Khát vọng sống: Chạy thận suốt đời mà vẫn 'Nhẹ nhàng như không'

20/03/2017 - 13:25

PNO - Trên chiếc giường đặt ở nơi sáng sủa nhất căn nhà, Mạnh ngồi cúi gằm, đầu gối quá đầu, đôi chân gầy gò bất động như đã đặt ở tư thế ấy từ lâu lắm rồi.

Đôi tay chi chít những khối thịt sưng lên ngay những lỗ sâu hoắm của mũi kim sau trăm lần chạy thận, thoăn thoắt đưa tới đổi lui mấy sợi chỉ khác màu quanh cây bút bi quen thuộc. Tôi nhắc em thả đôi chân xuống, ngồi thẳng lưng lên. Từ tốn làm theo, đến khi đã 'đúng tư thế', Mạnh nhoẻn miệng cười, ra chiều gần gũi, cởi mở. Chỉ đến lúc ấy, tôi mới nhận ra đâu đó dáng nét của chàng trai 20 tuổi mình đã hình dung qua tiếng chỉ đường rành mạch trong điện thoại, trên suốt đường đi.

Khat vong song: Chay than suot doi ma van 'Nhe nhang nhu khong'
Huỳnh Tấn Mạnh trở thành "anh thợ đan bút" từ những ngày nằm trên giường bệnh

Những đoạn đường gió thốc tơi bời

'Lúc Mạnh phát bệnh, vợ chồng tui ở bên nhà chồng, tuốt luốt trong biền lúa đằng ấp 4, cả chục năm trời phải gửi con về đây ở với ngoại đi học cho gần. Hổng ngờ tới lúc gần con, lại là lúc mẹ phải nhìn con đau đớn, gầy mòn, con chứng kiến mẹ buồn bã, túng quẫn hết lần này tới lần khác' - ngồi bó gối ở một góc nhà, chị Phạm Thị Thu Vân (ấp 1A, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) run run kìm lại để tiếng nức nở không vọng đến chỗ đứa con trai gầy gò đang say sưa đan bút.

Tháng 8/2013, khi chỉ còn ba ngày nữa là nhập học lớp 12 của Trường THPT Rạch Kiến, Huỳnh Tấn Mạnh lên cơn sốt cao. Cơn sốt kéo dài nhiều ngày liền, mấy lần chị Vân mang con đi khám đều được chẩn đoán Mạnh nhiễm siêu vi. Uống thuốc hoài không hết, sợ con bị sốt xuất huyết, chị đưa con ra bệnh viện, xin được truyền dịch.

Truyền được non nửa chai nước biển, phát hiện những dấu hiệu lạ, các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An tức tốc đưa Mạnh lên xe cấp cứu, chuyển lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Xuất viện sau năm tuần ở bệnh viện mà vẫn không tìm ra bệnh, về nhà, chị Vân phát hiện mắt cá Mạnh sưng to.

Linh cảm chuyện chẳng lành, chị hỏi ý một người thân cũng là bác sĩ, quáng quàng đưa con lên Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) kiểm tra chức năng thận. Vừa thỏa lòng vì con đã được các bác sĩ ở Bệnh viện Bình Dân thử nước tiểu, nội soi; chị lại đổ sụp khi nghe chẩn đoán Mạnh bị 'suy thận giai đoạn cuối, liệt dây thần kinh bàng quang, phải mổ đặt ống thông tiểu và chạy thận suốt đời'.

Suốt giai đoạn ấy, sức khỏe Mạnh suy sụp. Biến chứng của bệnh suy thận khiến em không thể tiểu tiện, thường xuyên tăng huyết áp, tràn dịch màng phổi. Đúng như dự báo của bác sĩ, Mạnh trở nên trầm tính, nóng nảy. Cơn sốc vì con bệnh chưa qua, chị Vân phải chứng kiến cảnh con trở nên khó gần, cả nhà bấn loạn vì túng thiếu. Sau đợt mổ và hai tuần chạy thận, số tiền mà hai vợ chồng tích cóp chuẩn bị cho con vào lớp 12 cũng tiêu tan cùng bao nhiêu tiền vay mượn từ gia đình, chị Vân đành chuyển con về Long An chạy thận theo chỉ định của bác sĩ.

Vừa về tới nhà, Mạnh đã bàn tính với mẹ rồi gửi tập cho bạn chép bài giúp. Nhưng, mỗi tuần hai lần lên bệnh viện tỉnh chạy thận, những ngày còn lại, bất chấp ý chí của Mạnh, cơn khó thở, cao huyết áp đều đặn vật em nằm bẹp, không thể đến lớp.

Thấy tình hình không ổn, chị Vân năm lần bảy lượt hỏi xin các bác sĩ cho con được chạy thận ngay tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) nhưng đều không được. Đến lần cấp cứu thứ tám chỉ trong vòng hai tháng, các bác sĩ đồng ý cho Mạnh “vượt tuyến” chạy thận tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ngay thời điểm ấy, Mạnh giãy nảy, nhất quyết không chịu điều trị. Thương con vì đau đớn mà trở tính, chị Vân kiên nhẫn dỗ dành. Chừng như đã đủ đầy lý lẽ, chị lại thấy Mạnh bình thản quay sang hỏi: 'Năm nay con thi đại học mà đã trễ học mấy tháng rồi, giờ còn ở đây nữa thì tương lai con sẽ ra sao hả mẹ?'.

Để thuyết phục được Mạnh, chị Vân đành giải thích cho con những lần con khó thở, choáng váng là những trận huyết áp cao, tràn dịch màng phổi - những biến chứng chưa biết ngày dứt của căn bệnh suy thận mạn - và chạy thận là chuyện sống còn. Nói xong, không chịu nổi trước vẻ bình thản của Mạnh, chị ra hành lang, khuỵu người xuống khóc nức nở. 

Một buổi chiều sau đó, trong lúc chờ đến ca chạy thận, chị thấy Mạnh lặng lẽ đi ra khỏi phòng. Nhìn theo con, thấy Mạnh không đi về hướng nhà vệ sinh, chị Vân như sực tỉnh. Chị vùng chạy theo, gào lên: 'Con đi đâu đó, con ơi?'. Mạnh càng bước xăm xăm về phía hành lang. Chị Vân chạy nhào tới ôm lấy con. Giữ được con trong tay, chị vừa khóc, vừa vội vã gọi điện cho các em trai từ Long An lên động viên, khuyên nhủ Mạnh. Nhắc về cái lần dại dột ấy, Mạnh ngước mặt lên, cười buồn: 'Lúc đó em nghĩ mình sống để làm gì, tương lai em sẽ ra sao?'.

'Trụ cột' mỏng manh

Suốt bốn năm trời, mỗi tuần ba lần chạy thận với ít nhất 12 chuyến xe dài, từng có bao người khuyên hai mẹ con chuyển lên TP.HCM sống hẳn để Mạnh đỡ nhọc, nhưng vì thương em gái, Mạnh nhất quyết không chịu. Để bù chi phí đi lại, Mạnh nằng nặc đòi mẹ nhận bông mai vải về kết. Những tối Mạnh khỏe, ba mẹ con cùng ông bà ngoại ngồi kết đến 11 giờ đêm, cộng với số bông Mạnh làm một mình suốt một ngày dài, tiền công cũng chỉ được mười mấy ngàn đồng.

Những đêm huyết áp cao, khó ngủ, trằn trọc cho đến nửa đêm, khi đã chắc rằng cả nhà đã ngủ say, Mạnh lại se sẽ lấy túi hoa mai ra ngồi kết. Sáng ra, khoe nhau một túi đầy những hoa mai đã hoàn thiện, mẹ con Mạnh cùng cười khi tính ra tiền công đêm qua được… vài ngàn đồng.

Thấy Mạnh ham làm mà quên cả ngủ nghỉ, chị Vân đã có lần cương quyết không nhận thêm việc. Nhưng Mạnh còn cương quyết hơn. Thấy con một mực đòi tự đạp xe đi nhận hàng, chị Vân đành ngậm ngùi chiều ý con. Từ hôm đó, mẹ gói ghém đồ đạc chuẩn bị đi chạy thận, Mạnh tự tay chuẩn bị hết “đồ nghề” để mang theo lên bệnh viện ngồi kết hoa mai. Mỗi buổi chiều ra viện, những gói nguyên liệu mang theo lúc sáng đã hoàn thiện thành một bao đầy, hai mẹ con lại phụ nhau đưa túi hàng cồng kềnh về Cần Đước, Long An.

Dù thường an ủi mẹ rằng 'nghề kết hoa mai ít tiền nhưng ổn định', nhưng trong những ngày tháng tất bật, đau đớn ấy, Mạnh chưa bao giờ bằng lòng với hiện tại, mấy lần đòi mẹ đặt mua bàn làm nhang về để tự học làm. Sợ mùi nhang sẽ làm hại sức khỏe, chị Vân cùng người chồng làm nghề thợ hồ giấu nhẹm mọi khốn khó, trấn an con bằng “khoản tiền đề dành từ lúc mới cưới của ba mẹ”. Nhưng, nhìn đứa em gái tiu nghỉu mỗi lần cần đóng học phí, Mạnh càng hiểu tình hình của gia đình rồi quan sát, đọc báo, hỏi han mọi người để tìm cách kiếm tiền.

Khat vong song: Chay than suot doi ma van 'Nhe nhang nhu khong'
 

Một buổi trưa cuối năm 2014, thấy em gái vừa đi học về tới sân đã khoe chiếc bút bi đan tên 'Kim Chi' bằng chỉ màu, Mạnh vội ra cầm lấy cây bút, quan sát. Biết em mua “cây bút quý” giá 15.000đ, Mạnh lén lúc em không để ý, tháo từng mối chỉ ra để học cách làm. Chi phát hiện, thấy cây bút đã 'tơi tả' trong tay người anh đang say sưa đổi tới đổi lui mấy sợi chỉ, liền giật lại. Cuộc giằng co khiến em khóc inh ỏi, anh nằng nặc cam đoan 'để anh nghiên cứu làm cho em cây khác'.

Bằng cây bút đầu tiên ấy, Mạnh nghiên cứu hai ngày trời, rồi gửi em gái mua giùm mấy tép chỉ màu về đan thử. Những cây bút đầu tiên đan tên Kim Chi, đường chỉ xiêu vẹo, lên xuống. Em gái đòi anh đan tên bạn bè để mang lên trường… bán rẻ, Mạnh nhất định không chịu, quyết phải đan cho thật đẹp rồi mới 'ra mắt'. Ngày nào cũng vậy, Mạnh tự mò mẫm, rồi đo chỉ, làm dấu, đến khi chắc chắn rằng mỗi cây bút cần 3,5m chỉ thì nét chữ cũng sắc sảo dần. Mỗi cây bút bán ra với giá 12.000đ, Mạnh được em gái cùng các em họ đến trường 'quảng cáo'.

Đơn hàng ngày một nhiều, từ vài tiếng đồng hồ, Mạnh rút ngắn thời gian hoàn thiện mỗi cây bút xuống còn một tiếng, rồi vài chục phút. “Anh thợ đan bút” ngày một nổi tiếng trong những trường trung học, có những học sinh đến tận nhà để đặt hàng, chọn màu chỉ, rồi học đan. Vào vai một người 'rành nghề', Mạnh hoạt bát, vui vẻ hơn hẳn.
Nhìn Mạnh gầy gò ngồi giữa mớ chỉ màu, đôi tay thoăn thoắt vừa làm vừa chỉ em gái, ít ai nghĩ có những lúc, chính công việc ấy lại giúp em trở thành 'trụ cột' gia đình.

Hồi trước tết vừa rồi, chị Vân bị té ngã, chấn thương cột sống; từ bấy đến nay, chị không thể làm việc nặng. Sợ mẹ lo kiếm tiền, Mạnh tự phân công cho mình lo liệu hết phần học phí cho em và một phần tiền chợ búa, để ba kiếm tiền lo những việc lớn hơn trong gia đình. 

Từ sự giới thiệu của anh em, bạn bè, rồi cả những y bác sĩ, những người cùng điều trị ở khoa thận, Mạnh nhận được những đơn hàng vài trăm cây bút từ khắp mọi miền xa xôi cả trong và ngoài nước. Cả mẹ và em, cùng bạn học cũ đều từng có hàng giờ ngồi học đan để phụ Mạnh, nhưng không thành. Trên trang facebook Điều ước của Mạnh, có vô số những dòng trạng thái thông báo 'Mạnh ngưng nhận hàng do còn quá nhiều đơn phải giải quyết'.  

Tôi cầm bó bút được đan sắc sảo, đọc từng cái tên, đến đoạn 'L. yêu H.', Mạnh cười: 'Chắc bạn L. đó bị xù rồi nên không nhận bút nữa'. Cả nhà bật cười. Chị Vân lườm yêu con trai: 'Cứ nói như không vậy đó!'. Mạnh xua xua cánh tay chi chít những dấu kim: 'Mình phải nhẹ nhàng như không vậy đó, mẹ ơi!'...

Minh Trâm

Từ khóa cba
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI