡng, đặc biệt phải chia nhỏ sáu bữa ăn trong ngày. Đầu năm 2006, sau sáu đợt hóa trị, sức khỏe khả quan, nỗi mừng vui khôn xiết dần cho phép chị quay về với những kế hoạch cuộc đời thì trong một lần tái khám, chị tối sầm mặt: chỉ số CEA (xét nghiệm theo dõi sự tái phát ung thư) tăng bất thường, gấp năm lần mức cho phép. Nghi ngờ bệnh cũ đã di căn, nhưng không, kết quả mới như trận đòn chí mạng: chị mắc thêm căn bệnh ung thư nội mạc tử cung.

Cú đúp bệnh tật như cuồng phong quật người phụ nữ mong manh xuống hố sâu tuyệt vọng. Chị đau khổ, buồn tủi, sợ hãi cho tình cảnh quá bi đát của mình. Và, làm sao cơ thể gầy rộc chưa hoàn toàn chiến thắng một căn bệnh kia lại có thể chịu được sức nặng của cuộc điều trị thêm một căn bệnh khác? Nhưng, một lần nữa, chị không để mình bị nhấn chìm trong xúc cảm tiêu cực.

Khát khao được sống, sống không phụ lòng những người đã “chiến đấu” cùng mình với căn bệnh cũ, và trên hết, tiếc nuối bao giấc mơ dang dở, chị quyết tâm hơn: ‘Chết thì trước sau gì cũng chết, nhưng chết mà chưa kịp sống và làm những điều mình yêu thích thì thật đáng tiếc vô cùng’. Chỉn chu thu xếp việc cơ quan, tất bật lo đám cưới em trai, gắng hoàn thiện mấy đơn áo dài đã cắt, chị lặng lẽ một mình đi TP.HCM cho ‘cuộc chiến’ sắp tới.

Đêm ấy, chuyến xe đưa chị rời Bạc Liêu lên Sài Gòn đầy ứ nỗi hoang mang, buồn tủi. Tâm tư nặng trĩu, chị trộm nghĩ, lẽ nào đây là chuyến đi cuối cùng? Chị thắt lòng nhớ lại có lần, bố nhờ mua một cuốn băng cát-xét, nói rằng để thu lại những bài hát ông thích. Một chiều chị đi làm về sớm, bắt gặp bố nhìn mình bối rối, vội giấu băng cát-xét.

Đợi bố rời nhà, chị tò mò lén mở rồi ôm ngực nức nở. Trong cuốn băng, không phải những bài hát mà là lời căn dặn ông gửi cho từng người ở lại, khi biết mình sắp sửa ‘đi xa’. Cũng như bố, tâm trạng chị bấy giờ chỉ một niềm an ủi: việc cơ quan chu toàn, cửa nhà dọn dẹp ngăn nắp và đã trọn vẹn với người thân trong từng lời gửi lại.

May mắn lần nữa, như một phép màu, ca phẫu thuật thành công. Dẫu tử cung bị cắt, dẫu thiên chức làm mẹ không còn, song chị biết mình đã thắng. Mà, kết quả không tưởng ấy, trong một lần trả lời cho câu hỏi của chị, bác sĩ khẳng định: ‘Một yếu tố quan trọng đã giúp chị khuất phục hai căn bệnh ung thư, đó là nghị lực của chính chị. Nghị lực và tinh thần lạc quan là hai thứ mà y học đã chứng minh là yếu tố giúp cơ thể chống lại mọi bệnh tật’. Hơn ai hết, chị hiểu rằng, sẽ không có kỳ tích nếu tự thân không nỗ lực: phải vừa chống chọi với căn bệnh của thể xác cũng đồng thời chống chọi với ‘tâm bệnh’, điều mà bất cứ ai trong hoàn cảnh ấy đều rất dễ vương mang.

Cho đi là hạnh phúc

Hơn mười năm bất đắc dĩ sắm vai ‘chiến binh’ giành sự sống của chính mình, có những lúc cô đơn cùng tận, những ngày quằn quại oằn mình trong cơn đau, chị ghi lại mọi diễn biến trải qua. Hành trình của “những ngày đã qua kinh hoàng ấy” được chị tập hợp, in thành cuốn tự truyện Niềm tin chiến thắng, được Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ TP.HCM mua bản quyền tái bản, giới thiệu trong Hội sách TP.HCM lần IX. Tác phẩm không đơn giản là những dòng sẻ chia, tự bạch; ở đó, còn có thông điệp gửi đi: dẫu hoàn cảnh nghiệt ngã, bế tắc, thái độ sống tích cực là điều nhất định phải mang theo, như loài xương rồng mạnh mẽ, quyết liệt nở hoa trên đá sỏi khô cằn.

Khat vong song: Nhu loai xuong rong no hoa tren da soi
 

Bình thản kể về những ngày đã qua, chị Kim Thư cho biết, quãng ấy, mỗi ngày được sống thêm, với chị là một ngày trải qua muôn vàn cảm xúc; đôi lúc cũng khó chịu trước miệng lưỡi nhân gian, nhất là khi có người phán ‘do kiếp trước ăn ở không ra gì’. Chị trải lòng: ‘Một người đang mắc bệnh, nghe những lời như vậy càng bi quan hơn. Mà, không căn bệnh ung thư nào đáng sợ hơn ung thư tinh thần, tâm trí nhiễu loạn’.

Thế rồi, chị quyết định đến với nhiều bệnh nhân, ngoài sẻ chia, còn mang theo thông tin đúng, giúp họ hiểu rằng, mọi bệnh tật đều có căn nguyên, cần điều trị đúng theo phác đồ trị liệu, từ đó giúp bệnh nhân loại trừ các tác động không tốt đến thể chất, tinh thần.

Cùng với những người bạn, chị đồng sáng lập Hội Ung thư tỉnh Bạc Liêu, tạo sân chơi Sống vui sống khỏe dành riêng cho bệnh nhân ung thư và thân nhân trong tỉnh với nhiều hoạt động vui chơi ý nghĩa, đồng thời qua câu chuyện đời mình, chị tiếp thêm nghị lực sống cho nhiều người mắc bệnh.

Mỗi dịp tết, chị vận động bạn bè quyên góp kinh phí, từ đó trao những phần quà, mang bữa cơm đến với các bệnh nhân ung thư phải đón tết trong bệnh viện. Mới đây, ngày 4/3, chị đã tham gia tổ chức thành công buổi họp mặt lần thứ nhất khu vực phía Nam dành cho bệnh nhân ung thư. Ngoài được các bác sĩ đầu ngành cung cấp kiến thức, ban tổ chức còn tặng mỗi bệnh nhân nhiều phần quà giá trị nhằm động viên tinh thần, giúp họ vơi bớt nỗi nhọc nhằn, yên tâm điều trị.

Cho tôi xem chiếc điện thoại mở sẵn mục danh bạ, chị Kim Thư trầm giọng: ‘Nhiều người gọi nhờ tôi tư vấn, chia sẻ những vấn đề liên quan đến ung thư. Trong cơn bấn loạn, họ không kịp nói tên nên tôi đành lưu K-Đồng Nai, K-Quảng Trị…’ (K - ký hiệu y học của bệnh ung thư). Không cần một cái tên cụ thể, nhưng chị nhớ rõ từng hoàn cảnh người bệnh, để thường xuyên thăm hỏi, đồng hành. ‘Giờ tôi chỉ cố gắng làm thật nhiều điều có ích cho cộng đồng để bản thân được an lạc’ - chị tâm sự. Trong niềm an lạc ấy, chị không giấu giếm niềm vui có một chỗ dựa tinh thần, luôn khích lệ từ một người yêu thương chị bằng sự thông hiểu, bù đắp bao vụn vỡ tâm hồn mà chị đã trải qua.

Giữa những cơn đau của phẫu thuật, rồi hóa trị, xạ trị, chị Kim Thư đã kịp tốt nghiệp, nhận tấm bằng cử nhân kinh tế. Chị thổ lộ rằng mình ‘ngủ đông’ hơi dài nên đã bỏ lỡ nhiều cơ hội, giờ là lúc phải sống bù bởi đã nạp rất nhiều năng lượng. Có đến thăm Kim Thư, nhìn chị nhanh nhẹn với mớ rau, con cá chuẩn bị cho bữa cơm gia đình hay tỉ mẩn với đường kim mũi chỉ, mới thấy nguồn ‘năng lượng sống’ của chị khó mà cạn kiệt.

Tuyết Dân

  (*) Trích từ bài thơ Trăng trối của Tố Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI