Tổ ấm dần lạnh nhạt hương lửa, vì sao?

25/11/2015 - 14:21

PNO - Sau hai năm kết hôn, hầu hết chị em thừa nhận rằng hôn nhân không như mong đợi. Nguyên nhân chính là thiếu những phút giây riêng tư...

Một nghiên cứu mới nhất về mức độ thỏa mãn trong hôn nhân của phụ nữ Hàn Quốc cho kết quả khiến nhiều người giật mình. Với 1.000 phụ nữ được khảo sát, số điểm trung bình mà chị em đánh giá về cuộc hôn nhân của mình chỉ hơn 50 xét theo thang điểm 100. Sau hai năm kết hôn, hầu hết chị em thừa nhận rằng hôn nhân không như mong đợi. Nguyên nhân chính là thiếu những phút giây riêng tư, gần gũi vợ chồng.

To am dan lanh nhat huong lua, vi sao?
Hiếm lắm một ông bố Hàn Quốc mới có thời gian dành cho gia đình - Ảnh: KOREABANG

Giáo sư Robert Rudolph thuộc khoa Quan hệ quốc tế của Đại học Hàn Quốc, trưởng nhóm khảo sát nhìn nhận: “Đây là hiện tượng xã hội dần trở nên phổ biến trong đời sống hôn nhân của các gia đình trẻ tại Hàn Quốc. Người đàn ông trụ cột quá bận rộn với công việc. Áp lực là quốc gia có nền kinh tế thuộc nhóm đầu của Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế (OECD) khiến người lao động nước này phải hy sinh thời gian bên gia đình nếu muốn bắt kịp cuộc đua kinh tế”.

Chị Chiyun (36 tuổi), sống ở Seoul, ngán ngẩm kể chuyện gia đình và tự nhận mình là nạn nhân từ tình trạng công việc quá tải của chồng. Kết hôn 5 năm nhưng vợ chồng chị vẫn chưa có con. Thời gian đầu, cả hai thống nhất chưa sinh nở vì muốn ổn định chỗ ở và nghề nghiệp.

Thế nhưng, khi Chiyun nhận thấy gia đình có đủ điều kiện kinh tế thì lại thiếu “đối tác”. Mỗi tháng, vợ chồng họ chỉ gần nhau một-hai lần, có tháng chẳng được lần nào. Chị lo rằng mình không thể đợi lâu hơn vì sẽ qua giai đoạn lý tưởng cho sức khỏe sinh sản.

Ở Hàn Quốc, giờ tan ca quy định trong hợp đồng lao động của các công ty là 6 giờ chiều, nhưng ít ai rời khỏi bàn làm việc lúc ấy. Họ thường nấn ná làm thêm cho mọi việc hoàn tất, thậm chí đơn giản chỉ là chờ đợi cấp trên… về trước. Theo văn hóa người Hàn Quốc, như thế mới thể hiện sự chăm chỉ, chuyên tâm vào công việc.

Tờ báo Hankyoreh thực hiện khảo sát ngẫu nhiên ở nhóm phụ nữ trong độ tuổi 30-45 và đã lập gia đình (đa số là nội trợ), phát hiện tất cả đều mong chồng mình về nhà trước giờ cơm, âu yếm vợ, thăm hỏi và chăm sóc con cái, hoặc phụ giúp vợ việc nhà.

Thực tế, mỗi ngày, người chồng chỉ có khoảng một-hai giờ ở bên vợ con, còn lại, họ nghỉ ngơi rồi lại tất bật trở lại công sở. Họ ra khỏi nhà trước 7 giờ sáng và hiếm khi về trước 9 giờ tối. Trong vài giờ ít ỏi giáp mặt nhau ở nhà, họ chỉ dành chừng 40 phút nói chuyện, nhưng nội dung thường xoay quanh cơm áo gạo tiền, còn lại, họ xem truyền hình, lướt web hơn là giao tiếp vợ chồng, dù vẫn ở cạnh nhau, chung một mái nhà.

Thời gian dành cho tổ ấm càng eo hẹp hơn với nhiều đôi vợ chồng trẻ. Họ chạy đua cùng thời gian mỗi ngày do nơi làm việc và chỗ ở cách xa nhau. Chị Seo-yeon (32 tuổi) cho biết, chồng mình mỗi ngày mất ba giờ đón xe buýt đi-về. Đến khi trở về nhà, chồng chị đã rã rời, chẳng còn thiết tha hỏi thăm con cái, ham muốn vợ chồng cũng lụi tàn.

Khảo sát trong mùa hè vừa qua ở Hàn Quốc cho thấy, 51,7% trong số 1.000 người được hỏi nói rằng, họ chán du lịch ngắm cảnh và muốn dành thời gian ấy ở nhà với vợ/chồng, bù cho những ngày túi bụi chạy theo công việc. Kỳ thực, họ quá mệt mỏi.

Theo nhà xã hội Shin Kwang-young, trong bảng khảo sát, nhiều người trẻ đã kết hôn nói rằng họ thậm chí không có bữa tối bên mâm cơm gia đình. Vì thế, họ chỉ muốn nghỉ phép để có một bữa tối trọn vẹn, không phải gấp gáp ăn uống-ngủ nghỉ-đi làm để rồi lãng quên cả những cử chỉ yêu thương.

Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc đang giảm 1,19 em bé ở mỗi phụ nữ. Theo một số dự đoán của các nhà xã hội trên thế giới, chỉ trong 300 năm nữa, người Hàn Quốc sẽ… tuyệt chủng. Những năm gần đây, chính phủ Hàn Quốc đã đề cập đến hướng giải quyết thực trạng này.

Bộ Y tế Hàn Quốc có chương trình “Tắt đèn lúc 7 giờ tối” tại cơ quan, buộc nhân viên về nhà, tận hưởng thời gian cùng người thân. Chương trình áp dụng mỗi tháng, dù chưa tạo thay đổi lớn trong xã hội nhưng khiến nhiều người phải chú ý.

Một số công ty, tập đoàn tư nhân quan tâm hơn đến đời sống tinh thần của nhân viên, như Samsung hay CJ, có chương trình “Smart Days” (Ngày thư thái), “Family Days” (Ngày gia đình) bố trí xen kẽ trong năm, khuyến khích nhân viên tan sở đúng giờ và dành thêm thời gian riêng tư cho vợ chồng.

Thiên Như (Theo Hankyoreh, Koreabang, Chosun Ilboasiaoptions.org)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI