Giữ hòa khí gia đình trong cách giáo dục con

25/12/2016 - 11:30

PNO - Tính chất của một cuộc hôn nhân có thể thay đổi hoàn toàn khi con cái ra đời. Vợ chồng sẽ gặp sức ép của trách nhiệm làm cha mẹ, đến mức họ đẩy trách nhiệm làm vợ và chồng ra hàng sau.

Tính chất của một cuộc hôn nhân có thể thay đổi hoàn toàn khi con cái ra đời. Vợ chồng sẽ gặp sức ép của trách nhiệm làm cha mẹ, đến mức họ đẩy trách nhiệm làm vợ và chồng ra hàng sau. Một cuộc cãi vã do bất đồng trong cách kỷ luật con trẻ cũng có thể leo thang thành xung đột làm lung lay cuộc hôn nhân của bạn. Nhưng đây là trường hợp khó tránh khỏi, vì việc có con rồi nuôi dưỡng chúng là một “dự án” mà vợ chồng nào cũng có. Cặp đôi cần phải hợp tác để vượt qua bước ngoặt quan trọng này.

Bàn luận

Lý tưởng nhất là vợ chồng nói chuyện với nhau về vấn đề con cái, trước và sau khi lấy nhau. Vợ chồng phải chia sẻ cho nhau hiểu cách giáo dục con của mỗi người. Thường thì cách dạy con chịu ảnh hưởng từ cách mà mỗi người được nuôi lớn. Vợ chồng nên bàn luận về việc muốn dạy giống hay khác với cách bố mẹ mình đã sử dụng, và tại sao.

Tìm sự cố vấn từ cha mẹ của bạn và cha mẹ vợ/chồng bạn cũng là việc nên làm. Các cuộc bàn luận càng chi tiết càng tốt, với những chủ đề cầ n thiết nhất như cách kỷ luật cho đến lặt vặt nhất như tiền chi tiêu cho trẻ và giờ đi ngủ. Chắc chắn vợ chồng sẽ có bất đồng ý kiến, đó là lúc ta cần đạt đến các thỏa thuận.

Giu hoa khi gia dinh trong cach giao duc con

Cùng nhau đặt luật lệ

“Ba ơi, con ăn kem được chứ?”. “Hỏi mẹ ấy!”. Tại sao tình cảnh này lại trở nên quá phổ biến? Khi vợ chồng không đồng lòng với các điều luật trong gia đình, dù là trong việc dạy con, thì trước sau gì cũng dẫn đến xung đột. Bạn cũng không thể đặt ra các điều luật mơ hồ như “hư thì bị phạt”. Vậy khi trẻ đi chơi, về vào lúc nào thì gọi là trễ? Thời gian chơi với máy tính là bao lâu? Kiểu luật lệ như thế sẽ dẫn đến các trường hợp “ông nói gà, bà nói vịt”.

Vợ chồng cần ngồi lại với nhau để đặt ra các điều luật quy củ của gia đình. Hãy đi vào chi tiết và ghi lại chúng, nếu có thể. Sau đó, hãy đưa bảng luật lệ này cho con trẻ xem. Đừng ngại hỏi ý kiến của trẻ, vì tốt nhất là gia đình nên có một bộ luật chung mà mọi người đều đồng ý.

Quyết định hình phạt

Đặt ra luật lệ là một chuyện, đến lúc cần phạt trẻ khi chúng vi phạm lại là một chuyện hoàn toàn khác. Nếu vợ và chồng có một cái nhìn khác nhau trong việc dạy con, thì hình phạt là điều gây ra tranh cãi nhiều nhất. Nhiều bố mẹ muốn áp dụng kỷ luật một cách dễ chịu, chỉ nói chuyện với con cái khi chúng phạm lỗi, trong khi có người lại rất nghiêm khắc và muốn đưa ra các hình phạt mạnh để giữ vững quy củ.

Vì thế, cùng lúc đặt ra các luật lệ, vợ chồng cũng nên bàn luận về hình phạt. Để tránh xung đột, mỗi người phải hiểu rằng ta cần chấp nhận thỏa thuận. Chẳng hạn, người nghiêm khắc cần chấp nhận có những lỗi lầm không quá nghiêm trọng, không cần đến các hình phạt nặng; ngược lại, người dễ tính hơn cũng nên đồng ý rằng có những vi phạm quá nghiêm trọng, cần phải có hình phạt nghiêm, đủ gây ấn tượng cho trẻ.

Hỗ trợ nhau

Sau khi các điều luật và hình phạt đã được đặt ra, vợ chồng nhất thiết phải bám theo chúng. Bạn sẽ đẩy gia đình đến... thảm họa khi một người bám theo luật còn người kia thì cho phép trẻ phá vỡ luật và không đưa ra hình phạt thích hợp. Luật lệ cần phải được tuân thủ, nếu không sẽ không ai tôn trọng chúng.

Nếu trẻ vi phạm và một trong hai vợ chồng phải đứng ra để xử phạt, người còn lại phải tỏ ý ủng hộ việc kỷ luật. Đừng để trẻ thấy vợ chồng bạn có thể dễ dàng bị chia rẽ và lợi dụng để “lách” luật.

Tránh bất đồng ý kiến trước mặt trẻ

Đừng coi thường trẻ con, chúng ranh mãnh hơn bạn nghĩ. Nếu như cách xử phạt không vượt quá tầm tay, thì dù bạn có không đồng ý với vợ/chồng mình trong cách dạy trẻ, cũng đừng để cho trẻ thấy điều đó. Trẻ con sẽ để ý điều bất hòa đó và sử dụng chúng.

Chẳng hạn, trẻ thấy mẹ không thích cho chúng chơi máy tính quá lâu, nhưng bố thì lại “OK”, lần sau chúng sẽ xin phép bố để chơi rồi viện cớ: “Bố cho con chơi rồi mà”. Nếu bạn bất đồng trong việc gì đó, hãy bàn lại sau; nếu không thể chờ được thì bạn vẫn có thể gọi người kia ra nói chuyện riêng một lúc. Luôn để cho trẻ thấy cả bố lẫn mẹ lúc nào cũng đồng tình và ủng hộ lẫn nhau trong việc kỷ luật.

Linh động

Hiển nhiên, việc dạy trẻ phải linh động và liên tục được kiểm định, thay đổi. Tùy theo độ tuổi của trẻ, bố mẹ phải nhiều lần ngồi lại, tiếp tục sửa đổi luật lệ trong gia đình. Tùy theo tính tình của trẻ, có đứa cần được theo dõi nhiều hơn, có đứa cần tự do nhiều hơn.

Có trẻ lại rất giỏi lợi dụng và điều khiển người lớn, nhưng cũng có trẻ dễ bảo hơn. Cách giáo dục, kỷ luật con cái cần phải phù hợp với trẻ và tùy tình huống. Cần nhớ rằng, nếu bạn cảm thấy cần phải thay đổi thì nên bàn bạc lại với người kia để cùng đạt đến thỏa thuận chung.

Bao giờ cũng có cơ hội thứ hai

Bạn cần hiểu rằng, bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng có thể mắc phải lỗi lầm. Chuyện trẻ con quấy phá đến mức làm bố mẹ mất bình tĩnh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, với bất kỳ ai. Nhưng khi vợ hoặc chồng của bạn mắc lỗi, đừng vội nóng nảy đổ lỗi, xúc phạm người kia. Hãy chờ cho đến khi con cái không có mặt để nói chuyện một cách bình tĩnh, sẵn sàng tha thứ. Nên nhớ rằng đây là bạn đời, không phải đối thủ.

Đừng để sự bất đồng trong cách dạy con gây mâu thuẫn giữa vợ chồng. Đừng quên rằng bố mẹ hay vợ chồng là hai người cùng giữ vai trò đứng đầu trong gia đình. Cũng như bất kỳ tổ chức nào, khi lãnh đạo không đồng ý với nhau thì sẽ làm hỏng việc.

Hơn thế nữa, bất đồng ý kiến trong kỷ luật cũng gây ảnh hưởng xấu đến con trẻ. Sau cùng, việc giữ vững hòa khí vợ chồng lại là một yếu tố rất quan trọng trong việc gìn giữ hạnh phúc gia đình, nuôi dưỡng con cái.

Thành Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI