'Hotboy bánh bò': Phải làm việc của đàn bà, mới biết thương phụ nữ

22/10/2017 - 10:47

PNO - Cậu thương mẹ cậu, ba cậu cũng vậy. Ông trời cho đàn ông cái sức mạnh để gánh vác chuyện lớn, để phụ nữ được nghỉ ngơi.

Mới sáng bảnh mắt, chợ Thới Hòa (Q.Bình Tân, TP.HCM) đã tấp nập người qua lại. Mấy dì mấy chị cắp giỏ đi chợ, rồi kiểu gì cũng sẽ dừng lại mua vài ba cái bánh bò, bánh lá mơ về làm quà cho bọn trẻ. Lý do đơn giản: “Thằng nhỏ bán bánh hổng biết con nhà ai mà cao ráo, trắng trẻo, đẹp trai dữ thần!”.

'Hotboy banh bo': Phai lam viec cua dan ba, moi biet thuong phu nu
"Hot boy bánh bò" Phạm Chí Cường

“Thằng nhỏ” tên Phạm Chí Cường, đã 24 tuổi. Nhìn nước da sáng mịn hơn cả con gái, ít ai nghĩ cậu suốt ngày lao động quần quật. Hai năm nay, cậu vẫn đều đặn chở tủ bánh tới chợ này. Chắc vì thương thằng nhỏ buôn gánh bán bưng giữa chợ - hình ảnh vẫn mặc định là của đàn bà, nên các mợ thường mua ủng hộ.

Mới hơn 7g sáng, tủ bánh chỉ còn vài chiếc, Cường hớn hở thu dọn, ra về. Mà ngộ là những ngày bán hết sớm, người ta vẫn thấy cậu tất bật, bởi trong căn nhà thuê trên đường Nguyễn Thị Tú, Q.Bình Tân, có cả một núi việc đang chờ cậu: dọn dẹp bãi chiến trường sau “quy trình sản xuất” bánh bò kéo dài từ 2-5 giờ sáng, rồi quày quả đi đón mẹ. Độ rày mẹ yếu, chỉ có thể ngồi một chỗ bán bánh, mà lâu tí là mẹ mệt.

Hôm nào mẹ mệt, Cường phải lo cơm nước cho cả nhà. Nghỉ ngơi được một chút cậu lại lao vào chuẩn bị nguyên liệu. Nhồi liên tục 10kg bột trong cả giờ đồng hồ. Cường giành phần việc này để ba mẹ được ngủ nhiều hơn một chút, vì 1g sáng ba mẹ đã phải dậy làm bánh.

Cường với nhóc em được ngủ tới 3g, rồi cả nhà lại xúm xít làm. Hàng trăm chiếc bánh nóng hổi sẽ theo chân cả nhà Cường tỏa ra các chợ, để nuôi một nhà mấy miệng ăn giữa Sài Gòn đất chật người đông.

- Cường bán giỏi vậy, chắc chẳng bao giờ phải ăn bánh trừ cơm ha?

- Đâu có, bữa em đi bán lúc 5g sáng, trời còn tối thui, có cái xe nước đá tông xe em, bể tủ kiếng, bánh văng tùm lum. Cái niềng xe cong queo, em phải dắt bộ về, sửa, sắm lại tủ hết mấy trăm ngàn.

- Sao em không nói người ta bồi thường?

- Người ta chở đá thuê tiền đâu mà đền. Không bị gãy tay gãy chân là mừng rồi chị.

- Rồi hôm đó ăn bánh ngán hông?

- Dạ, cũng may ít khi bị ế. Còn bao nhiêu bánh, ba đem bán buổi chiều. Ba chịu khó bán hết mới về. Hôm nào ế, tội ba lắm chị - phải đạp xe xa hơn, lâu hơn, mà ba hổng than tiếng nào hết.

- Sao em không đưa xe máy cho ba đi? 

- Ba hổng chịu chị ơi. Ba nói đạp xe chậm vậy người ta mới kịp chạy ra mua, chớ đi xe máy lỡ ai muốn ăn, chưa kịp kêu mình đã chạy tuốt rồi.

Mà cái cậu Cường này, rất chi là tham vọng. Cậu mơ làm ca sĩ. Cậu nhín thời gian và tiền bán bánh bò để đăng ký học thanh nhạc, rồi theo người ta đi hát và học lóm nghề MC. Hằng tuần cậu đều có sô dẫn chương trình đám cưới, tiệc tùng ở nhà hàng. Một buổi kiếm được vài trăm ngàn, cậu đưa hết cho mẹ.

Cậu bảo: “Có ra chợ dãi nắng dầm mưa mới thấy thương thân đàn bà quanh năm buôn bán”. Cậu thương mẹ cậu, ba cậu cũng vậy. Ông trời cho đàn ông cái sức mạnh để gánh vác chuyện lớn, để phụ nữ được nghỉ ngơi. 

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI