Họp phụ huynh sao mà mệt!

27/05/2017 - 10:30

PNO - Giáo dục đang trở thành chuyện của mọi nhà. Chuyện đi họp đóng tiền thực ra là chuyện nhỏ thôi, đừng thổi lên để rồi nó che khuất mất giá trị của cuộc họp quan trọng cần thiết ấy.

Cuối năm, họp phụ huynh thành một dịp để… mệt mỏi, cả cha mẹ và con. Nhận thông báo họp phụ huynh, cha mẹ nào cũng thủ sẵn tiền, thế nào cũng phải nộp quỹ lớp, liên hoan cuối năm, quà cho các cháu học sinh giỏi. Con thì nơm nớp lo, không biết cô có nói gì không, đi họp về lần nào cũng bị nghe “bài ca con cá”. 

Hop phu huynh sao ma met!
Ảnh minh họa

Giáo viên chẳng vui vẻ gì, cũng phải chuẩn bị đủ thứ cho cuộc họp, cả chuẩn bị tâm lý ứng phó với những phụ huynh coi “học sinh là trung tâm” theo nghĩa tiêu cực, vặn vẹo đủ thứ tại sao con họ điểm kém, tại sao thế này tại sao thế kia…

Điều kiện kinh tế được cải thiện dần, các gia đình tập trung cho việc học của con, buổi họp phụ huynh thường đông đủ, nhưng tính ra, mình đi họp phụ huynh mười mấy năm, ngành giáo dục cải tiến cải cách nhiều lần, mà cuộc họp vẫn y chang như cũ. 

Nhịp cầu nối giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ học sinh học tập tốt, trưởng thành toàn diện - đó là ý nghĩa thực sự của các cuộc họp phụ huynh, cả cuộc họp đông người lẫn “họp ít người” - những học sinh vi phạm bị mời phụ huynh lên trường làm việc.

Nhưng từ lâu nay, có lẽ do tư duy báo cáo (sĩ số, chuyên cần, tỷ lệ học sinh giỏi/kém, cơ sở vật chất nhà trường, kết quả kiểm tra chất lượng kiểm tra học kỳ, thay đổi chủ trương, cải tiến hình thức thi cử đánh giá…) nên nhà trường nhất định phải tập hợp phụ huynh cả lớp, nghe giáo viên chủ nhiệm trình bày. Kéo theo là chuyện đóng tiền, từ phụ thành chính, khiến những buổi họp trở nên nhàm chán, mệt mỏi.

Điều mỗi phụ huynh quan tâm là con mình học thế nào, khó khăn môn nào, quậy phá gì không, có năng khiếu đặc biệt nào không… thì phải nán lại đợi hỏi riêng giáo viên. Một số giáo viên chủ nhiệm đưa phần nhận xét từng học sinh vào báo cáo chung trước lớp, khiến nhiều cha mẹ thấy xấu hổ vì kết quả học của con, về nhà lại trút thịnh nộ lên đầu con… 

Có lẽ, cần khẳng định lại một lần nữa câu chuyện “học sinh là trung tâm”, không phải chỉ là trung tâm “tĩnh”, đặt các em đứng giữa để cha mẹ nhà trường chạy vòng quanh, mà là trung tâm “động” - các hoạt động của trường lớp, cha mẹ phải lấy sự học, lấy sự trưởng thành của các em làm trung tâm. 

Giáo dục đang trở thành chuyện của mọi nhà. Chuyện đi họp đóng tiền thực ra là chuyện nhỏ thôi, đừng thổi lên để rồi nó che khuất mất giá trị của cuộc họp quan trọng cần thiết ấy. Chỉ có điều, để được những lợi ích thực sự từ cuộc họp, đòi hỏi nhà trường, giáo viên đều phải thay đổi cách tổ chức, để có thể cá nhân hóa cuộc họp theo lợi ích của từng học trò nhỏ, từng gia đình nhỏ.

Mỗi học sinh thực sự là con người nhỏ bé đang trên hành trình trưởng thành, mỗi phụ huynh là một cá nhân có ước mơ, quan tâm, suy nghĩ riêng, chứ không phải là “hội phụ huynh” chung chung. Cuộc họp giữa thầy cô và cha mẹ, là để cho con, là vì con…

Minh Xuyên 

Họp phụ huynh ở Pháp, nhà trường thông báo thời gian diễn ra các cuộc họp trong khoảng bốn - sáu tuần cuối học kỳ, gửi phiếu thông tin về cho phụ huynh, đầy đủ kết quả học tập, nhận xét, chính sách, thay đổi, số liệu… Phụ huynh thu xếp thời gian, hẹn lịch lên trường gặp giáo viên, mỗi cuộc họp là về một học sinh, kéo dài từ khoảng 15 phút hoặc dài hơn nếu có vấn đề.

Những triển vọng, những rủi ro, những ghi chú riêng của giáo viên dành cho phụ huynh, những lưu ý, gửi gắm riêng của phụ huynh cho nhà trường… được trao đổi thoải mái, cặn kẽ. Cuộc họp trực tiếp này đúng là một nhịp cầu được thiết kế phù hợp cho gia đình và nhà trường, từ thời gian đến nội dung, mà vẫn đảm bảo tôn trọng thông tin riêng của mỗi cá nhân học sinh, cha mẹ học sinh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI