Hậu vận bí ẩn của một bà hoàng triều Hồ

29/08/2015 - 14:53

PNO - Thời gian tồn tại ngắn nên nhiều thông tin về nhà Hồ chưa được rõ ràng, bởi vậy chuyện nội cung của triều đại này cũng phủ màn sương mờ ảo

Hồ Qúy Ly là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử, về đời tư sử sách ghi chép vài dòng ngắn ngủi nên ít người biết rằng ông có một mối duyên tình kỳ lạ với nàng công chúa Trần triều.

Tương truyền, lúc hàn vi theo người cha đi buôn bằng đường biển. một lên bờ, Quý Ly thấy trên bãi biển có ai dòng chữ: “Quảng Hàn cung lý nhất chi mai” (trong cung Quảng Hàn có một cành mai). Thấy lạ, lại hay nên ông nhẩm thuộc lòng câu đó. Khi làm quan, một lần cùng vua Trần đi dạo đến điện Thanh Thử, nơi trồng nhiều cây quế, vua ra câu đối:

- Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế.

Các quan đều lúng túng chưa kịp đối lại thì Quý Ly đã đọc luôn:

- Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai.

Cả hai câu ghép lại thành hai vế đối nhau rất chỉnh với nghĩa là:

Thanh Thử điện kia ngàn gốc quế

Quảng Hàn cung nọ một cành mai.

Ai cũng phục tài Quý Ly, còn vua Trần kinh ngạc hỏi rằng:

- Sao ngươi biết trong cung có công chúa Nhất Chi Mai, nơi ở của công chúa là cung Quảng Hàn?

Quý Ly cứ thực tình tâu lại việc cũ năm xưa. Vua Trần cho là chuyện lạ do trời liền bèn gả công chúa Nhất Chi Mai cho Quý Ly. Công chúa xinh đẹp như nhành hoa mai trắng nên dân gian lấy tên nàng đặt cho mai trắng (bạch mai) và ghép tên nàng cùng chức quan của chồng, từ đó loài mai này được gọi là Mai ngự sử hay Nhất chi mai.

Hau van bi an cua mot ba hoang trieu Ho

Hồ Qúy Ly (Tranh minh họa )

Còn theo chính sử, không có đoạn nào nhắc đến cung Quảng Hàn hay biệt hiệu Nhất Chi Mai cũng như chuyện về câu thơ trên bãi cát mà Qúy Ly đọc được, ông cũng chưa bao giờ giữ chức quan Ngự sử. Cuộc hôn nhân này cũng không phải do vua Trần Minh Tông tác thành bởi ông mất năm Đinh Dậu (1357), theo sử sách công chúa Huy Ninh, được anh trai là Trần Nghệ Tông gả cho Qúy Ly vào tháng 5 năm Tân Hợi (1371). Bà vốn đã có một đời chồng là Trần Tung và một người con là Trần Đỗ.

Tháng 9 năm Canh Tuất (1370) Trần Tung cùng một số đại thần lật đổ Dương Nhật Lễ nhưng không thành nên bị giết. Sau khi dẹp loạn cung đình, Trần Nghệ Tông đã đem em gái góa gả cho Qúy Ly.

Kết quả của mối duyên tình này là công chúa Huy Ninh đã sinh cho Qúy Ly hai người con, con gái là Thánh Ngâu sau trở thành Khâm Thánh hoàng hậu của vua Trần Thuận Tông. Còn người con trai tên là Hán Thương, khi Qúy Ly lập ra nhà Hồ, làm vua gần một năm thì nhường ngôi cho người con này, Hán Thương ở ngôi hơn 6 năm, đặt hai niên hiệu là Thiệu Thành, Khai Đại.

Cũng từ thời điểm đó, hình ảnh của bà hoàng này hoàn toàn biến mất trong sử sách. Có thuyết cho rằng thời gian Hồ Quý Ly ở ngôi, công chúa Huy Ninh được lập làm Hoàng hậu, khi ông nhường ngôi để lên làm Thái thượng hoàng thì Hoàng hậu có lẽ ở địa vị Thái hậu. Tiếc là sử sách không chép mỹ hiệu của bà khi làm Hoàng hậu và mỹ hiệu khi làm Thái hậu.

Năm Đinh Hợi (1407) cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược của nhà Hồ thất bại, quân Minh đuổi đánh đến cửa biển Kỳ La (nay là cửa Nhượng Lặn, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bắt được Thượng hoàng Hồ Qúy Ly và con trai cả là Tướng quốc Hồ Nguyễn Trừng ở gần núi Thiên Cầm, còn  Hồ Hán Thương và thái tử Hồ Nhuế cùng nhiều quan chức bị bắt ở núi Cao Vọng (nay thuộc làng Bình Lễ, huyện Kỳ Anh).

Hau van bi an cua mot ba hoang trieu Ho

E ấp dưới cành mai (Tranh minh họa)

Không có ghi chép về chuyện giặc Minh bắt được hậu phi của các vua nhà Hồ, bởi vậy cho đến tận ngày nay số phận người vợ Nhất Chi Mai (tức công chúa Huy Ninh)  có kết cục ra sao, không ai biết rõ. Tuy nhiên, về chuyện này còn có điểm tồn nghi, theo chính sử cuối tháng 12 năm Canh Thìn (1400), sau khi nhường ngôi cho con, Hồ Qúy Ly đã “sai sứ sang nước Minh nói rằng họ Trần không còn người, Hồ Hán Thương là cháu ngoại của Trần Minh Tông tạm trông coi việc nước” (Đại Việt sử ký toàn thư). Sử sách còn ghi thêm rằng: “Mẹ sinh ra Hán Thương là công chúa Huy Ninh, truy tôn làm Thái Tư hoàng hậu”. Dựa theo điều đó có thể suy đoán, việc truy tôn chỉ áp dụng với người đã mất, hơn nữa chỉ có vua mới truy phong cho người vợ của mình tước vị hoàng hậu, do vậy có lẽ công chúa Huy Ninh đã mất trước khi Hồ Qúy Ly đoạt được ngai vàng, hoặc có thể bà mất sau khi ông lên ngôi không lâu, khi mà Hồ Qúy Ly chưa kịp chính thức phong bà làm Hoàng hậu.

Việc truy phong này chắc chắn do Hồ Qúy Ly thực hiện, vì nếu việc truy phong được tiến hành dưới thời Hồ Hán Thương cầm quyền thì phải truy tôn người mẹ đã mất của mình là Thái hậu chứ không phải là Hoàng hậu.

Lê Thái Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI